Để phát triển kinh tế ở mức cao, thời gian qua tỉnh Tiền Giang tiếp tục thực hiện nhiều chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, đặc biệt quan tâm các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh.
Chăm lo người nghèo
Một trong những giải pháp quan trọng mà tỉnh Tiền Giang tập trung thực hiện nhằm đảm bảo an sinh xã hội là giúp người nghèo có điều kiện an cư lạc nghiệp, cho người nghèo vay vốn để xây dựng nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và xây dựng nông thôn mới.
Căn cứ danh sách hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ nhà ở của các huyện, thành phố, thị xã (gọi chung là huyện) rà soát 2 đợt/ năm; tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ trên 10.545 hộ nghèo vay vốn.
Trong 2 năm (2009 và 2010), các huyện đã xây dựng xong được 6.715 căn, đạt 63,6% số lượng nhà theo Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, với kinh phí hơn 145 tỷ đồng. Vận dụng nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, người dân tham gia đóng góp xây dựng nhà ở” nên trong quá trình thực hiện đã được toàn xã hội quan tâm.
Theo khảo sát, các căn nhà đều đảm bảo “3 cứng”, có bao che kín đáo, chắc chắn. Việc xét bổ sung đối tượng hỗ trợ nhà ở đã tiếp tục mang đến cơ may thay đổi điều kiện sống cho nhiều gia đình đang thật sự khó khăn về nhà ở. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, ngụ ấp 3, xã Phú Cường, huyện Cai Lậy không có đất canh tác, vợ anh bị bệnh mất ngủ rồi chuyển sang tâm thần, ngôi nhà tre lá của anh Dũng ngày một dột nát, từ khi được ấp xét hỗ trợ nhà ở, anh đã có ngôi nhà mới vững chắc, không còn sợ gió lùa, mưa dột.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 2.255/3.854 căn và đang xây tiếp 1.599 căn. Đến thời điểm này, toàn bộ kinh phí hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo của Trung ương, tỉnh đã chuyển về đến huyện và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho các hộ nghèo vay vốn để tiến hành xây nhà hầu kịp đón Tết cổ truyền trong căn nhà mới.
Sự quan tâm của lãnh đạo
Để thực hiện có hiệu quả các chương trình trên, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sâu sát các vấn đề an sinh và giải quyết việc làm cho người lao động. Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh đã có nhiều nỗ lực tạo việc làm cho người lao động thông qua hoạt động giới thiệu việc làm đến các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Hàng tháng, Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở, thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tạo cơ hội cho người lao động gặp gỡ trực tiếp với doanh nghiệp và tìm được việc làm, đã có trên 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia tuyển lao động tại các phiên giao dịch việc làm do trung tâm tổ chức.
Qua các phiên giao dịch việc làm đã tạo cơ hội cho hàng ngàn lao động tìm được việc làm tại các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Canada...
Ngoài ra, để chăm sóc sức khỏe người nghèo, tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT), lập Quỹ Bảo trợ bệnh nhân nghèo… tạo cơ hội thiết thực để người nghèo tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế trong việc chăm sóc sức khỏe; hàng năm, tỉnh đã đầu tư kinh phí khá lớn cho công tác này. Chỉ riêng năm 2011, ngân sách tỉnh đã đầu tư trên 70,3 tỷ đồng mua 163.493 thẻ BHYT cấp cho 100% người nghèo toàn tỉnh.
Chị Phạm Thị Chọn, ngụ ấp Mỹ Luận, xã Mỹ Hạnh Trung, huyện Cai Lậy đưa con gái đi khám bệnh ở Bệnh viện ĐKTT tỉnh chia sẻ: “Con gái tôi mắc bệnh tim bẩm sinh. Bác sĩ báo mổ với chi phí quá lớn, vợ chồng tôi không có đủ khả năng, may nhờ có BHYT người nghèo và được hỗ trợ thêm nên con gái tôi mới được cứu sống”.
Ngoài việc được khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại cơ sở y tế của Nhà nước, người nghèo còn được chăm sóc sức khỏe miễn phí thông qua hệ thống các phòng khám bệnh nhân đạo và hoạt động khám chữa bệnh từ thiện. Toàn tỉnh hiện có trên 10 phòng khám nhân đạo, hơn 90 tổ thuốc Nam và hàng năm có khoảng 100 đoàn y, bác sĩ đến khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho dân nghèo vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.
Vũ Quỳnh