Diễn biến kinh tế thế giới gần đây đã làm các chuyên gia, giới doanh nghiệp lo ngại: Thị trường tài chính chao đảo mạnh, USD tăng giá cao nhất trong 11 tháng qua sau khi FED điều chỉnh tăng lãi suất; đồng EUR và nhân dân tệ giảm giá mạnh; thị trường chứng khoán thế giới nhuốm màu đỏ; giá dầu sụt giảm… Tại Việt Nam, với 3 phiên giảm điểm tuần qua, vốn hóa thị trường đã mất 9 tỷ USD, thanh khoản ở mức thấp, VnIndex có tăng vào phiên cuối tuần nhưng vẫn không thể bứt phá lên mức kỳ vọng 1.000 điểm.
Capital Economics bình luận: Lãi suất tăng và biến động, thị trường tài chính chao đảo sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng khi các hộ gia đình và doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu, đầu tư. Báo cáo về ổn định tài chính toàn cầu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo sự suy giảm dòng vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi, xuất phát từ động thái siết dần chính sách tiền tệ và nâng lãi suất của FED. Robin Brooks, Giám đốc quản lý - Kinh tế trưởng của Viện Tài chính quốc tế, nhận định: Các thị trường mới nổi đã mạnh tay vay nợ trong kỷ nguyên dòng vốn giá rẻ đang đối mặt với thách thức lớn khi dòng vốn toàn cầu có thể đảo chiều, chảy về những quốc gia phát triển - nơi đang có những cải cách mạnh mẽ, “mềm hơn” nên sẽ tạo ra mức lợi nhuận cao hơn.
Với những tín hiệu không êm ả đang diễn ra, Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào và nên làm gì? Cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã được dự báo từ lâu từ các nhà nghiên cứu, giới đầu tư, lẫn các nhà điều hành các nền kinh tế lớn.
Gần đây khái niệm “chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm” liên tục được nói đến, khi người ta liên hệ lại các cột mốc khủng hoảng 1997-1998, 2007-2008 và đến nay đã đúng 10 năm. Điều này xuất phát từ những dấu hiệu: Chính sách tiền tệ nới lỏng đẩy lạm phát tăng dần; bong bóng tài sản bộc lộ rõ ràng hơn; chủ trương bảo hộ mậu dịch một số nước và biện pháp đáp trả lẫn nhau ngày càng tăng, gây rủi ro trên diện rộng. Thực tế nền tài chính một số nước đã bắt đầu xuất hiện chao đảo do dòng vốn biến động, như Indonesia, Malaysia, Argentina…
Với độ mở rộng của nền kinh tế nước ta hiện nay và khu vực FDI chiếm tỷ trọng rất cao (1/4 tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 1/5 GDP, 1/2 giá trị sản xuất công nghiệp, 3/4 kim ngạch xuất khẩu), tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP lên đến trên 200%, có thể nói các biến động kinh tế thế giới sẽ tác động nhanh và sâu đến tình hình kinh tế trong nước. Điều này thể hiện rõ khi những ngày gần đây lãi suất VND giảm, tỷ giá USD trên thị trường tự do đã vượt ngưỡng 23.000 đồng/USD, từ tháng 5 nhập siêu bắt đầu tăng mạnh. Hệ quả cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2007-2008 đã làm tăng trưởng GDP nước ta chậm lại, lạm phát cao, thị trường vàng, USD biến động mạnh.
Còn sớm để nói Việt Nam bị tác động ở mức nào trong dòng thác kinh tế thế giới xoay chiều bất định hiện nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ nỗi lo, không còn quá hưng phấn với thành quả tăng tốc tăng trưởng vượt bậc năm trước. Chỉ tiêu tăng trưởng vẫn là mục tiêu lớn, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay không phải là hoàn thành ở mức nào, mà giải pháp căn cơ nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, để không bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng. Để tránh tình trạng lạm phát gia tăng tác động xấu đến nền kinh tế cần kiểm soát dư nợ tín dụng và điều hành tỷ giá hiệu quả; kiểm soát chặt dòng ngoại tệ, nhất là vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán với xu hướng vào nhanh, ra nhanh, khó kiểm soát…
TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ - EU - Trung Quốc tiếp tục leo thang, sẽ ảnh hưởng nặng đến Việt Nam, “Trong tình thế ấy, doanh nghiệp cần tăng cường quản trị rủi ro, mở rộng và phân định lại thị trường. Ở góc độ vĩ mô, Việt Nam cần tăng cường khả năng chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài; ổn định chính sách tiền tệ; tái cấu trúc thị trường tài chính theo hướng minh bạch hơn. Hiện nay cuộc cách mạng 4.0 có nhiều đột phá, chuyển biến rất nhanh. Chúng ta đứng trước sức ép nhiều thách thức, vừa phải tăng sức đề kháng, đẩy mạnh cải cách tương thích; vừa học hỏi, xắn tay bắt nhịp với xu hướng mới, mới tránh lạc hậu” - TS Thành nhận định.
Toàn cảnh bức tranh kinh tế năm nay được dự đoán các chỉ tiêu tăng trưởng sẽ chậm lại, sụt giảm trong những tháng cuối năm, CPI có xu hướng nhích cao hơn. Để tháo gỡ những cản ngại, vấn đề mấu chốt vẫn là tạo đột phá về môi trường kinh doanh, xử lý dứt điểm những vấn đề phát sinh bất hợp lý, ảnh hưởng tiêu cực đối với cộng đồng doanh nghiệp. Điều này thấy khá rõ: Chủ trương của Chính phủ suốt thời gian qua là giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại những đề xuất chính sách gần đây như sửa đổi các luật thuế, VAT, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường qua xăng dầu… lại điều chỉnh theo hướng tăng thu!
Có cởi trói thực sự thì doanh nghiệp Việt mới lớn mạnh, chống chọi được với sức va đập từ bên ngoài. Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó CIEM - Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trăn trở: “Chúng ta đã có những cam kết chính trị ở mức mạnh mẽ nhất - từ Đảng tới Chính phủ, nhưng kết quả thực hiện ra sao? Nếu nói không thành công thì không đúng, vì môi trường kinh doanh rõ ràng có cải thiện và tăng bậc. Còn nếu nói thành công cũng chưa hẳn, vì việc hướng tới đưa Việt Nam vào nhóm trung bình của ASEAN 4 còn khoảng cách quá xa. Với mức độ cải thiện môi trường kinh doanh như hiện nay, phải mất rất nhiều năm nữa ta mới đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 19 của Chính phủ đề ra”.