Nằm bên hồ Lắc thơ mộng, buôn M’liêng (thuộc xã Đắc Liêng, huyện Lắc) của đồng bào M’nông Rlăm còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà dài, nhiều phong tục tập quán truyền thống, nhiều bộ cồng chiêng và các lễ hội liên quan đến cồng chiêng… Sở VH-TT-DL Đắc Lắc đang nỗ lực xây dựng, bảo tồn buôn M’liêng trở thành một trong những buôn văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào Tây Nguyên.
Còn đó buôn xưa...
Trong lần đầu đến buôn M’liêng cách đây 5 năm, chúng tôi phải đi thuyền từ buôn Jun qua hồ Lắc mới đến được buôn. Sau bao năm, cuộc sống đổi thay và người dân trong buôn đã có đường, có cầu bê tông thay những chuyến đò. “Đi qua con đường bê tông hết cánh đồng, tới cây cầu mới đang xây là buôn M’liêng ở đó”, anh Y Pen, Phó phòng VH-TT huyện Lắc chỉ đường. Theo chỉ dẫn của anh, chúng tôi phóng những “chú ngựa sắt” băng băng qua đường mới về buôn giữa cánh đồng tấp nập người dân hớn hở thu hoạch mùa màng.
Trái với nhịp điệu cuộc sống ồn ào của thị trấn Liên Sơn (huyện Lắc) cách đó chưa đầy 2km, không gian buôn M’liêng thanh bình, cổ kính như một Tây Nguyên của hàng trăm năm trước. Ở đây, nhà dài được phân bố theo kiểu tập trung, xung quanh được rào kỹ bằng các bụi le lớn, có rừng, có đầm lầy trồng cói, có ruộng nước, có cây cổ thụ lâu năm… Người dân trong buôn vẫn làm các nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, mộc và đánh bắt cá trên hồ Lắc, dọc các con suối lớn theo luật tục... Trải qua nhiều biến động, bây giờ trong buôn không còn nhà nào có voi, nhưng không gian riêng của buôn với những con suối, sông, bến nước, bến voi vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Già làng Y Đrỡng Bkrông tiếp chúng tôi trên sàn ngôi nhà dài truyền thống với hai hàng cột gỗ làm từ cây sao, căm xe, cà chít được tạc thô, to đầy vòng tay một người ôm. Đây chỉ là một trong số hơn 100 ngôi nhà dài kiến trúc truyền thống của người M’nông. Mỗi ngôi nhà như vậy có chiều dài tối thiểu 30m, chia ra ít nhất 5 gian, đủ cho 3 gia đình nhỏ có thể sinh hoạt khá thoải mái.
Để làm được một nhà dài phải tốn hàng trăm cây gỗ lớn, mất nhiều năm trời vào rừng chọn cây to, làm lễ cúng thần rừng, hạ cây và dùng voi khỏe kéo cây rừng về buôn. Rất nhiều gia đình còn giữ được ghế Kpan - nơi trang trọng để các nghệ nhân ngồi diễn tấu cồng chiêng trong các dịp lễ hội của người M’nông, cùng nhiều chiêng cổ, ché cổ, trống làm bằng da hai con trâu lớn, trống da voi còn được lưu giữ.
Trong ngôi nhà của già làng Y Đrỡng vẫn còn lưu giữ ghế Kpan dài gần 30m, 8 chiếc ché cổ, 3 bộ chiêng quý truyền lại từ nhiều đời nay. Ông tâm sự: “Những thứ này hồi xưa giá trị bằng cả đàn trâu, mấy con voi đó. Chúng là vật thiêng, vật quý giá nhất của người M’nông”. Người già trong buôn không ai nhớ được buôn M’liêng hình thành từ khi nào. Già Y Đrỡng cũng chỉ nghe ông ngoại kể tuổi của buôn mình phải 300 năm có lẻ.
Bảo tồn truyền thống
Tháng 4-2006, Bộ VH-TT-DL đã cho phép Sở VH-TT-DL Đắc Lắc triển khai dự án Bảo tồn buôn văn hóa truyền thống M’liêng. Ông Trương Bi, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đắc Lắc, cho biết: Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng, bảo tồn buôn M’liêng thành buôn văn hóa mang đậm những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người M’nông Rlăm.
Bắt tay vào việc bảo tồn buôn M’liêng, sở đã phối hợp với Ban tự quản buôn M’liêng chọn ra 6 hộ khó khăn nhất được bảo tồn nhà truyền thống gồm: Y Krang Dung, Y Bruê Buôn Krông, Y Chong Enuôl, Y Thoal Hlong, Y Sang Buôn Krông và Y Ku Dung. Các nghệ nhân giỏi làm nhà truyền thống của buôn được tập hợp lại trong đội bảo tồn. Các nghệ nhân này đã không ngại gian khổ vào rừng chọn tre, nứa, mây, gỗ… để làm nhà mới cho 6 hộ dân trên. Chỉ trong vòng một năm, những ngôi nhà được làm xong theo đúng kiến trúc ngôi nhà truyền thống của đồng bào M’nông Rlăm. Ai nấy đều vui mừng khi được ở trong ngôi nhà mới theo đúng truyền thống đồng bào mình.
Buôn trưởng Ama Hoa phấn khởi tâm sự: “Nhờ có Đảng và Nhà nước quan tâm, buôn chúng tôi đã có nhiều nhà dài đẹp và hiện nay còn giữ được khoảng 75% ngôi nhà dài truyền thống. Buôn chúng tôi sẽ cùng nhau gìn giữ truyền thống dân tộc mình và bảo tồn những ngôi nhà này cho con cháu mai sau”.
Bên cạnh đó, Sở VH-TT-DL Đắc Lắc còn tổ chức các lớp nghiệp vụ về truyền dạy bảo tồn nghề thủ công truyền thống như dệt chiếu cói, đan lát, dệt thổ cẩm, đánh bắt cá… Sở cũng tổ chức bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể: Bảo tồn lễ hội truyền thống (lễ cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe cho voi, lễ cúng vào nhà mới), gìn giữ cồng chiêng, bảo tồn dân ca, sưu tầm truyện cổ đồng bào M’nông Rlăm… và xây dựng đội văn nghệ dân gian cho buôn. Nhờ vậy, đến nay buôn M’liêng đã có 3 đội cồng chiêng (1 đội truyền thống, 2 đội trẻ) và một đội văn nghệ thiếu nhi. Các hoạt động dạy đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng… thường xuyên được lớp nghệ nhân truyền dạy cho lớp trẻ. Đội cồng chiêng và đội văn nghệ không những phục vụ cho các hoạt động văn hóa truyền thống của buôn mà còn phục vụ du khách tham quan. Ngoài ra, Sở VH-TT-DL Đắc Lắc còn tặng đồng bào trong buôn 13 bộ chiêng để có phương tiện sinh hoạt văn hóa cồng chiêng.
Dự án bảo tồn buôn văn hóa truyền thống buôn M’liêng đã làm thay bộ mặt và tìm lại được một chút dáng hình cổ xưa của buôn. Hy vọng vào một ngày không xa, nơi đây sẽ được cơ quan chức năng địa phương xây dựng thành điểm du lịch cho du khách thập phương đến tham quan và thưởng lãm văn hóa Tây Nguyên.
Công Hoan