Tìm đất cho thể thao

Bắt đầu từ tháng 6-2011, hoạt động đua ngựa tại CLB Phú Thọ sẽ  phải tạm dừng sau 7 năm khai thác kinh doanh loại hình này theo một hợp đồng giữa đơn vị quản lý và Công ty Thiên Mã. Việc tạm dừng này làm nảy sinh 2 vấn đề lớn: Thứ nhất là số phận của hơn 1.000 con ngựa cùng những con người và dịch vụ đi kèm với việc đua ngựa; thứ hai là việc hình thành trường đua mới cùng với công tác quy hoạch thể thao đối với diện tích đất của CLB Phú Thọ. Rất tiếc là cả hai vấn đề trên đều chưa có kế hoạch triển khai chi tiết.

Được biết, trong một quy hoạch được UBND TPHCM phê duyệt năm 2001, sự tồn tại của loại hình đua ngựa truyền thống tại đây chỉ được duy trì trong 7 năm trước khi bàn giao cho hoạt động khác. Từ đó đến nay, những công việc liên quan đến tái định cư dân cư xung quanh trường đua cũng như các dự án kinh doanh khác đều đã được triển khai, riêng phần đất hơn 44ha dành cho thể thao lại chưa được ngành quản lý thống nhất. Theo kế hoạch mới nhất, phần đất thuộc trường đua sẽ chuyển thành trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao. Nhưng dự án này cũng khó triển khai nhanh chóng do thiếu nguồn vốn cũng như tính khả thi của nó.

Trở lại với 2 vấn đề lớn sau khi ngưng hoạt động đua ngựa. Do việc xây dựng trường đua mới chưa triển khai, mà nếu có tiến hành ngay bây giờ cũng phải mất ít nhất là 4 năm nữa cho việc xây dựng. Thời gian dài như vậy liệu có còn duy trì được loại hình thể thao mang nặng tính giải trí này không. Đấy là chưa nói, việc di dời trường đua đi khá xa (để có đủ quỹ đất) cũng làm giảm sự quan tâm của người dân. Từ chuyện này, mới thấy rằng diện tích đất dành cho thể thao dường như ngày càng thu hẹp, đặc biệt là đất phục vụ thể thao quần chúng.
 
Ngành thể thao TPHCM đang có 2 khu vực diện tích đất lớn là trường đua Phú Thọ và Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, nhưng cả hai vẫn chưa thể triển khai xây dựng. Trong khi đó, quỹ đất trống trong khu vực nội thành lại thu hẹp dần. Vì điều này mà ngày càng thiếu các trung tâm thể thao phục vụ dân sinh. Hoạt động thể thao luôn yêu cầu quỹ đất lớn nhưng nguồn thu lại vô cùng nhỏ.

Ngay như loại hình kinh doanh sân cỏ nhân tạo luôn có lượng cầu cao cũng không thể kinh doanh có lãi tốt mà tìm đất để mở thêm sân bóng trong nội thành ngày càng nan giải. Sân cỏ nhân tạo đã thế, làm sao các sân cầu lông, bóng bàn, bể bơi… có thể phát triển được. Việc thiếu hụt các trung tâm thể thao đã khiến giá cả tăng vọt, đẩy áp lực lên vai các bậc phụ huynh mỗi khi muốn cho con mình tập luyện thể thao, phát triển thể lực.
 
Hầu hết những nhà quản lý thể thao đều thừa nhận sự bế tắc trong việc xây dựng kế hoạch phát triển đồng bộ giữa thể thao phong trào và đỉnh cao. Thế nhưng, ngay cả khi có quỹ đất lớn như trường đua Phú Thọ thì chính ngành thể thao cũng bộc lộ sự lúng túng. Việc xây dựng một trung tâm đào tạo tài năng đỉnh cao là cần thiết nhưng có nhất thiết phải đặt cơ sở ấy trong nội thành hay không để rồi phải di dời một loại hình giải trí có lịch sử cũng như gần gũi với người dân thành phố bao lâu nay?
 
Càng lúng túng như vậy thì thời gian càng trôi qua và cùng với đó là quỹ đất thể thao ngày càng thu hẹp như trường hợp của Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc.

TÂM VIỆT

Tin cùng chuyên mục