Tiêu chí môi trường gây khó cho sản xuất nguyên liệu da giày

Da giày là mặt hàng chủ lực xuất khẩu của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Do đó, khi hội nhập hứa hẹn sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) da giày bứt phá và phát triển. Tuy nhiên, điểm yếu của ngành da giày nước ta là không thể chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất mà nguyên nhân là do rào cản về môi trường trong nước.

Da giày là mặt hàng chủ lực xuất khẩu của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Do đó, khi hội nhập hứa hẹn sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) da giày bứt phá và phát triển. Tuy nhiên, điểm yếu của ngành da giày nước ta là không thể chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất mà nguyên nhân là do rào cản về môi trường trong nước.

Chủ yếu là gia công

Theo Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam, phần lớn các DN da giày trong nước chủ yếu gia công xuất khẩu. Nguồn cung ứng nguyên phụ liệu do nước ngoài chỉ định vì nguồn cung ứng nguyên phụ liệu trong nước chưa đáp ứng yêu cầu. TPHCM hiện có khoảng 65% số DN thực hiện phương thức sử dụng nguyên phụ liệu, thiết kế do khách hàng nước ngoài cung cấp và gắn nhãn hiệu sản phẩm theo yêu cầu của nước ngoài. Chỉ 25% - 30% số DN sản xuất theo phương thức tự thiết kế sản phẩm, tự mua nguyên liệu và có nhãn hiệu riêng của DN. Không chỉ vậy, ngay cả trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất chủ yếu cũng nhập khẩu từ Đài Loan chiếm 50%; Hàn Quốc chiếm 20%. Những con số này đã chứng minh các DN da giày trên địa bàn thành phố hoàn toàn phụ thuộc vào bên ngoài, nếu không có những đường lối, chính sách hỗ trợ kịp thời thì các DN mãi mãi làm thuê trên sân nhà.

Thạc sĩ Trương Thanh Vũ, Trưởng phòng Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong bối cảnh các hiệp định thương mại đã và đang được ký kết, ngành da giày sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc giảm thuế xuất khẩu. Thế nhưng, với cách phụ thuộc hoàn toàn từ nước ngoài về nguyên phụ liệu, trang thiết bị sản xuất, DN nội sẽ không thể đảm bảo yêu cầu xuất xứ đủ để được hưởng các ưu đãi thuế suất. Phát triển nguồn nguyên phụ liệu nội địa là cách duy nhất để DN Việt Nam có thể tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, thực cảnh hoạt động sản xuất của các DN da giày hiện nay rất khó để làm được. Điều này xuất phát một phần từ quy mô sản xuất của DN. Chỉ có 12% DN da giày có quy mô sản xuất lớn. DN vừa và nhỏ chiếm đến 55%. Số còn lại là DN siêu nhỏ chiếm 33%. Mặt khác, DN da giày cũng không thể phát triển nhà máy sản xuất nguyên liệu thuộc da vì vướng các tiêu chuẩn an toàn môi trường. Đơn cử tại TPHCM, từ năm 2013 cho đến nay, thuộc da được liệt vào 17 ngành nghề hạn chế cấp phép đầu tư. Số ít DN sản xuất nguyên liệu da giày cũng khó trụ vững khi quy định về bảo vệ môi trường ngày càng siết chặt.

Nút thắt ở môi trường

Thực tế đó đã dẫn đến 70% DN sử dụng nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Cụ thể, 65% - 100% DN phải nhập khẩu da thuộc các loại; 85% - 100% DN nhập khẩu giả da; 70% - 100% DN nhập đế và khóa các loại; 75% - 100% DN nhập khẩu các loại hóa chất và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh. Đặc biệt hơn, gần như 100% DN phải nhập các nguyên phụ liệu là kim loại. Điều này khiến cho giá thành nguyên phụ liệu ngành da giày trong nước luôn mức cao. Hệ quả là các DN trong nước không thể cạnh tranh với DN sản xuất cùng sản phẩm tại Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan. Chưa hết, ông Huỳnh Đặng Tùng, Phó giám đốc Công ty giày Á - Âu, cho rằng, việc không đồng bộ trong chính sách phát triển nguồn nguyên liệu, từ khâu khuyến khích đầu tư cho đến các chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư đã dẫn đến sự thiếu niềm tin, lẫn động lực cần thiết để DN tham gia đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu.

Để có thể giải quyết được điểm yếu của ngành da giày, ông Trương Thanh Vũ cho rằng, cần tính toán lại yếu tố hài hòa lợi ích môi trường với phát triển kinh tế. Theo đó, cần thiết giảm thiểu rào cản về môi trường bằng cách xây dựng chính sách hỗ trợ công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại, giảm thiểu chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Mặt khác, Chính phủ cần thiết phải thực hiện quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu, từng bước hình thành khu công nghiệp tập trung có hạ tầng hỗ trợ thu gom và xử lý chất thải hoàn thiện. Đồng thời, xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường rõ ràng cũng như những khuyến cáo cần thiết giúp DN ngành da giày vừa ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Vùng nguyên liệu phải được đặt cuối nguồn nước để giảm thiểu những tác hại không mong muốn có thể gây tổn hại đến môi trường sống của người dân. Có như vậy mới giải tỏa tâm lý e ngại của các nhà đầu tư khi mong muốn tham gia vào lĩnh vực này.

HỒNG HÀ

Tin cùng chuyên mục