Tinh và thô

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vừa đón nhận thêm một tin vui: kim ngạch xuất khẩu cao su đã vươn lên hàng thứ hai trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu, “vượt mặt” cà phê và chỉ đứng sau gạo – một mặt hàng chiến lược luôn dẫn đầu trong hàng chục năm qua. Đồng thời xuất khẩu cao su có nhiều khả năng vượt 3 tỷ USD trong năm 2011, vượt xa con số 2,3 tỷ USD đặt ra trong kế hoạch cho năm nay.

Mặc dù thị trường thế giới vừa qua có rất nhiều khó khăn, biến động và sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, nhưng hầu hết giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam đều tăng, góp phần giảm sự mất cân đối với nhập siêu trong nhiều năm qua. Đó là dấu hiệu của một xu hướng phát triển kinh tế bền vững.

Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ về cơ cấu hàng xuất khẩu cao su của chúng ta thì thấy chủ yếu vẫn là xuất khẩu cao su tự nhiên (mủ cao su) và nguyên liệu sơ chế, do đó chỉ chiếm khoảng trên dưới 10% giá trị gia tăng trong tổng giá trị xuất khẩu.

Trong khi đó, không kể các nước tiên tiến của thế giới, chỉ so với một số nước trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan, giá trị gia tăng chiếm đến (lần lượt là) 54% và 67% trong tổng giá trị cao su xuất khẩu. Rõ ràng, chúng ta đang xuất khẩu thô cao su thiên nhiên, trong khi các nước ngày càng đi vào chiều sâu, phát triển theo hướng tinh chế một nguồn nguyên liệu rất quý của thế giới.
 
Thực trạng trên chúng ta đã thấy từ lâu và không phải chỉ có ở cao su mà diễn ra hầu hết ở các hàng nông sản khác như gạo, cà phê, hồ tiêu, chè… Trong đó, người được hưởng lợi nhất lại là những nhà buôn trung gian, những tập đoàn kinh tế lớn của các nước: Họ mua nguyên liệu của Việt Nam, tinh chế thành sản phẩm hoàn thiện trước khi bán với giá rất cao, có khi gấp hàng chục lần cho người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới. Song để khắc phục tình trạng đó, dường như chúng ta vẫn chưa tìm được cách làm hiệu quả để thoát ra khỏi ma trận này.

Theo các chuyên gia, trước hết phải khắc phục tình trạng manh mún, chia cắt đất đai theo hộ gia đình để hình thành các nông trại, trang trại rộng lớn chuyên canh các loại nông sản và đặc sản (kể cả cao su), tạo điều kiện để trồng thống nhất những loại giống cho năng suất cao và chất lượng tốt phục vụ xuất khẩu theo nhu cầu của thị trường hoặc theo đơn đặt hàng. Các vùng chuyên canh rộng lớn là cơ sở, tiền đề cho việc đầu tư khoa học, công nghệ mới và máy móc hiện đại để canh tác. Các vùng chuyên canh rộng lớn cũng là điều kiện để việc thu hoạch tập trung, bảo quản và chuyển giao nông sản theo tiêu chuẩn cho các khâu sau của chu trình làm hàng xuất khẩu.

Vấn đề quan trọng nhất và cũng là khâu yếu nhất hiện của chúng ta là chế biến nông sản xuất khẩu. Nó quyết định đến giá trị và sức cạnh tranh của các mặt hàng trên thương trường, biến các nông sản thô thành sản phẩm tinh chế để đưa trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Đây cũng là khâu đòi hỏi phải đầu tư tốn kém nhất. Vì thế, rất cần có sự hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là hỗ trợ về vốn và mặt bằng. Nhà nước nên làm “bà đỡ” về vốn cho các doanh nghiệp trong việc nhập các dây chuyền chế biến nông sản hiện đại và năng suất lớn.

Mặt khác, nhà nước cần chủ động thành lập các tập đoàn lớn – thay thế cho các tập đoàn kinh tế nước ngoài – với các thiết bị và kho chứa lớn đủ sức phục vụ cho việc thu mua, chế biến và bảo quản hàng xuất khẩu trong mọi thời vụ. Đây là yếu tố rất quan trọng để khắc phục tình trạng hàng ế thừa khi trúng vụ và khan hiếm khi mất mùa.

Có như vậy chúng ta mới từng bước chuyển từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu tinh các mặt hàng nông sản – một ưu thế lớn của một nước nông nghiệp nhiệt đới như Việt Nam.

PHAN LỘC

Tin cùng chuyên mục