Tổ chức mạng lưới bán hàng bình ổn

Đầu tư, phát triển mạnh các vùng nguyên liệu, đồng thời tổ chức tốt mạng lưới phân phối hàng hóa là 2 nhiệm vụ quan trọng trong việc triển khai thực hiện chương trình bình ổn giá tại TPHCM.
Tổ chức mạng lưới bán hàng bình ổn

Đầu tư, phát triển mạnh các vùng nguyên liệu, đồng thời tổ chức tốt mạng lưới phân phối hàng hóa là 2 nhiệm vụ quan trọng trong việc triển khai thực hiện chương trình bình ổn giá tại TPHCM.

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường, mạng lưới bán hàng của chương trình chỉ từ 16 điểm bán các mặt hàng lương thực - thực phẩm, năm 2002, đến nay đã phát triển được 7.412 điểm bán của cả 4 chương trình: lương thực - thực phẩm, mùa khai trường, sữa và dược phẩm, gồm các siêu thị - trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, điểm bán trong chợ truyền thống và khu dân cư.

Qua kinh nghiệm xử lý các đợt biến động giá cả thị trường, đặc biệt đối với các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu như: gạo, đường, dầu ăn… trong nhiều năm trước đây, kể từ khi triển khai thực hiện bình ổn thị trường xuyên suốt trong năm đối với các nhóm hàng lương thực thực phẩm, đồ dùng dụng cụ học tập phục vụ học sinh, sinh viên, sữa và dược phẩm, TPHCM đã rút kinh nghiệm và nhận thức rõ ràng mặt trái của cơ chế thị trường “bàn tay vô hình” thiếu sự can thiệp của Nhà nước sẽ tất yếu đưa đến các thất bại của thị trường. TPHCM nằm cạnh vựa gạo lớn nhất cả nước là ĐBSCL, quanh năm dư thừa lúa, gạo xuất khẩu nhưng lại sốt giá gạo; các nhà máy đường trải dài và vây quanh TP từ Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, các năm qua luôn dư thừa công suất và tồn kho nhưng vẫn xảy ra biến động giá đường trên địa bàn TP…

Mua hàng bình ổn giá tại của hàng Coop Food trong KCN Tân Bình. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Mua hàng bình ổn giá tại của hàng Coop Food trong KCN Tân Bình. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Bên cạnh đó, chương trình bình ổn thị trường với nguồn hàng dồi dào, phong phú, luôn chiếm tối thiểu từ 25% - 30% thị phần, trong những thời gian cao điểm chiếm đến 35% - 40% và có những mặt hàng khống chế đến hơn 60% thị phần nhưng giá cả vẫn có biến động cục bộ. Nguyên nhân chính của vấn đề do mạng lưới phân phối của Chương trình phân bổ tập trung chủ yếu trong các khu vực trung tâm, dân cư tập trung và có sức mua lớn. Nhận thức vấn đề, lãnh đạo TP đã nhanh chóng, quyết liệt chỉ đạo các sở - ngành và DN tham gia chương trình cần tích cực nghiên cứu, tìm kiếm và thực hiện các giải pháp nhằm nhanh chóng phát triển mạng lưới phân phối, ưu tiên cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, các KCX-KCN và các chợ truyền thống. Theo đó, mỗi năm, các DN đăng ký tham gia chương trình phải tổ chức và có hệ thống phân phối tối thiểu từ 12 điểm bán trở lên. Trong năm, các DN phải có kế hoạch phát triển điểm bán tối thiểu tăng 20%.

Song song việc chỉ đạo các DN trong chương trình ưu tiên đầu tư phát triển điểm bán, TP cũng triển khai rất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ DN thực hiện mục tiêu này. TP đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo 09, UBND các quận, huyện tích cực rà soát, giới thiệu cho DN các mặt bằng sử dụng chưa đúng công năng, khai thác kém hiệu quả để đầu tư phát triển điểm bán; khuyến khích hệ thống phân phối trong và ngoài nước tham gia nhận và phân phối hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường; liên kết với các đơn vị lớn như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố (Saigon Co.op) vận động đoàn viên, hội viên và gia đình tổ chức điểm bán, nhận và phân phối hàng hóa trong chương trình.

Với chủ trương đúng đắn và phù hợp yêu cầu thực tiễn đã góp phần đưa hàng bình ổn phủ khắp địa bàn 24 quận - huyện, phục vụ tận tay người tiêu dùng, công nhân và người lao động có thu nhập thấp. Kết hợp các chương trình bán hàng lưu động, bán hàng đăng ký trước, “đi chợ thay người nghèo”… các mặt hàng thiết yếu, có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Kết quả cụ thể qua 7 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn TP đã không để xảy ra các đợt biến động giá kéo dài. Điển hình đợt biến động giá trứng gia cầm vào thời điểm tháng 1-2013 là do các đơn vị sản xuất kinh doanh lớn chủ động nâng giá bất hợp lý đã được các sở - ngành và DN trong chương trình phối hợp xử lý nhanh chóng, can thiệp để đưa giá cả các mặt hàng này trở về mức ổn định bình thường trong thời gian ngắn nhất.

NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục