“Các bạn thanh niên tình nguyện đến đây đã làm việc năng nổ, không nề hà. Các bạn như người nhà của chúng tôi”, anh Keovongvien Boutsavong, Bí thư Tỉnh đoàn Attapeu (Lào) nhận xét như thế về những thanh niên tình nguyện. Quả thế, trong chuỗi ngày tình nguyện ở nước bạn, 71 chiến sĩ đội hình Mùa hè xanh và Kỳ nghỉ hồng đã có nhiều chia sẻ với các bạn phần nào khó khăn trong cuộc sống.
Không nề hà
Sa bai di (xin chào), kho xon nang (xin mời ngồi), hen bo (thấy không)… là phiên âm tiếng Lào mà các bác sĩ tình nguyện được bổ túc cấp tốc trên chuyến xe di chuyển từ Việt Nam sang nước bạn. Hai tỉnh Attapeu và Champasak (Lào) đều còn khó khăn. Dặn lòng ăn không đủ, lấy đâu tiền khám bệnh, nên chỉ khi bệnh nặng, người dân mới gặp bác sĩ. Hay tin có bác sĩ tình nguyện từ Việt Nam sang, từ sáng sớm, hàng trăm người dân đã có mặt ở điểm khám bệnh Muong Mun (tỉnh Champasak).
Dù đã có sự chuẩn bị nhưng đến khi vào cuộc, rào cản ngôn ngữ đẩy các bác sĩ vào tình huống dở khóc dở cười. Vừa ra dấu cho người phụ nữ khoảng 40 tuổi bịt một mắt để đo thị lực, nam bác sĩ tình nguyện vừa sốt sắng: “hen bo? hen bo?”. Vừa trả lời, người phụ nữ cứ liên tục nâng lên đặt xuống bầu ngực của mình. Cầu cứu thông dịch viên thì bác sĩ mới hay, câu hỏi đã bị hiểu nhầm là… ngực có lớn không?
Ở khu vực khám tổng quát, ra dấu một hồi mà người dân chưa chịu mặc áo khoác vào sau khi khám xong, nhóm bác sĩ ớ ra mình mới chỉ học lỏm “ke su ot” (cởi áo ra) mà quên học phiên âm tiếng Lào của cụm từ “mặc áo vào”. Đến khi phát thuốc miễn phí, chỉ riêng dung dịch vệ sinh, rất nhiều chị em cứ cầm chai nước xem tới xem lui, thắc mắc cách sử dụng. Nhóm nam tình nguyện viên phát thuốc bó tay, hai thông dịch viên người Lào cũng không rõ dịch như thế nào. Rất may, một nữ tình nguyện viên thấy tình cảnh vậy liền cứu nguy bằng cách nháy nháy hơn 10 chị em ra một chỗ khác, quây thành vòng tròn. Được thực mục sở thị cách sử dụng, tất cả chị em bẽn lẽn cười cảm ơn.
Các chiến sĩ tâm sự, những kỷ niệm cũng là kinh nghiệm đó nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn thì có lẽ đã hạn chế được. Bác sĩ Lê Thanh Tùng (Bệnh viện Mắt TPHCM) cho biết, mỗi ngày, đoàn đã khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 500 người dân. Có ngày, 17 giờ chiều mới khám xong. Dù một số người dân phải chờ đợi lâu, bác sĩ phải làm việc nhiều, bữa nào cũng ăn cơm trễ, song ai nấy đều rất vui vì cả người dân và bác sĩ đều hiếm có dịp hội ngộ như thế.
Thắm tình anh em
Lần thứ năm trở lại tỉnh Attapeu, chiến sĩ Đặng Văn Tới (Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn), mỉm cười hạnh phúc khi thấy từng ruộng lúa đã được gieo cấy thẳng hàng, cánh đồng đã có hệ thống thủy lợi tưới tiêu. Cũng không còn mảnh ruộng nào trồng xen lẫn lúa và bắp do hiểu nhầm luân canh, xen canh là… trồng luân phiên, cứ một cây lúa là một cây bắp. Vậy là kỹ thuật canh tác lúa nước mà các kỹ sư nông nghiệp Việt Nam truyền đạt, người dân nước bạn đang dần nhân rộng.
Không ngần ngại cởi giày, kỹ sư Tới lội xuống ruộng rồi chỉ 1/3 phần ruộng mà nền cao hơn phần còn lại và đang khô khốc, nói: “Làm đất như thế này là chưa tốt. Lúa lên không đều. Đất cần làm kỹ và bằng phẳng”. Bắt con ốc bươu vàng giơ lên giúp bà con phân biệt, anh Tới tiếp lời: “1 con ốc này sẽ ăn sạch cả mảnh ruộng. Ốc bươu vàng có mặt ở ruộng lúa, trên bờ, kể cả chân cột điện”. Cả cánh đồng cười vang trước sự hóm hỉnh của chàng kỹ sư khi nói về sự lây lan, tác hại của ốc bươu vàng. Rồi anh hướng dẫn người dân cách pha, cách phun thuốc xuôi theo chiều gió để diệt ốc bươu vàng.
Để truyền đạt được đầy đủ, anh Tới soạn sẵn bài giảng điện tử rồi gửi trước cho các cán bộ Lào nhờ chuyển ngữ. Mỗi buổi sáng, 50 người dân tập trung trong phòng trao đổi lý thuyết cách trồng trọt, chăm sóc các loại cây. Sau buổi học lý thuyết, đoàn chiến sĩ tình nguyện tặng mỗi nông dân 10 USD. Buổi chiều, không ai vắng mặt và tất cả cùng các kỹ sư nông nghiệp ra đồng thực hành. Có người còn dẫn kỹ sư Việt Nam ra tận ruộng của mình để hỏi thêm về những dấu hiệu bệnh trên cây.
“Chính khát khao học hỏi của bà con và tình cảm nồng ấm của mọi người khiến tôi luôn muốn truyền đạt nhiều hơn nữa những thành tựu khoa học để bà con áp dụng, cải thiện cuộc sống”, anh Tới bày tỏ.
Không những giúp các bạn chăm lo sức khỏe, nâng cao kỹ thuật canh tác, các chiến sĩ còn giúp hai gia đình khó khăn an cư lạc nghiệp, sửa chữa trường học… Tham quan ngôi Trường Setnam Om sau khi sửa chữa, ông Bun Thăm (52 tuổi, tỉnh Champasak), người có hai con theo học ở đây, mừng rỡ: “Phòng học cao ráo, không sợ nắng mưa nữa. Lại có điện sáng và quạt trần, thật là tốt quá!”.
“Từ đây, 140 con em khó khăn ở tỉnh Champasak có điều kiện học hành đều đặn rồi, không phải ngưng nghỉ giữa buổi học do nắng mưa, tối trời nữa”, thầy hiệu trưởng Dam Lung Gungvichit phấn khởi.
MẠNH HÒA