Dự kiến ngành thể thao Việt Nam sẽ xuất ngân sách gần 12 tỷ đồng để thưởng cho thành tích đứng nhất toàn đoàn tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á (ABG) lần thứ 5 vừa kết thúc tại Đà Nẵng. Con số này cao gấp 50 lần so với chiếc HCV và HCB lịch sử mà xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành được ở Olympic 2016. Số tiền đó cũng đủ để xạ thủ vô địch thế giới này ăn, tập 5 năm trời hoặc sẽ giúp kình ngư Ánh Viên có thêm 3 năm nâng cao trình độ tại Mỹ. Thế nhưng, không có chiếc huy chương nào trong khoản ngân sách thưởng ấy được công nhận một cách chính thức ở khía cạnh chuyên môn.
Tất nhiên, các VĐV của chúng ta đã thi đấu và có quyền nhận các khoản thưởng theo quy định. Tuy nhiên, việc đưa các môn thi đấu trong nhà ra ngoài bãi biển, tập trung các VĐV chuyên nghiệp tốt nhất, có người đạt đến đẳng cấp châu Á, thậm chí đưa cả những môn… không ai chơi như đá cầu vào thi đấu là do BTC nước chủ nhà thực hiện với mục tiêu giành càng nhiều huy chương càng tốt. Thế nên, xét về tính chất thì ABG ở đẳng cấp châu Á nhưng giá trị của chiếc huy chương thậm chí còn kém hơn cả giải vô địch quốc gia.
Ngành thể thao khá tự hào khi tổng kết ABG thành công dù chỉ gói ghém chi phí tổ chức chưa đến 400 tỷ đồng, không gây hệ quả lãng phí sau sự kiện, lại lần đầu tiên tổ chức đại hội thể thao cấp châu lục.
Tuy nhiên, đấy chỉ là một cách đánh tráo khái niệm. Chi phí thấp đâu hẳn đã là tiết kiệm và không lãng phí. Nếu như phân nửa số tiền thưởng ấy được dành cho công tác quảng bá tiếp thị du lịch trong nước, nếu giảm bớt số môn thi đấu thì sẽ dư ra tiền có thể đủ để phát vài đoạn quảng bá trên các kênh truyền hình nước ngoài về đất nước con người Việt Nam… Như vậy mới đúng với tiêu chí của ABG.
Nếu xem ABG là sự kiện thi thoảng mới đăng cai một lần thì chuyện sử dụng ngân sách vốn rất eo hẹp của thể thao Việt Nam một cách thiếu khoa học thì lại rất thường xuyên. Trước ABG, là việc nhiều quan chức thể thao cùng đi với đoàn VĐV sang Brazil để… học hỏi kinh nghiệm tổ chức Olympic. Học chưa thấy đâu nhưng đã lấy đi nhiều suất tham gia của các bộ phận cần thiết như y tế, HLV. Trong khi ngân sách có thể bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng các nhà thi đấu tầm cỡ khu vực hay châu Á thì hiện nay, số lượng VĐV đỉnh cao được đầu tư ra nước ngoài tập huấn chỉ đếm trên đầu ngón tay do… không có tiền. Nói đâu xa, chỉ trong khu vực chưa đầy 150km xung quanh Hà Nội có đến chục cơ sở vật chất thể thao được đánh giá là theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng hiện các sân vận động ở Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Giang, Thái Nguyên đều xuống cấp vì không có kinh phí bảo dưỡng cũng như không hề tổ chức các giải quốc tế theo đúng chức năng. Đơn giản là ngay khu liên hợp thể thao Mỹ Đình ở Hà Nội còn thiếu giải đấu trầm trọng. Hoặc như trường hợp Đà Nẵng, năm 2010 đã hoàn thành khu thi đấu Tiên Sơn đẳng cấp Đông Nam Á để đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc nhưng cho đến nay, sự kiện thể thao quốc tế lớn đầu tiên là ABG lại diễn ra ngoài… bãi biển.
Trong quy hoạch cơ sở vật chất TDTT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Chính phủ phê duyệt hồi năm 2013 thì hiện nay, việc đầu tư cho thể thao vẫn còn thiếu trầm trọng, đặc biệt là các trung tâm huấn luyện quốc gia dùng làm “lõi phát triển tài năng” cho địa phương như tại Kon Tum, Khánh Hòa, Cần Thơ. Ngay TPHCM hiện vẫn chưa thể triển khai khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc với tổng mức 1.000 tỷ đồng theo quy hoạch; Hà Nội cũng không thể nâng cấp các cơ sở cũ từ thời SEA Games 2003 sau khi đề án đăng cai Asiad 2019 đã bị hủy bỏ. Điều này cho thấy ngân sách của ngành rất khó khăn, lẽ ra cần ưu tiên cho việc đầu tư con người hơn là tổ chức các sự kiện theo kiểu “vừa tiết kiệm nhưng lại lãng phí” như ABG vừa qua.
ĐĂNG LINH