Liên quan đến báo cáo về tình hình nợ công của Việt Nam vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố ngày 27-5, PV Báo SGGP đã trao đổi với ĐBQH, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
- Phóng viên: Thưa ông, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho biết, nếu tính toán theo thông lệ quốc tế thì nợ công của Việt Nam sẽ đội lên vài chục phần trăm so với mức được công bố, vượt ngưỡng an toàn. Và thực tế thì nợ mà Chính phủ không bảo lãnh cuối cùng túi tiền ngân sách cũng phải gánh. Ông có bình luận gì?
>> Ông CAO SĨ KIÊM: Đúng là nợ của khối DNNN hiện nay là rất lớn, hầu hết là nợ xấu và tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế. Cũng phải tính cả nợ đọng của chính quyền địa phương nữa. Đây là một trong những vấn đề mà Chính phủ phải tập trung giải quyết. Lộ trình xử lý nợ công chắc chắn phải được vạch ra cụ thể. Tôi nhớ không lầm thì Thủ tướng đã hứa giải quyết 99.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản trong 3 năm, mỗi năm khoảng hơn 30.000 tỷ.
- Phải chăng đã đến lúc thay đổi cách tính nợ công, vì như lâu nay thì con số được công bố không bao gồm một phần nợ “chìm” khá lớn?
Chắc chắn phải thay đổi. Con số phải bộc lộ hết, rõ ràng thực trạng thì mới nhận diện đúng và quyết tâm giải quyết vấn đề.
- Nhưng cũng có quan điểm cho rằng kinh tế đang “khô kiệt”, cần huy động thêm nguồn lực và một trong những giải pháp được tính đến chính là nới trần nợ công và bội chi, ông nghĩ sao?
Nợ công của nước ta tính theo GDP thì không phải lớn, có nước như Nhật Bản nợ công lên tới 120%. Vấn đề chính cần xem xét là khả năng trả nợ. Hiện tại Việt Nam vẫn đang trả nợ sòng phẳng, nhưng một thái độ thận trọng cũng là hết sức cần thiết, vì hiệu quả đầu tư của nền kinh tế là thấp, thể hiện qua hệ số đầu tư (ICOR) rất cao. Thêm vào đó, kinh tế trong nước và thế giới cũng đang suy trầm, liệu đến hạn có thanh toán được nợ không?
Tôi cho rằng có nới trần nợ công hay không thì phải phân tích rất cụ thể, không nói chung chung được. Phải xem vay nợ thêm để làm gì, đầu tư vào đâu, khả năng thu hồi ra sao... Nếu để đầu tư vào những công trình hiệu quả tốt, sử dụng nhiều lao động thì cũng có thể, nhưng vay nợ kiểu “đánh trống ghi tên”, cứ ôm tiền về cái đã rồi sử dụng lãng phí thì rất nguy hiểm!
- Cảm ơn ông!
ANH THƯ thực hiện