Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngay cả doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế cũng phải tiết kiệm tối đa. Mới đây, Tập đoàn Dầu khí đã đưa ra một chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí với tổng giá trị tiền cam kết tiết kiệm chi tiêu lên tới 3.715 tỷ đồng. Trong đó, việc tiết giảm chi phí từ cải tiến, hợp lý hóa sản xuất và tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng được tập đoàn này đặt mục tiêu phấn đấu tiết giảm lên tới 2.656,0 tỷ đồng.
“Nhà giàu” cũng phải tiết kiệm tối đa
Để thực hiện mục tiêu này, Tập đoàn Dầu khí đã và đang tiến hành rà soát, hiệu chỉnh các định mức kinh tế kỹ thuật về tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng; định mức khai thác và sử dụng máy móc, thiết bị. Hợp lý hóa sản xuất, thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng đúng và vượt tiến độ trên cơ sở tối ưu hóa quy trình công nghệ, chuẩn bị nhân lực, vật tư và phụ tùng. Cải tiến phương pháp thi công, xây lắp theo hướng chuyên nghiệp, đưa các công trình mới vào vận hành đúng hoặc vượt tiến độ. Rà soát vật tư dự trữ, phối hợp với các đơn vị trong ngành huy động tối đa vật tư tồn kho lâu ngày, chậm luân chuyển để đưa vào sản xuất.
Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp khí (PVID) – đơn vị thành viên của Tổng Công ty Khí Việt Nam đã chính thức đưa dây chuyền bọc Bend (bọc ống cong) và phụ kiện vào hoạt động. Dây chuyền bọc Bend và phụ kiện là một trong những dây chuyền công nghệ tân tiến, hiện đại của thế giới do nhà thầu Dimett Watsser (Malaysia) cung cấp và lắp đặt với tổng kinh phí đầu tư gần 35 tỷ đồng. Dây chuyền bao gồm 3 bộ phận chính là Blasting Chamber (Buồng phun hạt thép làm sạch bề mặt), Oven Chamber (Buồng gia nhiệt với nhiệt độ từ 180°C – 240°C) và Spray Booth (Buồng phun FBE & lớp PE/PP).
Với dây chuyền này, PVID có thể thực hiện dịch vụ bọc chống ăn mòn ống cong và phụ kiện bằng các loại vật liệu như: FBE (Fusion Bonded Epoxy), PE/PP (Polyethylene/Polypropylene). Những sản phẩm bọc Bends và phụ kiện cho dự án Sư Tử Trắng đều đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của PVID trong quá trình phát triển, đặc biệt là trong việc thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, phát huy nội lực của ngành Dầu khí Việt Nam.
Tuy mới đưa Nhà máy Bọc ống Dầu khí đi vào hoạt động hơn 1 năm với 2 sản phẩm (3L PE/PP, bê tông gia trọng) ban đầu, nhưng cho đến thời điểm này, PVID đã nâng tổng số sản phẩm bọc ống của mình lên thành 5 loại, cụ thể: Bọc chống ăn mòn, bọc bê tông gia trọng, bọc bảo ôn PUF (Polyurethan Foam), bọc bảo ôn MLPP (Multilayer Polypropylene), bọc Bend và phụ kiện. Điều này đóng góp một phần trong việc tiết kiệm ngoại tệ; chủ động trong việc điều hành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của Petrovietnam và Tổng công ty Khí Việt Nam-CTCP (PV Gas).
Trước mắt, dây chuyền bọc Bend và phụ kiện phục vụ việc thực hiện dự án Sư Tử Trắng do Cửu Long JOC làm chủ đầu tư. Theo hợp đồng ký kết, PVID sẽ bọc gần 20km ống dầu khí các loại. Tiếp theo, dây chuyền bọc Bend và phụ kiện của PVID đang tham gia thực hiện các gói thầu Carbon Steel và Biển Đông – Nam Côn Sơn 2 của dự án Biển Đông 1 và sắp tới là các dự án: Hải Sư Trắng – Hải Sư Đen, Nam Côn Sơn 2, Lô B – Ô Môn,…
Bảo vệ môi trường
Với những giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả, nhiều đơn vị trong PVN đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001, OSHAS 18001 về môi trường. PVN đã nỗ lực tham gia thực hiện các mục tiêu giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu bằng các dự án, cơ chế phát triển sạch (CDM). Các dự án thu hồi và sử dụng khí đồng hành trong hoạt động khai thác dầu và khí để sử dụng cho mục đích cung cấp năng lượng, cũng như sản xuất các sản phẩm hóa dầu luôn là tiềm năng lớn của PVN trong phát triển CDM. Hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính từ các dự án thuộc lĩnh vực này rất lớn. Thành công nhất là dự án thu hồi và sử dụng khí đồng hành tại mỏ dầu Rạng Đông (Vũng Tàu). Khí đồng hành thu được làm nhiên liệu cho các nhà máy điện, khí hóa lỏng dùng trong sinh hoạt...
Theo tính toán, bằng cách tránh đốt bỏ khí đồng hành (đầu tư hệ thống giàn nén và đường ống đưa khí về bờ), dự án giúp giảm phát khí thải khoảng 6,7 triệu tấn CO2 trong thời gian 10 năm, với trị giá tương đương khoảng 45 triệu USD. Đây là nguồn thu đáng kể, rút ngắn thời gian hoàn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, tạo lập nguồn kinh phí tái đầu tư phát triển CDM.
Với định hướng mở rộng đầu tư, PVN đã đầu tư vào sản xuất điện để cung cấp cho lưới điện quốc gia bằng các dự án thủy điện lớn của Tổng Công ty Điện lực dầu khí, như các thủy điện Hủa Na, Nậm Chiến, Đakđrinh… Các dự án này đều có tiềm năng để phát triển CDM trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp năng lượng tái tạo. PVN cũng hướng tới các dự án xây dựng nhà máy điện sử dụng sức gió và năng lượng mặt trời. Đây là hướng đi cơ bản trong việc chuyển đổi sử dụng nguồn nhiên liệu có thể tái tạo và nhiên liệu sạch.
Có thể nói, sự nỗ lực của TĐDKVN với những việc làm cụ thể, đã góp phần tăng năng lực sản xuất, hiệu quả sản xuất kinh doanh.
| |
NGUYỄN THU TUYẾT