Tim nhân tạo đầu tiên từ tim thật

Trên tạp chí Nature Medicine số đề ngày 14-1, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Minnesota (Mỹ) công bố chi tiết quá trình “tân trang” một trái tim chết để nó có thể đập lại, tạo ra trái tim nhân tạo đầu tiên. Thành tựu này có thể giúp khắc phục việc thiếu tim và các cơ quan khác để ghép, mở đường cho một cách điều trị mới.

Nhóm nghiên cứu đã tách rời một trái tim chuột và tách bỏ tất cả tế bào, chỉ để lại hệ thống ngoại bào, khung giữa các tế bào cùng các van tim. Sau đó, họ tiêm vào “khung tim” còn nguyên này một hỗn hợp tế bào non từ tim chuột mới sinh. Sau 4 ngày phát triển cấu trúc mới này trong phòng thí nghiệm vô trùng, các cơn co bóp xuất hiện và sau 8 ngày, trái tim mới có thể bơm máu, dù chỉ bằng 2% năng suất một trái tim trưởng thành. Xem xét ở cấp độ tế bào, người ta phát hiện các tế bào có nhiều dấu hiệu vốn có ở tim và biết cách hoạt động như mô tim.

Cuộc nghiên cứu chỉ mới bước đầu nhưng chứng tỏ các tế bào gốc có thể phát triển trở lại trong “bộ khung” của một trái tim. Do tế bào mới để cấy vào tim có thể từ cơ, tủy xương hay tim của chính bệnh nhân, nên các nhà nghiên cứu tin rằng rất ít khả năng trái tim mới bị cơ thể đào thải. Phương pháp này có thể dùng để phát triển các mạch máu ghép, gan, thận, phổi, lá lách hay bất cứ cơ quan nào được cung cấp máu.

V.Hà (theo Telegraph)

Tin cùng chuyên mục