Các bà nội trợ 2 tháng gần đây đều có chung một mối quan tâm, đó là “siêng” kiểm tra hóa đơn tiền điện hàng tháng. Trên các bàn cà phê cuối tuần, câu chuyện chi phí sinh hoạt gia đình được thảo luận rất sôi nổi. Âu đó cũng là hiệu ứng thường tình khi giá điện sinh hoạt đột ngột tăng thêm 7,5% (mức tăng do ngành điện công bố), nhưng thực tế giá điện tăng lũy tiến theo số kW điện sử dụng - có nghĩa là xài càng nhiều, tiền điện càng cao. Vấn đề là giá điện tăng rơi đúng vào thời kỳ nắng nóng nhất trong năm, đó là lý do mức chi tiền điện sinh hoạt trong mỗi gia đình tăng không dưới 10%, nhà nào dùng máy lạnh, mức tăng này thậm chí lên đến 20%.
Hết điện đến xăng! Ai cũng phải đổ xăng nhưng giá xăng bây giờ đã vọt lên trên ngưỡng 20.000 đồng/lít và có thể còn tiếp tục tăng nữa. Vậy nhưng đầu vào là lương, thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm - những nguồn thu cơ bản của mỗi gia đình lại không tăng, thậm chí giảm như lãi suất tiết kiệm. Một công bố mới đây từ Công ty Nghiên cứu thị trường toàn cầu Nielsen cho ra những con số khá bất ngờ. Kết quả khảo sát đầu năm 2015 cho thấy, người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á là những người tiết kiệm nhất thế giới, với gần 2/3 để dành tiền nhàn rỗi vào tài khoản tiết kiệm, trong khi tỷ lệ này trên toàn cầu bình quân chỉ 48%.
Việt Nam nổi lên là quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất (78%), tiếp theo là Indonesia (74%), Philippines (68%), Singapore (66%), Malaysia (65%), Thái Lan (64%). Công bố của Nielsen cũng nhấn mạnh, để tiết kiệm, 62% người Việt được khảo sát đã chọn cắt giảm chi tiêu vào việc mua quần áo mới; 61% chọn tiết kiệm chi phí điện và gas; 57% cho biết cắt giảm chi tiêu cho hoạt động giải trí ngoài trời; 46% tạm ngưng không mua sắm thiết bị điện tử mới; 44% hạn chế mua sắm các sản phẩm gia dụng lớn…
Kết quả khảo sát này xem ra khá phù hợp với tính cách tiêu dùng của người Việt từ thời khủng hoảng đến nay. Vì vậy, khi giá điện tăng cao thì nhà nhà đều tiết kiệm điện hơn, gas tăng giá thì chọn loại bếp nào ít tiêu hao năng lượng nhất. Chi phí sinh hoạt tăng thì giảm ăn uống bên ngoài, khoan mua chiếc áo mới… Vấn đề là thói quen tiêu dùng này sẽ ảnh hưởng ngay đến sức khỏe nền kinh tế. Bởi khi người dân ngày càng tiết kiệm hơn, siết chặt chi tiêu hơn thì hàng hóa sản xuất ra bán cho ai? Vòng quay sản xuất - thương mại đình đốn, tất nhiên đồng vốn ngân hàng đóng băng, nền kinh tế trì trệ…
Diễn biến thị trường 4 tháng đầu năm nay dường như chưa có dấu hiệu gì để kích thích sức mua. Lãi suất liên tục giảm nhưng các chi phí sinh hoạt liên tục tăng theo mức tăng của giá điện, giá xăng, dịch vụ y tế; đầu vào giáo dục... Việc điều chỉnh tỷ giá làm tiền đồng mất giá thêm cũng là mối bận tâm của không ít gia đình đang có con du học. Các thông tin sắp tới càng làm người dân “thở dài”: chuẩn bị thu phí đường bộ trên xe gắn máy; đang bàn chuyện tăng giá nước… Sự kiện xăng tăng giá đột ngột tuần qua tựa như giọt nước làm tràn ly, thổi thêm nỗi lo chi phí sinh hoạt cái gì cũng tăng và dẫn đến tâm lý tự nhiên: tiết kiệm và tiết kiệm. Tình hình này có thể nhìn thấy được qua sự sụt giảm đáng kể lượng khách và tăng trưởng doanh thu tại các siêu thị. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến một hiện tượng chưa từng xảy ra trên thị trường nhiều năm qua: Giá nhiên liệu thiết yếu liên tục tăng nhưng chưa nhà sản xuất nào, kể cả hệ thống siêu thị dám điều chỉnh giá bán hàng hóa. Kể cả ngành vận tải hàng hóa, hành khách, vốn quen hễ xăng tăng là tăng giá cước!
Bài toán sức mua yếu đang là nỗi lo của rất nhiều doanh nghiệp. Mặc dù các số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vẫn tăng 8%. Nhưng doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu nào cũng kêu rằng không khuyến mãi không bán được hàng; sức mua yếu nên không dám mở rộng sản xuất…
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất. Câu chuyện này nên mừng hay lo? Ở các quốc gia phát triển, sức mua đình đốn là nỗi lo lớn vì nó thui chột động lực sản xuất và chính quyền phải ra tay hỗ trợ để kích thích sức mua. Chúng ta đang tỏ vẻ mừng vui vì chỉ số tín dụng tăng trở lại trong 4 tháng đầu năm sau thời gian dài đình đốn; thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi; chỉ số PMI đã tăng trong tháng 4… Nhưng nếu ngày càng có nhiều người cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm triệt để vì thu nhập hạn hẹp thì sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế, hay nước ta vẫn cứ loay hoay tình trạng trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng?
SONG ĐĂNG