Thanh tra Chính phủ (TTCP) và Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức”. Theo đó, 4 lĩnh vực bị đánh giá tham nhũng nhiều nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng. Kết quả khảo sát này đã gây được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (PCTN) thuộc TTCP Ngô Mạnh Hùng trao đổi làm rõ thêm vấn đề này.
- Phóng viên: Sau khi công bố kết quả khảo sát, Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt phàn nàn về việc cảnh sát giao thông bị xếp đứng đầu nhóm ngành tham nhũng. Họ cho rằng cảnh sát giao thông nhận của người tham gia giao thông ít tiền mà bị cho tham nhũng là không thỏa đáng?
>> Ông NGÔ MẠNH HÙNG: Đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được thông tin phản hồi hay phản ứng nào từ các cơ quan nhà nước liên quan đến kết quả khảo sát về tham nhũng mới công bố. Nhưng qua theo dõi thông tin trên báo chí, đa số ý kiến người dân đồng tình, cho rằng đây là kết quả quan trọng, như một kênh thông tin mới đến với người dân. Cũng rất nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục những cuộc khảo sát như vậy. Tất nhiên việc khảo sát cũng còn nhiều hạn chế và chúng tôi đang tiếp tục tính toán để làm sao tăng tính chính xác hơn.
- Dư luận hết sức đồng tình với kết quả khảo sát, 4 lĩnh vực có tham nhũng nhiều hiện nay được chỉ ra thể hiện đúng thực tế cuộc sống. Vậy từ kết quả khảo sát này, TTCP có động thái tiếp theo như thế nào, có đưa ra khuyến nghị với Chính phủ để chấn chỉnh tham nhũng hay chỉ khảo sát rồi để đấy?
Ý nghĩa của việc khảo sát là phục vụ việc sơ kết đánh giá tình hình PCTN giai đoạn vừa rồi và xây dựng chính sách PCTN giai đoạn tiếp theo. Báo cáo về công tác PCTN của Chính phủ gửi đến Quốc hội vừa qua có nhiều thông số, nội dung được sử dụng từ kết quả khảo sát này (đương nhiên kết quả khảo sát cũng chỉ là một kênh thông tin). Việc xây dựng dự luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCTN mà Quốc hội mới thông qua cũng dựa rất nhiều vào kết quả khảo sát. Mặc dù kết quả khảo sát không phải là kênh thông tin chính thức nhưng được sử dụng cho việc tham khảo để phục vụ công tác nghiên cứu và hoạch định chính sách rất hiệu quả.
Hiện TTCP đang xây dựng chương trình hành động PCTN giai đoạn 2012 - 2016 trình Chính phủ. Cách thực hiện các cuộc khảo sát về dư luận xã hội để phục vụ cho việc hoạch định chính xác rất quan trọng, chúng tôi sẽ tập trung để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. Nên giữ định kỳ qua một giai đoạn nhất định làm một cuộc khảo sát như vậy để có căn cứ đánh giá về công tác PCTN của dư luận.
- Người dân đã thể hiện tiếng nói rõ như vậy, TTCP có đưa ra kiến nghị gì với Chính phủ để chấn chỉnh trực tiếp với ngành này không, hay chỉ mới dừng ở việc tham khảo để xây dựng chính sách?
Kết quả khảo sát này tác động đến chính sách PCTN chung, từ đó sẽ tạo ra tác động tới tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có cả những lĩnh vực điểm nóng đưa ra trong khảo sát. Mục tiêu khác của cuộc khảo sát lần này là muốn thể hiện vai trò của xã hội, của người dân trong công tác PCTN. Khi người dân thể hiện sự bức xúc, dư luận đồng tình như vậy sẽ tác động đến cơ quan quản lý của chính ngành, lĩnh vực đó. Trách nhiệm PCTN không chỉ của TTCP mà của các bộ ngành khác. Với kết quả khảo sát như vậy, chắc chắn các bộ ngành như công an, hải quan, thuế... cũng phải có chính sách điều chỉnh với ngành mình, hoặc là ngành phải làm tốt hơn hoặc nếu thấy kết quả chưa chính xác cũng phải có cách thể hiện thế nào để người dân nhận thức đúng hơn về ngành mình.
- Ông đánh giá như thế nào xung quanh nhận thức của người dân về công tác PCTN qua lần khảo sát vừa rồi so với khảo sát tương tự từ năm 2005?
Cuộc khảo sát trước tiến hành khi chưa có Luật PCTN. Sau khi có luật và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và các giải pháp phòng ngừa PCTN, hiện phần lớn cán bộ công chức, người dân có nhận thức về tham nhũng khác hẳn, đúng đắn hơn. Bây giờ, người dân hiểu về tham nhũng rất rộng, họ nhận diện những hành vi đúng là tham nhũng và cả biểu hiện tiêu cực. Ví dụ, hành vi cảnh sát giao thông nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục ngàn đồng, một vài trăm ngàn đồng bị cho là tham nhũng. Như vậy, hiểu về khái niệm tham nhũng của người dân còn rộng hơn quy định của pháp luật. Luật PCTN quy định tham nhũng là hành vi của người có chức quyền, lợi dụng chức quyền để vụ lợi nhưng người dân hiểu tham nhũng là bao gồm cả tiêu cực.
- Như vậy có đặt ra vấn đề thay đổi khái niệm về tham nhũng trong luật hiện nay?
Đó là một trong những ý kiến TTCP gửi đến Quốc hội, phải xem lại khái niệm về tham nhũng. Chúng tôi đề cập phải mở hơn khái niệm tham nhũng để tương ứng với nhận thức của người dân ở từng thời điểm. 5 năm trước ta đặt ra khái niệm như vậy là phù hợp nhưng 5 - 7 năm sau lại không còn phù hợp nữa. Khái niệm tham nhũng hiện nay với nhiều nước trên thế giới cũng đã mở rộng hơn, các hành vi bị liệt vào tham nhũng rất rộng, hơn khái niệm của chúng ta nhiều. Nhiều ý kiến đề nghị không nên đưa ra khái niệm tham nhũng mà nên theo khuyến nghị của LHQ là liệt kê các hành vi tham nhũng. Hy vọng lần sửa luật tới đây sẽ sửa cả khái niệm về tham nhũng. Theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi sẽ tổng kết quá trình 10 năm thực hiện Luật PCTN để đến năm 2016 sẽ trình luật sửa đổi cơ bản, toàn diện.
Lâm Nguyên (thực hiện)