Tiêu điều “miền thổ sản”

Tây Bắc Nghệ An là vùng đất trù phú với những dải đất đỏ bazan mọc lên bạt ngàn cao su, cà phê, mía…; với “cái nôi” của các mỏ đá trắng, thiếc, vàng…; với những cánh rừng nguyên sinh nằm trong hai khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt… Tất cả sự trù phú này đều được “trồi” lên từ đất, vì thế không ít người vẫn thích gọi vùng đất này là “miền thổ sản”. Rời phố xá ồn ã, bụi bặm ngược mấy trăm cây số lang thang lên “miền thổ sản” mong được hòa mình cùng thiên nhiên. Chợt giật mình, “miền thổ sản” trước đây như một tấm vải xanh giờ loang lổ bởi việc đào bới khoáng sản, sự ô nhiễm môi trường…
Tiêu điều “miền thổ sản”

Tây Bắc Nghệ An là vùng đất trù phú với những dải đất đỏ bazan mọc lên bạt ngàn cao su, cà phê, mía…; với “cái nôi” của các mỏ đá trắng, thiếc, vàng…; với những cánh rừng nguyên sinh nằm trong hai khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt… Tất cả sự trù phú này đều được “trồi” lên từ đất, vì thế không ít người vẫn thích gọi vùng đất này là “miền thổ sản”. Rời phố xá ồn ã, bụi bặm ngược mấy trăm cây số lang thang lên “miền thổ sản” mong được hòa mình cùng thiên nhiên. Chợt giật mình, “miền thổ sản” trước đây như một tấm vải xanh giờ loang lổ bởi việc đào bới khoáng sản, sự ô nhiễm môi trường…

  • “Moi” rừng kiếm sống

Dọc ngang các con đường miền Tây Bắc xứ Nghệ qua huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu… không khó để bắt gặp việc mua bán các sản phẩm được lấy từ rừng như than củi, măng, nấm, cây dược liệu… Thời gian gần đây, tại các địa phương này rộ lên việc người dân đua nhau đi tìm cây dược liệu đem bán, nhất là cây máu chó. Tùy theo chặng đường từ nơi lấy cây đến điểm đầu nậu thu mua, giá cây máu chó dao động 22.000 - 28.000 đồng/10kg. Ngoài ra, người dân còn săn tìm các loại quý hiếm khác như sa nhân, củ ba mươi…

Núi rừng nham nhở, nguồn nước ô nhiễm là những gì dễ thấy ở nhiều nơi trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.

Núi rừng nham nhở, nguồn nước ô nhiễm là những gì dễ thấy ở nhiều nơi trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.

Theo ông Trịnh Thanh Long, Phó Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, thực trạng trên hầu như trong khu bảo tồn nào cũng có và có tác động đến rừng, nhưng vì chưa có chế tài nên không thể xử lý được. Nhưng điều lo lắng nhất hiện nay là việc khai thác gỗ trái phép. Mặc dù đã có ký kết phối hợp bảo vệ rừng giữa các đơn vị và địa phương nhưng công tác này chưa hiệu quả. Đơn cử như khi kiểm lâm bắt được gỗ thì cán bộ xã… buồn, vì đụng anh em dòng họ trong nhà. Vì vậy không ít vụ chặt gỗ đã bị cán bộ xã giấu nhẹm.

Địa bàn phức tạp nhất thuộc về xã Nga My (huyện Tương Dương). Tại xã này có 3 bản nằm ngay trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống là Na Ngân, Na Kho và Xốp Kho. Sau khi rà soát, tính toán 3 bản này đã được cắt ra khỏi diện vùng lõi khu bảo tồn. Tuy nhiên, cả 3 bản vẫn không di dời đến nơi khác nên người dân vẫn phá rừng làm rẫy, vẫn đào đãi vàng ngay trong vùng lõi khu bảo tồn.

Vừa qua, sau khi kiểm tra, cán bộ khu bảo tồn đã bắt quả tang 29 hộ dân đang phá rừng làm rẫy. Khi lập biên bản xong, nói dân ký tên lăn tay vào, họ ngớ người ra một lát rồi ù té chạy vào rừng, anh em cán bộ không thể đuổi theo được. Cuộc họp tìm hướng giải quyết kéo dài đến 1 giờ sáng. Quyết định được đưa ra chỉ còn cách là cưỡng chế tài sản nhưng tất cả các hộ dân này đều rất nghèo. Từ khi vào đây sinh sống cho đến nay, người dân các bản này chỉ biết sống nhờ vào rừng. Nếu không cho chặt cây thì họ lại đào bới vàng đem bán cho đầu nậu.

Những sản vật được lấy từ rừng.

Những sản vật được lấy từ rừng.

Cách đây không lâu, có Công ty Minh Thắng (chưa xác định được địa chỉ) vào bàn với dân và cán bộ bản xin mở đường, giúp bà con dọc theo khe từ bản Xốp Kho vào Na Ngân đi lại thuận tiện, sau đó còn hứa sẽ san ủi các khoảnh đất ven suối để làm ruộng lúa nước. Thực chất của chiêu “giúp” này là sử dụng máy móc đào đãi vàng. Rất may sự việc kịp thời được phát hiện.

Không chỉ tại Nga My, ở nhiều điểm khác trong khu bảo tồn thiên nhiên, người dân vẫn “âm thầm” đào đãi vàng. Hiện đang nổi cộm có điểm tại khe Nậm Ton (xã Quang Phong, huyện Quế Phong). Việc ngăn chặn dứt điểm là không thể, chỉ có thể làm công tác đẩy đuổi. Nhưng đẩy đuổi cũng khó vì khi lực lượng chức năng xuất hiện thì dân không làm, trong khi cán bộ không thể túc trực mãi ở các điểm đào đãi vàng được.

  • Sống nghèo trên “nền tài nguyên”

Lên “miền thổ sản” mà không thưởng thức các loại cá đặc sản như cá lăng, cá leo… coi như phí mất chuyến đi. Tìm mãi mới có một quán ăn ở thị trấn Quỳ Hợp (huyện Quỳ Hợp) có được món cá leo. Nhưng khá ngạc nhiên, loài cá này phải mua từ nơi khác về dù Quỳ Hợp cũng có nhiều suối khe.

Chả trách ông Nguyễn Ngọc Luyện, Chủ tịch UBND xã Châu Quang than: “Nước bẩn như… sữa, cá mô sống được”. Ý ông muốn nói nước thải từ các xưởng chế tác đá trắng thải ra sông có màu như sữa. Địa bàn Châu Quang có 2 con sông chảy qua là sông Nậm Tôn và sông Dinh, nhưng “từ năm 1984 đến nay chưa bao giờ sông Nậm Tôn có nước trong, còn sông Dinh cứ khi mô mưa to lại đục ngầu, đỏ quạch”.

Nguồn gây ô nhiễm ở Châu Quang không hẳn do việc khai thác đá trên địa bàn này, mặc dù xã có 17 điểm mỏ và chế biến. Ô nhiễm được “dội” về từ các xã có mỏ thiếc ở mạn trên là Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Cường… Các mỏ thiếc đều nằm ở vị trí cao, nên bình thường chất thải đã thấm ra sông nhưng khi trời mưa một lượng lớn chất thải mới thực sự tràn xuống.

Đặc biệt, một số mỏ đã “tát… chất thải theo mưa”, tháo bể chứa cho chất thải ra sông. Vậy là người dân quanh vùng và hạ nguồn các sông lãnh đủ. Hiện có 25 xóm, bản với 2.700 hộ dân ở Châu Quang bị ảnh hưởng, nặng nhất ở bản Cà, bản Còn, bản Quang Hưng... Ông Luyện bức xúc: “Ô nhiễm do các mỏ ở xã khác thải ra người dân xã tôi phải chịu. Nhưng ngay cả các mỏ đá trên địa bàn, chúng tôi cũng chẳng được lợi lộc vì phần lớn các doanh nghiệp khai thác và chế biến đá trên địa bàn đều đăng ký nơi khác nên nộp thuế nơi khác…”.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Quỳ Hợp, cho biết, việc ô nhiễm môi trường khai thác khoáng sản trên địa bàn Quỳ Hợp đã có từ mấy chục năm qua nhưng địa phương không thể quán xuyến được hết công việc. Bởi trên địa bàn Quỳ Hợp có tới 108 điểm mỏ cả mới lẫn cũ, trong đó có 44 mỏ đá xây dựng, 33 mỏ thiếc, 22 mỏ đá trắng, còn lại là mỏ sắt và vàng.

Mặc dù ở trên “nền tài nguyên” đã phát lộ như vậy nhưng nhiều người dân vẫn nghèo. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, cho biết, theo chuẩn mới, huyện có tới 8.600 hộ nghèo, chiếm 30,06%. Các xã có số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao (40% - 50%), đều “dính” các xã có mỏ quặng, mỏ đá như Châu Tiến, Châu Hồng, Châu Thành, Châu Lộc, Châu Thái…  

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục