Những ngày gần tết, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi giảm giá hấp dẫn: giảm giá 30%, 49%, thậm chí “đại hạ giá” đến 80%, mua 1 tặng 1, trúng thưởng ô tô... Các công ty bất động sản còn rao khuyến mãi có vẻ rất hào phóng: chỉ đi xem căn hộ là được tặng iPad, tặng 1 chỉ vàng hoặc vé du lịch nước ngoài. Có siêu thị điện máy nghĩ ra chiêu “bán hàng khuyến mãi trong giờ vàng” mỗi ngày với giá rẻ như cho.
Những người tiêu dùng có tâm lý tranh thủ mua hàng rẻ dễ bị sụp bẫy khuyến mãi ảo, chẳng những tốn tiền mua những thứ mình không cần với giá chẳng rẻ chút nào, mà còn bị mua nhầm hàng kém chất lượng. Nhẹ nhất là phải tức anh ách vì nhận ra mình đã bị “xí gạt” khi nghe những lời chiêu dụ “có cánh”.
Thực ra các thủ thuật lừa không mới: kê giá bán lên cao, rồi rao khuyến mãi giảm giá; giảm giá mạnh với hàng điện máy, nhưng không bảo hành và chỉ với những sản phẩm trưng bày cả năm, mẫu mã cũ, thậm chí hết hạn sử dụng hoặc đã từng bị khách hàng trả lại vì có lỗi kỹ thuật; quảng cáo các dụng cụ gia dụng có tính năng tuyệt vời, giá rẻ bất ngờ, nhưng thực chất là những thứ hàng nhái mau hỏng.
Cùng với đó, họ còn rao giảm giá vào giờ vàng bất chợt trong mỗi ngày để thu hút đông đảo khách hàng đến mua sắm, nhưng thực tế chỉ đưa ra bán giảm giá vài thứ rẻ tiền, rồi thông báo hết hàng khuyến mãi. Rao “mua một tặng một” nhưng thực tế thứ được tặng kèm chẳng có giá trị đáng kể. Rao tặng quà “giá trị khủng” để rồi khách hàng nào đến cũng nghe trả lời rằng đã có đủ người được nhận quà. Bốc thăm trúng thưởng nhưng chẳng ai giám sát được thực tế có thưởng thật không.
Hãy là người tiêu dùng thông minh! - đó là một lời khuyên luôn đúng đắn trong thị trường đang cạnh tranh khốc liệt và… bát nháo hiện nay. Tình hình sức mua giảm sút, hàng điện máy tồn kho nhiều, trong khi các mẫu mã mới liên tục đưa ra thị trường, các mẫu mã cũ giảm giá rất nhanh. Do đó thực tế các sản phẩm điện máy giảm giá là hàng đã rớt giá, phải xả hàng gấp, nếu chậm sẽ không thể bán được nữa.
Còn với những trường hợp quảng cáo giảm giá sốc đồng loạt nhiều mặt hàng trong siêu thị cũng chỉ là chiêu quảng cáo, không thể kiểm chứng, bởi trong thời kinh tế khó khăn hiện nay, không thể có tỷ suất lợi nhuận quá cao để giảm giá “khủng”.
Để chống cạnh tranh không lành mạnh, Luật Thương mại có quy định “mức khuyến mãi không được quá 50% giá trị hàng hóa”, nhưng luật không điều chỉnh giá đối với các mặt hàng thông thường, nên doanh nghiệp bán hàng cứ kê giá lên rồi rao khuyến mãi giảm giá. Vì vậy, người tiêu dùng nên tỉnh táo trước các thông tin khuyến mãi, cần khảo sát kỹ giá cả trước khi mua hàng, kiểm tra các tính năng có bảo đảm giống quảng cáo hay không. Của bền mới chính là của rẻ.
Để không sa vào bẫy khuyến mãi khi mua sắm cuối năm, cách hay nhất là nên cân nhắc lập danh sách những thứ cần mua để trong điều kiện phải chi tiêu thật chắt chiu tiền lương, tiền thưởng tết và chỉ mua thứ mình cần chứ không phải thứ giá rẻ mà không cần thiết; khảo giá trước trên mạng, và tham khảo sự tư vấn của những người am hiểu về sản phẩm. Đừng ham khuyến mãi, mà hãy xét hậu mãi ra sao, cụ thể là tính năng sản phẩm, chế độ bảo hành, uy tín thương hiệu sản phẩm, linh kiện thay thế có mắc không, dễ tìm không…
Ở các nước, mùa giảm giá sản phẩm cuối năm là dịp để các doanh nghiệp bán thanh lý hàng tồn kho, không còn hợp thị hiếu, không còn hợp thời trang, không còn hợp thời tiết chuyển mùa, và nhằm kích thích tiêu dùng để xoay nhanh vòng vốn. Trong khi ở nước ta, nhiều doanh nghiệp bán hàng lại xem đây là cơ hội để làm ăn chụp giật, lấy khuyến mãi làm chiêu “dụ dỗ” khách hàng, làm bẫy lừa để có thể tăng lợi nhuận một cách thiếu sòng phẳng và thiếu minh bạch.
Do vậy, các cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ các chương trình khuyến mãi, xử phạt nghiêm và cảnh báo công khai cho người tiêu dùng biết về các doanh nghiệp bán hàng vi phạm, qua đó ngăn chặn việc lợi dụng khuyến mãi đánh lừa người tiêu dùng.
HUỲNH THANH LUÂN