
Năm 2015 vừa khép lại, theo thống kê từ ngành chức năng cho thấy tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn TPHCM trong 365 ngày của năm cũ có những cái được nhưng cũng còn nhiều điều đáng để bận tâm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban chuyên trách, Ban ATGT thành phố, về những vấn đề liên quan.
* Phóng viên: Ông có thể khái quát về những nét chấm phá chính trong bức tranh toàn cảnh ATGT trên địa bàn thành phố trong năm 2015 vừa qua?
* Ông Nguyễn Ngọc Tường: Một cách tổng quát, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ trên địa bàn thành phố trong năm 2015 đã được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, so với năm 2014 trước đó, năm 2015 toàn thành phố kéo giảm 627 vụ TNGT, giảm 30 người chết và giảm 728 người bị thương. 17/24 quận huyện giảm được số vụ TNGT; 15/24 quận huyện kéo giảm được số người chết và 13/24 quận huyện kéo giảm được số người bị thương do TNGT. Trong đó có 3 địa phương là quận 9, quận 10 và quận 11 có thành tích kéo giảm TNGT trên cả 3 mặt với tỷ lệ cao. Ở chiều ngược lại, một số quận huyện vẫn còn số người chết vì TNGT tăng, trong đó quận 2 và quận Phú Nhuận là những địa phương có tỷ lệ tăng rất cao trên 2 tiêu chí: số người chết và số người bị thương.

Di chuyển chậm vẫn còn diễn ra ở nhiều tuyến đường tại TPHCM (Ảnh: CAO THĂNG)
Trong năm qua, số vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút đã được kéo giảm nhưng các trường hợp ùn ứ vẫn xảy ra khá thường xuyên, đặc biệt trong các giờ cao điểm và tại những khu vực đang triển khai thi công các công trình hạ tầng cơ sở. Công tác quản lý trật tự lề đường, vỉa hè của các địa phương còn lỏng lẻo, chưa được duy trì thường xuyên.
* Với số liệu thống kê các vụ TNGT, ông có thể nói gì về nguyên nhân gây ra tai nạn?
* Một trong những điểm nổi bật trong thống kê mà chúng tôi ghi nhận được cho đến giờ phút này, đó là có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tai nạn, như do lái xe cơ giới, có thể do kỹ thuật xe, do người điểu khiển xe thô sơ, do người đi bộ hoặc do kỹ thuật cầu đường. Trong số này, nguyên nhân liên quan đến lái xe cơ giới là nhiều nhất và phức tạp nhất, tập trung vào các lỗi như: lưu thông không đúng phần đường, vi phạm tốc độ, tự gây tai nạn, không chú ý quan sát, tránh vượt không đúng quy định, đổi hướng không đúng quy định, lưu thông vào đường cấm hoặc đường ngược chiều, say bia rượu, xử lý tay lái kém…
* Ông vừa nhắc đến phần nguyên nhân liên quan đến khách bộ hành và người điều khiển xe thô sơ. Cụ thể thường rơi vào những tình huống nào, thưa ông?
* Có một thực tế là không ít vụ TNGT xảy ra là do lỗi từ phía người đi bộ. Chúng tôi ghi nhận có 57 vụ TNGT là do người đi bộ băng qua đường không đúng nơi quy định hoặc đi dưới lòng đường. Trong khi đó, người điều khiển xe thô sơ hay phạm vào các lỗi: đổi hướng không đúng quy định, lưu thông sai tuyến, lấn trái đường, chở hàng cồng kềnh, say bia rượu…
* Là người có thâm niên theo dõi sát mảng ATGT trên địa bàn thành phố, ông có nhận xét gì về đối tượng và tuyến đường thường gây ra/xảy ra tai nạn?
* Thống kê theo đối tượng gây ra TNGT, thật đáng buồn khi chúng tôi thấy có đủ mặt các chủng loại phương tiện làm đại diện. Bởi vì đối tượng có thể gây ra TNGT hầu như không từ một phương tiện nào, từ xe 2 bánh gắn máy cho đến xe tải, xe du lịch, xe đầu kéo container, xe buýt, xe taxi, xe 3 bánh gắn máy… Trong số này, số vụ TNGT rơi áp đảo vào diện xe 2 bánh gắn máy trong khi hình thức đâm va phương tiện phổ biến là ô tô với xe máy, xe máy với xe máy, xe máy tự gây ra, xe máy với người bộ hành, ô tô với ô tô.
Nếu thống kê theo tuyến đường thường xảy ra TNGT, đường nội thành dẫn đầu về số lượng vụ việc, tiếp theo là đường ngoại thành và đường giao nhau trong khi tỉnh lộ rất ít và đường nông thôn không có vụ việc nào.
* Ban ATGT thành phố ghi nhận khung giờ nào trong ngày là khung giờ “đen”, tức xảy ra TNGT nhiều nhất và độ tuổi thương vong trong các vụ TNGT như thế nào?
* Chúng tôi chưa khẳng định đây là quy luật, nhưng chỉ đơn giản thống kê thấy số lượng người thương vong về đêm nhiều hơn ban ngày, cụ thể là trong khoảng thời gian từ 18 giờ cho đến 2 giờ sáng hôm sau, trong đó nhiều nhất là từ 20 giờ đến 23 giờ. Độ tuổi của số người chết và bị thương rơi nhiều vào nhóm người trẻ, từ 19-30 tuổi.
* Tết Bính Thân 2016 đã cận kề. Theo ông, thành phố có thể làm gì để đảm bảo tốt nhất tình hình trật tự ATGT trên địa bàn trong mùa lễ hội lớn trong năm?
* Đây là một vấn đề phức tạp và đòi hỏi sự tham gia hưởng ứng từ nhiều phía chứ không đơn thuần chỉ Ban ATGT hay Sở Giao thông Vận tải thành phố là đủ. Tuy nhiên, những điểm nhấn đáng chú ý đó là ngành chức năng cần có phương án tổ chức, phân luồng giao thông hợp lý kết hợp bố trí lực lượng ứng trực kịp thời trên các tuyến giao thông trọng điểm hoặc nơi có vị trí phức tạp nhằm đảm bảo không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, đặc biệt trong ngày đầu và ngày cuối của đợt nghỉ tết 9 ngày sắp đến.
THIỆN NHÂN