Kết thúc đại hội Đảng cấp cơ sở tại TPHCM, không ít ứng viên trẻ đã trúng cử ban chấp hành đảng bộ phường xã với tỷ lệ tín nhiệm cao. Nhiều người trong số họ thuộc thế hệ cuối 7X, đầu 8X, thật sự trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề nhưng đang đảm nhiệm vị trí người đứng đầu tại các phường, xã. Với trình độ được đào tạo bài bản, tư duy sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm cộng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, những cán bộ lãnh đạo thế hệ mới này đang từng ngày nỗ lực làm thay đổi diện mạo địa bàn mình phụ trách, góp phần thay đổi cách đánh giá, nhìn nhận của người dân về bộ máy công quyền ở cơ sở. SGGP xin giới thiệu những gương mặt trẻ tiêu biểu này. |
“Gửi Bích Thuận!
Ngày mai 10 giờ đề nghị chị tới nhà tôi có việc gấp cần giải quyết!”
Vừa đi cơ sở về, Đặng Thị Bích Thuận, Bí thư Đảng ủy phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM bắt gặp tờ giấy nhỏ để ngay ngắn trên bàn làm việc của mình. Nét chữ này là của bác Hơn, một đảng viên lão thành đây mà. Sáng mai, Thuận phải đi dự đám tang một đồng chí lão thành trong phường, lại còn đảm nhận nhiệm vụ đọc điếu văn nữa chứ. Cô lo lắng nhấc máy bấm số gọi bác Hơn: “Bác kêu con có chuyện gì vậy bác?”. “Chuyện này con phải xuống đây mới giải quyết được” - tiếng bác dứt khoát trong điện thoại làm cô thấy hơi lo.
Đêm hôm đó, Thuận trằn trọc. Chắc phải có việc gì hệ trọng, bác ấy mới nhắn gấp vậy. Ở khu phố có chuyện? Hay trong điều hành quản lý, mình mắc phải sai lầm gì đây? Cô thầm mong cho trời mau sáng…
Gần dân
Đám tang vừa kết thúc, Thuận chạy xe tới nhà bác Hơn. Nhà bác bữa nay ngó bộ đông người. Không còn nghi ngờ gì nữa, nhà bác có… đám giỗ! Bác Hơn cười cười: “Tao nói vậy, bây mới ghé!”.
Bác Hơn nói vậy chứ từ ngày ngồi vào ghế bí thư phường, một trong những “công tác” mà Bích Thuận phải làm thường xuyên là… đi ăn đám giỗ, đám cưới, đám đầy tháng, thôi nôi. “Bà con, cô bác có quý, có thương mới mời mình chứ đâu phải hễ mình ngồi chức cao là bà con trọng mình đâu. Luật là luật, ở địa phương, tình cảm mới là yếu tố chính” - Thuận chia sẻ. Nhớ hôm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, TPHCM bị trận mưa lớn lịch sử. Nhiều phường trong quận Thủ Đức, trong đó có phường Linh Trung bị ngập nặng. Tối đó đang ở nhà, nghe anh em khu phố báo lên, Thuận điện thoại cho anh phó bí thư điều xe của phường, huy động lực lượng công an, quân sự phường ra hiện trường giúp dân.
Riêng Thuận, một mình đi xe máy ra tận nơi cho nhanh. Đây là những hộ dân nằm trong dự án Xa lộ Hà Nội. Mỗi lần mưa lớn, những hộ này bị ngập sâu đến ngang bụng. Nặng nhất là hộ ông Nguyễn Văn Em. Lần đó, lực lượng của phường phải hỗ trợ người dân di chuyển ra nơi an toàn, phối hợp với điện lực ngắt điện toàn khu vực, chờ nước rút giúp dân dọn dẹp nhà cửa. Đêm đó, cô trở về nhà khi đã gần nửa đêm.
Thuận cười: Mang tiếng công chức nhưng đâu có làm giờ hành chính, hễ có chuyện là đi thôi. Có những bữa mình ngồi đây cả ngày chỉ để tiếp dân hoặc đi cơ sở để nghe bà con bày tỏ bức xúc. Bữa nào “chơi” cả ngày thì đêm phải ở lại cơ quan đọc tài liệu, làm báo cáo cho kịp tiến độ”.
Đất Thủ Đức này Bích Thuận gắn bó từ lúc mới sanh ra. Những năm học cấp III, cô tham gia dạy lớp học tình thương ở phường. Sau đó, Thuận nhận chức phó chủ tịch hội phụ nữ phường rồi chuyển sang làm ở văn phòng ủy ban phường - khâu tiếp nhận và giao trả hồ sơ. Trong thời gian này, cô thi đậu vào Trường Đại học Hành chính quốc gia và Trường Đại học Nông Lâm TPHCM (chuyên ngành quản trị kinh doanh). Được sự hỗ trợ của cơ quan, Thuận kiên trì theo học cả 2 trường và lấy được bằng cử nhân. Năm 2006, cô được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND phường Linh Trung. Tháng 11-2008 Thuận được bổ nhiệm làm Phó Bí thư rồi đến tháng 4-2010 làm Bí thư Đảng ủy phường Linh Trung khi chưa đầy 28 tuổi.
Trọng dân
“Hẻm 56 đường số 6, khu phố 2: cần làm; hẻm 41, đường 11, khu phố 3: cần làm nhưng nhà dân quá ít, kiến nghị dân đóng góp 20%; đường 16 (đoạn còn lại): nên làm sớm; hẻm 28 đường số 10, khu phố 3: đã có dự án thoát nước của quận nên xây dựng sớm rồi làm đường luôn…”. Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ phường, bên cạnh danh sách 25 công trình trọng điểm sẽ đầu tư trong nhiệm kỳ tới là những dòng ghi chú nhỏ bằng bút chì như thế.
Trẻ tuổi, kinh nghiệm chưa có, lại làm việc trong môi trường có rất nhiều cán bộ lão thành, các đảng viên cao tuổi Đảng, bí quyết để đạt được sự đồng thuận của cô bí thư trẻ là phải biết lắng nghe. “Mỗi lần muốn làm cái gì, mình đều “trưng cầu dân ý” bằng cách mời các cô chú có tâm huyết với công tác địa phương lên góp ý. Với những công trình dân sinh, người dân sẽ nói cho mình biết chính xác họ đang cần gì, công trình nào bức thiết hơn, cái nào chưa cần gấp. Nghe góp ý xong, mình xuống từng con hẻm khảo sát lại. Nếu ý kiến của bà con xác đáng, mình sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch” - Thuận bộc bạch.
Thấy Thuận làm tới chức bí thư mà lễ phép, khiêm tốn, thiệt thà, mấy cô chú đi trước sẵn lòng chỉ bảo từng chút một. “Có lần điều hành một buổi họp mặt thân mật, mình cứ luôn miệng “kính thưa các đồng chí”. Họp mặt xong, mấy chú nhắc liền: “Đây là buổi họp mặt thân mật, không phải họp hành chính thống. Con nên thay từ “đồng chí” bằng từ “mấy cô, mấy chú” nghe cho nhẹ nhàng, thân tình hơn” - Thuận kể.
Cứ thế, cô bé út ngày nào chỉ biết đạp xe vô dạy lớp học tình thương cho con nít ở phường đã dần trưởng thành, dần vững vàng với nhiệm vụ mới đang gánh nặng trên vai.
Sáng tạo
Làm bí thư được hơn nửa năm, Thuận đã kịp áp dụng nhiều cách làm mới. Trước giờ, chưa có chuyện xin vô làm việc ở phường phải qua phỏng vấn. Riêng Thuận quyết định làm. Cô lý giải: Phải phỏng vấn, tạo cơ hội cho các ứng viên cạnh tranh bình đẳng mới tìm được người phù hợp với vị trí mình cần.
Khi phường có nhu cầu tuyển nhân sự, Thuận tổng hợp tất cả hồ sơ xin việc rồi tổ chức phỏng vấn. Thành viên hội đồng tuyển chọn là Thường vụ Đảng ủy phường. Qua buổi phỏng vấn, sau khi tìm hiểu kỹ về trình độ chuyên môn, bằng cấp, mức độ phù hợp với công việc, lãnh đạo phường còn đánh giá được khả năng gắn bó của ứng viên với phường.
Thuận nói: “Trong buổi phỏng vấn, mình vạch ra cả cái được, cái mất khi làm việc ở phường, nói thẳng với các bạn trẻ là người có bằng đại học thì phường rất cần, rất quý. Nhưng mà công việc ở phường xã rất đa dạng, không đơn thuần chỉ làm công tác chuyên môn. Thu nhập cũng còn hạn chế. Sau khi bày lên bàn cân cả cái sướng, cái khổ, ứng viên sẽ biết được họ có thể gắn bó lâu dài với địa phương hay không, tránh trường hợp vào làm được một thời gian “vỡ mộng” rồi xin nghỉ”.
Bằng cách phỏng vấn tuyển người, Thuận đã tuyển được một sinh viên tốt nghiệp đại học KHXH-NV về làm công tác phụ nữ. Một số ứng viên khác sau khi phỏng vấn cũng được phường lưu lại hồ sơ để liên lạc khi có vị trí thích hợp.
“Ở cơ sở, mỗi khi có chuyện, người dân chỉ biết chạy lên ủy ban phường chứ còn biết đi đâu” - nghĩ vậy, Thuận chấn chỉnh lại chế độ trực ban ngày nghỉ. Bây giờ, bất kể thứ bảy, chủ nhật hay ngày lễ, trụ sở UBND phường Linh Trung đều có cán bộ trực để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trên địa bàn.
Danh sách trực gồm có Thường trực Đảng ủy, Thường trực ủy ban, trưởng các ban ngành đoàn thể của phường. Mỗi buổi trực gồm 4 người. Phòng họp được sửa sang thành phòng trực. Mỗi buổi trực đều ghi vào sổ trực rất nghiêm túc. Bộ phận thanh tra xây dựng cũng tham gia trực ngày nghỉ để có tin báo xây dựng sai phép là tiếp cận xử lý ngay.
Nhằm củng cố lĩnh vực xây dựng, Thuận quyết định điều chuyển tất cả thanh tra xây dựng là đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ các khu phố 1, 3, 5, 6. Đây là những khu vực còn xảy ra tình trạng xây cất trái phép, lấn chiếm đất đai. Từ ngày áp dụng cách làm này, tình hình có khởi sắc, hạn chế xây cất sai phép.
Trong mắt của nhiều anh chị em ở phường, Bích Thuận là người tham việc, luôn đột phá trong suy nghĩ, đổi mới trong công việc rồi huy động mọi người cùng làm, hoàn toàn không có chuyện ỷ thế lãnh đạo rồi chỉ tay năm ngón. Hiện cô đang ấp ủ dự định tập hợp, mời gọi những giáo viên hưu trí trên địa bàn tham gia phong trào khuyến học.
Có bữa, đi ngang phường Linh Trung, thấy chiếc xe bồn lật nằm chỏng chơ, giao thông ùn tắc, nhớ Bích Thuận, tôi bấm điện thoại nhắn tin thông báo tình hình, cứ nghĩ báo cho lãnh đạo địa phương biết vậy thôi. Chưa đầy 10 phút sau, máy tôi nhận được tin nhắn: “Thuận đã trực tiếp kiểm tra và điều động lực lượng ra giải quyết tình hình. Cảm ơn H.”.
Mai Hương
Làm bí thư được 2 tháng, Thuận phải chủ trì và tổ chức đại hội Đảng bộ phường nhiệm kỳ mới. Lúc đó Thuận không lo “rớt” chức bí thư mà lo sao cho tổ chức được một kỳ đại hội trọn vẹn, đúng nguyên tắc và bàn thảo được những vấn đề trọng tâm để phát triển phường trong 5 năm sắp tới. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, đại hội thành công. Bích Thuận tiếp tục được bầu làm bí thư, trở thành một trong 2 bí thư phường trẻ nhất TPHCM. Đại hội Đảng bộ cấp quận, Bích Thuận trúng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ quận, trở thành quận ủy viên trẻ tuổi nhất. |
Bài 2: Sẽ được tất cả từ sự chân thành
Cao gần 1,75m, râu quai nón, thân hình vạm vỡ, tiếng nói trầm ấm, giọng hát ngọt ngào, chơi thể thao giỏi, khả năng hùng biện tốt, từng có giải trong những cuộc thi giọng hát hay, say mê nghệ thuật và mơ ước thi vào Trường Sân khấu Điện ảnh… Tất cả những yếu tố đó khiến nhiều người nghĩ rằng anh sinh ra không phải để làm… bí thư!
“Giống diễn viên hơn!”
Ngày mới nhậm chức Bí thư Đảng ủy phường 10, quận 6, TPHCM, anh Huỳnh Minh Hùng lần lượt đến ra mắt các bậc “tiền bối”: Các đồng chí cách mạng lão thành, đảng viên cao tuổi Đảng và các cô chú làm việc ở khu phố. Mấy bác lớn tuổi nhìn Hùng một lượt từ đầu tới chân rồi nói: “Tao thấy mày giống diễn viên hơn là bí thư phường”. Cũng chẳng trách các bác được. Nhìn Hùng, thật tình không thấy toát ra vẻ cần mẫn, cặm cụi, khuôn mẫu của một công chức Nhà nước. Dù không nói thẳng ra nhưng điều đó đồng nghĩa với việc mọi người chưa tin ở anh. Nghe vậy, anh chỉ dạ dạ, cười cười, trong bụng nghĩ thầm: muốn để mọi người thay đổi suy nghĩ rằng mình là một tay “chơi giỏi, làm dở” thiệt không phải dễ.
Thật ra, con đường đến với nghiệp công chức Nhà nước của Hùng chẳng phải do thời thế đẩy đưa mà do anh tự quyết định. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TPHCM, Hùng cũng có một khoảng thời gian đi làm ở vài công ty với mức lương tập sự 1,5 triệu đồng/tháng. Vậy rồi đột ngột, Hùng nộp đơn xin vô làm ở Văn phòng UBND quận 6, lương 800.000 đồng/tháng với lý do bị nhiều người quở là bốc đồng: “Thích cảm giác làm việc trong một tập thể đông đúc! Làm ở công ty lèo tèo chừng chục người, buồn!”. Không biết có phải thấy Hùng… ham vui hay không, mới vô quận làm được ít lâu, Hùng bị “bốc” lên làm công tác Đoàn.
3 năm sau, giữa năm 2003, Hùng mới được vào biên chế chính thức. Nhờ chuyên môn vững, anh được bố trí làm Phó phòng Tài nguyên - Môi trường rồi Giám đốc Trung tâm Đăng ký quyền sử dụng đất quận 6. Năm 2006, Hùng theo học cao học ngành Quản lý Đô thị của Đại học Kiến trúc TPHCM. Thời gian này, vừa đi học, anh vừa phải làm công tác chuyên môn. Hàng ngày, khi tan học ở trường lúc 17 giờ, anh trở về cơ quan đọc và ký duyệt hồ sơ đến tận 21 giờ mới về nhà.
Học chưa hết khóa, Hùng nhận lệnh luân chuyển về làm Phó Chủ tịch phụ trách đô thị UBND phường 14, quận 6. Không lâu sau, Hùng lại nằm trong danh sách học trung cao cấp chính trị trong 10 tháng. Thời điểm hoàn tất khóa học cũng là lúc anh chuyển công tác về làm Chủ tịch UBND phường 10, quận 6. Đây là khoảng thời gian va chạm nhiều nhất với thực tế và tạo ra nhiều cơ hội cho Hùng có những sáng kiến trong điều hành công việc.
Tiếp dân như tiếp khách
Ngày Hùng về phường, theo kết quả xếp loại thi đua của quận, phường 10 gần “đội sổ” - đứng thứ 11/14 phường trong quận. Một trong những chuyện người dân còn phàn nàn là thủ tục hành chính và thái độ tiếp dân. Hùng băn khoăn suy nghĩ: Đi ăn nhà hàng, vào khách sạn, ở đâu cũng có đội ngũ tiếp tân xinh đẹp, lịch sự, nhẹ nhàng hướng dẫn khách hàng. Còn ở cơ quan nhà nước, đành rằng có bảng hướng dẫn nhưng người dân đâu phải ai cũng biết đọc, biết viết, ai cũng mạnh dạn tiến tới bàn làm việc để nhờ cô nhân viên mặt “lạnh như tiền” ngồi sau khung kính hướng dẫn thủ tục cho mình.
Tại sao phải chờ dân hỏi, cán bộ mới trả lời như ban ơn? Tại sao không bố trí hẳn một bộ phận chuyên trách làm việc này, để người dân được đón tiếp và phục vụ chu đáo? Nghĩ là làm, anh quyết định triển khai mô hình “Người hướng dẫn chứng thư hành chính” với tinh thần “tiếp dân như tiếp khách, hướng dẫn dân như hướng dẫn người nhà, giải quyết nhu cầu của dân nhanh gọn, đúng pháp luật”. Theo đó, mỗi ngày, tại phòng tiếp nhận và giao trả hồ sơ đều có nhân viên lễ tân, ăn mặc lịch sự, ân cần tiếp đón, hướng dẫn người dân, đặc biệt là người già, người không biết chữ thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn. Kết quả, năm 2008 đã có 255/255 phiếu khảo sát từ dân bày tỏ thái độ hài lòng với ứng xử giao tiếp của cán bộ phường. Cũng kết quả này trong năm 2009 được 318/320 phiếu, 6 tháng đầu năm 2010 là 1.203/1.212 phiếu. Cuối năm 2009, điểm thi đua của phường 10 vọt lên đứng hạng 2/14.
Hiện tại, cấp phường xã được khoán biên chế và khoán lương. Tuy nhiên, theo Hùng, việc giao khoán này vẫn chưa thật sự “cởi trói” hoàn toàn và giao quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở. Anh trình bày: “Thực tế, một người giỏi có thể làm thay công việc của 2-3 người, thậm chí 4 người không giỏi. Thế nhưng theo quy định, một chức danh chỉ có thể hưởng lương chính thức cộng thêm 20% tiền lương nếu kiêm nhiệm thêm 1 đầu việc khác. Nếu anh này có làm thêm việc của 3-4 người nữa thì phường cũng không được trả nhiều hơn. Quy định này khiến cho mình không thể “đẩy” thu nhập của cán bộ lên cao và thu hút người giỏi về cơ sở. Nói cách khác, lãnh đạo phường dù được khoán cho 1 cục tiền nhưng không có toàn quyền quyết định việc sử dụng cục tiền đó ra sao để nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc”.
Từ thực tế đó, Hùng đang soạn thảo đề án cải cách hành chính, đề xuất quận cho phường 10 được làm thí điểm trong việc tự quyết về số lượng nhân sự, vận hành bộ máy trong khuôn khổ mức khoán kinh phí. Vấn đề này, Hùng đã trình bày tại cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ quận. Anh tự tin: “Lâu nay, công tác ở phường xã luôn bị gắn “mác” lương thấp, công việc tẻ nhạt. Một khi thu nhập của cán bộ cấp phường được đẩy lên mức 7-8 triệu đồng/tháng, tôi tin sẽ tìm được người giỏi về làm. Bộ máy hành chính cơ sở sẽ tinh, gọn, hiệu quả. Cấp phường làm tốt thì cấp quận, cấp TP sẽ khỏe hơn nhiều lắm”.
Sức mạnh từ sự chân thành
Tuy chức vụ cao nhất và trẻ tuổi nhất trong phường, tướng tá có phần “bặm trợn” song Hùng lại được tiếng “khéo chiều, tốt nhịn”.
Cũng nhờ tính chịu khó lắng nghe, kiên trì thuyết phục mà Hùng đã vận động nâng cấp được con hẻm 95 Lý Chiêu Hoàng với kinh phí 800 triệu đồng do nhân dân đóng góp 100%. Tuyến hẻm này vẫn được mọi người gọi vui là một “ca khó” vì nhiều lần lên kế hoạch vận động làm đường mở hẻm nhưng đều thất bại do dân không đồng thuận. Ngày Hùng về, anh thành lập tổ chuyên trách vận động với chiến lược, sách lược vận động trực diện kết hợp vận động bắc cầu, hết cán bộ xuống nhà dân rồi lại mời dân lên phường đàm đạo. Nhiều trường hợp, Hùng mời lên phường nói chuyện 7-8 lần. Kiên trì vận động trong 1 năm, cuối cùng con hẻm cũng thành hình. Bí quyết để thành công, theo Hùng chỉ nằm ở 2 chữ: chân thành! Công việc ở phường cũng vậy, trên dưới đồng lòng là làm được. Trong công việc, các buổi họp thì mình là lãnh đạo, hết giờ làm việc, ra khỏi phòng họp thì mình vẫn là anh em của mọi người.
Một ngày của Hùng bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng với bài tập Yoga. Buổi chiều, vừa xong việc cơ quan, anh ôm tập đi học Anh văn ở Trung tâm Hội Việt Mỹ. Tối về, Hùng xuống các khu phố dự họp. Chủ nhật, ngày nghỉ, anh mặc áo thun, quần jean xuống nhà mấy cô, mấy bác ở khu phố chơi, vừa để gần dân, vừa nắm tình hình. Với Hùng, Bí thư Đảng ủy không có nghĩa suốt ngày ngồi bàn giấy, mở miệng ra nói chủ trương, chính sách, nói không với thời trang và xa lạ với các hoạt động thể thao, vui chơi. Nhận xét về Bí thư Đảng ủy phường mình, cô Võ Thị Nam, thành viên ban điều hành khu phố 4 nói: “Bà con chịu Bí thư nhất ở thái độ biết lắng nghe, giọng nói truyền cảm, phát biểu có nội dung sâu sắc, không dài dòng. Cán bộ trẻ, nhanh nhẹn, năng động, giải quyết công việc có tình có lý như vầy, tụi tui tin tưởng lắm”. Cô còn kể thêm: Cái vườn phong lan ở trụ sở ủy ban phường do Hùng trồng đó. Bước vô thấy mát mẻ, êm dịu. Người dân bây giờ lên phường cũng thấy nhẹ nhõm hơn…”.
MAI HƯƠNG
Bài 3: Chuyện ở phường... villa
- Alo, đồng chí bí thư phải không? Tôi đề nghị đồng chí có mặt tại đây ngay lập tức.
- Dạ, bữa nay chủ nhật, để mai được không bác, con đang…
- Không, đồng chí xuống đây ngay bây giờ!
Cuối cùng, Trần Đoàn Trung, Bí thư Đảng ủy phường Thảo Điền, quận 2, TPHCM cũng phải xách xe chạy xuống khu phố. Anh phân trần: “Vậy đó, hễ ở địa bàn có chuyện quan trọng là mấy bác hưu trí lại điện thoại “điều động”, bất kể ngày nghỉ hay ngày lễ…
Học làm bí thư
Chưa đầy 34 tuổi nhưng với gương mặt từng trải, phong thái mạnh dạn, ăn nói thẳng thắn, bộc trực, hơi đượm khí khái… nghĩa hiệp giang hồ, thú thật, Trần Đoàn Trung dễ tạo cho người đối diện cảm giác đang tiếp xúc với một ông chủ đi buôn hơn là người làm chính trị. Nghe tôi bày tỏ suy nghĩ, anh cười: “Trúng phóc, đã có thời mình làm xuất nhập khẩu mà!”.
Tốt nghiệp đại học, anh vào làm cho doanh nghiệp nhà nước với vai trò nhân viên kinh doanh rồi nhân viên xuất nhập khẩu. Thời gian này, anh dự tuyển và trúng tuyển chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ của Thành ủy TPHCM. Sau gần 2 năm học tập ở Anh quốc, Trung trở về với tấm bằng thạc sĩ kinh tế. Về nước, anh được phân công nhận nhiệm vụ Phó phòng Kinh tế quận 12 rồi Phó phòng Kinh tế quận 2, TPHCM. Đến tháng 9-2009, anh nhận lệnh về phường Thảo Điền giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy phường.
Nhận quyết định xong, trong đầu Trung chỉ có một câu hỏi: “Làm bí thư là làm cái gì?”. Từ trước tới nay, học trong nước rồi ngoài nước, đọc sách vở, trải nghiệm thực tế, lăn lộn trường đời cũng nhiều nhưng chưa ở đâu dạy anh làm… bí thư Đảng ủy. Hỏi thăm mấy cô chú, anh chị trên quận, xuống tham khảo ý kiến của anh chị em tiền nhiệm ở phường, hỏi thăm bạn bè, tìm tài liệu nghiên cứu, cuối cùng Trung đúc kết được cho riêng mình khái niệm cơ bản về công việc của một bí thư: Làm bí thư phải bao quát tất cả mọi thứ và có sự quan tâm toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, bí thư của một đơn vị phải là trung tâm đoàn kết, tạo được chỗ dựa, niềm tin và môi trường thuận lợi để mọi người chung sức làm việc vì mục tiêu chung.
Định hướng được đường đi, Trung bắt đầu phân tích cái hay, cái dở của chính mình. Cái dở nhất của anh là chưa biết gì về địa bàn. Anh không phải người địa phương. Với anh lúc đó, hai tiếng Thảo Điền còn xa lạ. Một cái khó nữa anh còn thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, anh cũng tự an ủi khi liệt kê được 3 điểm mạnh của mình: Thứ nhất, anh được đào tạo bài bản và tự tin về khả năng tư duy, thích nghi với công việc. Thứ nhì, anh là người lạ, có thể dùng con mắt một người lạ để nhìn ra những cái mới mà người quen, người cũ khó nhìn thấy. Thứ ba, anh được sự ủng hộ của Quận ủy. Sau khi đặt tất cả lên bàn cân, Trung tự nhận định: Tuy “vốn liếng” không nhiều nhưng quan trọng là cách mình đầu tư để “sinh lợi” mà thôi.
Những ngày đầu, Trung được các anh chị trong Quận ủy dắt đi chào hỏi mấy cô bác lão thành cách mạng, sẵn dịp nắm tình hình và tìm hiểu địa bàn. Mới gặp lần đầu, nhiều cô bác đã “nắn gân” Trung bằng câu nói chắc nịch: “Chúng tôi biết về anh khá rõ đấy nhé!”. Cũng phải thôi, phường Thảo Điền có tổng cộng 415 cán bộ đảng viên, trong đó có nhiều đồng chí từng giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Chuyện Đảng bộ phường có một bí thư mới ti toe từ đâu điều về, chắc chắn thu hút sự quan tâm của các bậc tiền bối.
Trẻ hóa đội ngũ
Lần đầu tiên đến làm việc tại phường Thảo Điền, chúng tôi gọi điện hẹn trước và được biết phó chủ tịch phường sẽ tiếp nhà báo. Đúng hẹn, đến phường, bảo vệ hướng dẫn chúng tôi ngồi chờ. Một cô gái còn rất trẻ mặc áo sơ mi trắng, quần tây xanh, tóc cột cao sau gáy, đi từ trên lầu xuống mời tôi vào phòng làm việc của Phó Chủ tịch.
Trong khi tôi chắc mẩm đó là nhân viên văn thư của phường thì cô gái nhẹ nhàng ngồi vào chiếc bàn dành cho phó chủ tịch phụ trách văn xã. Làm việc với các bộ phận khác, chúng tôi càng bất ngờ hơn khi biết dàn lãnh đạo phần lớn đều thuộc thế hệ 8X: Phó Bí thư thường trực 29 tuổi, Phó Chủ tịch phường 28 tuổi, Bí thư Đoàn thanh niên 25 tuổi, Chủ tịch Hội Phụ nữ 26 tuổi. Ngay như chức danh Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc - một chức danh thường được dành cho các bậc cao niên thì ở phường Thảo Điền, cán bộ đảm nhiệm chỉ mới 33 tuổi. Thảo Điền, hiện được xem một trong những phường có đội ngũ cán bộ trẻ nhất TPHCM. Đó là kết quả từ quyết tâm trẻ hóa đội ngũ của Đảng ủy phường mà đứng đầu là Bí thư Trần Đoàn Trung.
Ở Thảo Điền, phát triển mạnh nhất về dịch vụ kinh doanh văn phòng, villa cho người nước ngoài thuê. Trong quản lý địa bàn, cán bộ địa phương thường xuyên phải tiếp xúc với người nước ngoài. Nhiều lần, khi cán bộ dưới quyền không đủ trình độ ngoại ngữ để giao tiếp với người nước ngoài, Bí thư phường đứng ra làm phiên dịch. Mấy ngày nay, Trung đang liên hệ với các trung tâm Anh ngữ trong TP xin bảng báo giá và chương trình học để nghiên cứu mời thầy về mở lớp dạy tiếng Anh cho cán bộ phường. Anh cho biết: Tất cả nhân viên phường, kể cả cán bộ khu phố, tổ dân phố nếu có nhu cầu đều có thể đăng ký học. Kinh phí sẽ do phường chi trả. Mục đích của mình là muốn nâng tầm cán bộ để đáp ứng nhiệm vụ trong thời gian tới. |
Ngồi ghế bí thư được ít lâu, Trung nhận ra điều khiến bộ máy của phường ngày một phình to nhưng hoạt động chưa hiệu quả do có nhiều người ngồi nhầm chỗ. Việc bố trí nhân sự chưa hợp lý khiến đội ngũ cán bộ chưa phát huy được hết năng lực của mình. Việc đầu tiên Trung “đụng” đến là chuyện sắp xếp lại nhân sự. Mới chân ướt chân ráo về mà đụng đến vấn đề nhạy cảm thật không dễ, làm không khéo có khi sẽ tự biến mình thành đối tượng chống lại cả một guồng máy, nếu điều đó xảy ra nguy hiểm vô cùng. Khó nhưng Trung vẫn quyết làm với suy nghĩ: Mình không xin xỏ để được về đây, mình không thù hằn với ai, cũng không có ý định tạo ê-kíp hay lập bè kết phái mà chỉ muốn công việc chung được thuận lợi.
Như vậy, không có gì phải ngại hay sợ đụng chạm. Sau khi tìm hiểu, cân nhắc, Trung sắp xếp lại một số chức danh trong đầu rồi tìm đến trao đổi với các đồng chí có uy tín trong Đảng ủy. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, đi đến thống nhất, anh mới bắt đầu thực hiện từng bước một. “Có người lên phải có người xuống. Thậm chí có những trường hợp không thể bố trí việc khác, chúng tôi buộc phải giải quyết cho thôi việc. Có làm tức có đụng chạm nhưng mình làm vì cái chung nên cũng mạnh dạn làm. Không suy nghĩ lăn tăn, cũng không ngại điều tiếng” - Trung chia sẻ.
Ngay từ lúc đề cử ứng viên vào Ban Chấp hành Đảng ủy phường nhiệm kỳ mới, Ban Thường vụ Đảng ủy phường đã trình danh sách 31 cán bộ tham gia ban chấp hành khóa mới với hơn phân nửa người trẻ. Quyết định này ban đầu không được ủng hộ. Nhờ sự kiên trì, thậm chí kiên quyết của Trung, anh đã thuyết phục được tập thể. Kết quả bầu cử: phần lớn ứng viên trẻ tuổi được giới thiệu đều trúng cử. Độ tuổi trung bình của ban chấp hành Đảng bộ phường Thảo Điền nhiệm kỳ mới là 36 tuổi - được xếp vào dạng “hàng hiếm” của TP.
Lần nào gặp Trung cũng nghe anh nói về những kế hoạch, dự định làm cái này, cái kia. Cán bộ trẻ vừa được bố trí vào đúng vị trí rồi thì những năm tới, hướng phát triển của họ ra sao để có thể đảm nhận được nhiệm vụ mới. Công tác cán bộ là một chu trình, một dòng chảy. Không thể khơi dòng rồi chặn lại. Rồi chuyện chống ngập cho Thảo Điền, chuyện xây dựng nếp sống văn minh đô thị, chuyện quy hoạch kiến trúc. “Vị trí và địa hình của Thảo Điền thật ra rất đẹp. Nếu phát triển đúng hướng sẽ không thua kém Phú Mỹ Hưng. Mình chỉ muốn làm hết sức để đưa mảnh đất này phát triển đúng với tiềm năng…”.
MAI HƯƠNG
Bài 4: Chuyện dân là chuyện mình
“Trời trưa rồi sao bác chưa về? Bác đợi chứng giấy tờ phải không? Để cháu kiểm tra xem xong chưa rồi chuyển trả cho bác” - đang ngồi ở sảnh trụ sở UBND xã Hiệp Phước huyện Nhà Bè chờ lấy bản hộ khẩu được chứng thực, ông Đ.V.M. (nhà ở ấp 3) vui hẳn lên khi một cậu thanh niên đến gần bắt chuyện. Cứ tưởng nhân viên của UBND xã đến tán gẫu cho vui, ông M. không khỏi ngạc nhiên khi thấy cậu thanh niên ấy ký chứng thực vào giấy tờ của mình. Khi đó ông mới biết chàng trai trẻ là “ông chủ tịch” xã Nguyễn Ngọc Xuân.
“Con đường thê lương”
Chỉ bằng sự thân tình, quan tâm mới lắng nghe được những tâm tư, mong muốn của người dân để kịp thời giải quyết - đó là điều chủ tịch Nguyễn Ngọc Xuân luôn tâm niệm. Ở tuổi 35, anh Xuân lần lượt đảm nhận chức danh người đứng đầu chính quyền 2 xã rộng lớn của huyện Nhà Bè và bí quyết trên đã giúp anh rất nhiều trong công việc.
Được điều động từ Văn phòng Huyện ủy về làm Chủ tịch UBND xã Phước Kiển vào cuối tháng 3-2007, không ít chuyện anh cảm thấy bỡ ngỡ. Ngoài giờ làm việc ở cơ quan, anh dành nhiều thời gian xuống các ấp, ngồi trò chuyện thân thiết như em, cháu trong gia đình để nắm thêm tình hình. Biết dân mong muốn cơ sở hạ tầng được cải tạo, anh đề xuất huyện chi ngân sách và vận động người dân hiến đất làm đường để mở rộng các đường giao thông nông thôn từ 2-3m lên tối thiểu 6m, nhựa hóa các tuyến hẻm, lắp đặt hệ thống thoát nước… Chỉ trong vòng mấy tháng, đến cuối năm 2007, một con hẻm đã được nâng cấp. Và khi anh rời địa phương đi nhận nhiệm vụ mới vào đầu tháng 9-2010, có thêm 4 con hẻm được “lên đời”.
Một trong những dấu ấn chủ tịch Xuân để lại cho đến nay vẫn được người dân Phước Kiển nhắc đến là chuyện anh quyết liệt yêu cầu không được tiếp tục kéo dài thời gian thi công đoạn đường Lê Văn Lương để ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Năm 2007, khi dự án lắp đặt hệ thống thoát nước, trải nhựa mặt đường Lê Văn Lương và dự án cấp nước được triển khai thi công trên tuyến đường dài gần 4km này, người dân bắt đầu khốn khổ. Mặt đường bị băm nát, trời nắng bụi bay mù mịt, trời mưa lầy lội với những ổ gà, ổ voi. Học sinh đạp xe đến trường bị ngã ướt hết áo quần, sách vở, phải quay về; các hộ kinh doanh, buôn bán ở đây gần như mất hết khách. Bà con bấm bụng bảo nhau cố gắng chịu đựng đến khi dự án hoàn thành vào giữa năm 2008 như công bố. Vậy nhưng thời hạn ấy trôi qua đã lâu nhưng chưa hạng mục nào hoàn thiện.
Con đường vẫn ngổn ngang. Các đơn vị thi công luôn đổ trách nhiệm cho nhau. Dù xã đã bỏ ra 300 triệu đồng ngân sách để dặm vá mặt đường nhưng chỉ giải quyết tạm cho người dân đi lại chứ không bằng phẳng được. Điều này khiến anh mất ăn mất ngủ. Nhiều lần, xã gửi văn bản đề nghị đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ nhưng cũng không biến chuyển.
Vậy là tại kỳ họp HĐND TPHCM vào tháng 7-2009, với tư cách đại biểu HĐND, anh Xuân chất vấn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải về sự trì trệ trong tiến độ thực hiện dự án với câu nói ấn tượng: “Xin tạ lỗi với hương hồn đồng chí Lê Văn Lương, con đường mang tên ông đã được người dân Nhà Bè gọi là con đường “thê lương” vì xuống cấp trầm trọng mà không ai sửa chữa…”. Anh còn đem hình chụp “con đường thê lương” trình trước kỳ họp để làm bằng chứng. Lần đó, anh bị lãnh đạo TP nhắc nhở vì phát biểu có phần “quá khích”. Anh cười: “Đúng là mình hơi quá lời. Nhưng thấy dân cực quá nên bức xúc, sốt ruột không chịu được!”. Sau câu chất vấn nóng bỏng này, dự án “chạy” nhanh hơn vì hoàn thành trong năm 2010.
Học từ thực tế
Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TPHCM, xuất thân từ cán bộ Đoàn, chưa từng qua lớp đào tạo về quản lý hành chính Nhà nước nên lần đầu tiên được phân công làm công tác chính quyền, anh Xuân hơi lo. Một tuần sau khi nhận nhiệm vụ, anh vẫn… án binh bất động chưa dám thò viết ký bất cứ hồ sơ, giấy tờ gì vì… có rành đâu mà ký! Thêm một ngày trôi qua, hồ sơ lại thêm dồn đống. Cứ cái đà này chắc có ngày bà con kéo lên ủy ban khiếu nại đòi giấy tờ mất thôi. Anh phải đi tìm “cứu tinh”!
Tham khảo ý kiến một phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, anh nhận được lời khuyên: Làm lãnh đạo, trong một số trường hợp phải biết tin vào sự tham mưu của anh em cấp dưới!
Không còn cách nào khác, không thể vì sĩ diện mà “giấu dốt” để rồi làm thiệt hại tới quyền lợi của bà con, anh quyết định tập hợp anh em dưới quyền lại rồi tâm sự thiệt tình rằng mình chưa hiểu sâu về chuyên môn. Mọi việc trong thời gian đầu trông chờ vào sự giúp đỡ của anh em. Chính cách trao đổi thẳng thắn, chân tình đó đã khiến mọi người nhiệt tình giúp đỡ anh. Anh cười: “May là các cán bộ của xã Phước Kiển đều vững về chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu tình hình địa phương nên công việc suôn sẻ”. Thế nhưng, chuyện dựa vào cấp dưới chỉ là giải pháp tạm thời. Người cứu không bằng mình tự cứu, bằng mọi giá, anh phải lấp cho được lỗ hổng này.
Qua những lần giải quyết các hồ sơ, anh dần học hỏi kinh nghiệm và nắm vững các quy định có liên quan những lĩnh vực mình phụ trách. Đêm về, anh miệt mài nghiên cứu văn bản pháp luật, đọc lại tài liệu, hồ sơ, tham khảo thêm sách báo. Sau khi tham gia lớp trung cấp quản lý hành chính Nhà nước do huyện Nhà Bè cử đi, bây giờ chủ tịch Xuân đã am hiểu sâu từng vấn đề và hướng dẫn trở lại cho anh em cấp dưới những quy định mới, những cách làm khoa học để tăng hiệu quả công việc, hơn hết phục vụ dân được tốt hơn.
Thân trong lớp, hồn cơ quan
Từ ngày 1-9-2010, anh bước vào thử thách mới khi được chuyển về làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hiệp Phước. Đây là xã có diện tích lớn nhất huyện với 3.808ha, có KCN Hiệp Phước lớn nhất nước; đồng thời được thành phố quy hoạch, phát triển thành đô thị cảng vào đầu năm 2011. Tuy vậy, đây cũng là xã nghèo (quỹ tiền mặt lúc được bàn giao khi anh về chỉ có 10 triệu đồng); địa bàn rộng và phức tạp, có những đoạn ở tít trong sâu, phải đi đò mới đến được; an ninh trật tự phức tạp do nhiều dân nhập cư từ nơi khác chuyển đến, sông rạch chằng chịt dẫn đến nhiều vụ trộm đường sông… Điều khiến anh trăn trở là hệ thống cơ sở hạ tầng của xã quá kém. Anh Xuân bộc bạch: “Đến nay xã Hiệp Phước vẫn chưa triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng. Toàn xã chỉ có tuyến đường Nguyễn Văn Tạo được trải nhựa, còn lại hầu như đường đất”.
Một mối lo khác của anh là đội ngũ cán bộ xã chưa chủ động, mạnh dạn trong tham mưu, đề xuất những việc làm có lợi cho dân. Bất cứ chuyện lớn chuyện nhỏ, anh em đều điện thoại xin ý kiến lãnh đạo.
Mới về phụ trách xã, tình hình còn ngổn ngang nên anh Xuân dù đang theo học lớp cử nhân kinh tế chính trị ở TP nhưng thường xuyên ở trong trạng thái: Thân thể ở lớp mà hồn tơ tưởng chuyện cơ quan. Có khi đang học, anh em điện thoại báo ở xã có chuyện, đành phải bỏ học, xách xe vượt mấy chục cây số về giải quyết. Anh tiết lộ: Có ngày ngồi trong lớp nhưng nhận đến 40-50 cuộc điện thoại xin ý kiến của anh em ở nhà. Ngồi trong lớp mà cứ loay hoay nhắn tin, nhấp nhổm xin ra ngoài nghe điện thoại. Hôm bữa sém chút bị cấm thi! Tới đây phải lo chuyện nâng cao trình độ cho cán bộ, tăng tính chủ động chứ như vậy hoài không thể theo kịp yêu cầu phát triển của địa phương…”.
Nhiệm kỳ 5 năm tới sẽ là khoảng thời gian để anh Nguyễn Ngọc Xuân chứng minh mình sẽ lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền giải quyết những trăn trở, thách thức nói trên. Như lời ông Phạm Văn Hữu (địa chỉ 1415 Nguyễn Văn Tạo, ấp 3 xã Hiệp Phước) nhận xét: “Thế hệ trẻ có trình độ và chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Người dân chúng tôi rất mong có được những con đường sạch, đẹp, rộng rãi, muốn đời sống ngày một khá giả hơn, thôn ấp ngày một văn hóa hơn. Tôi tin những cán bộ trẻ nhiều tâm huyết như anh Xuân sẽ tiếp nối và làm được những phần việc mà các lớp lãnh đạo trước chưa kịp làm”.
ÁI CHÂN – MAI HƯƠNG