Tô Hoài sống mãi...

In mới toàn bộ tác phẩm của Tô Hoài
Tô Hoài sống mãi...

Sự ra đi của nhà văn Tô Hoài, cha đẻ của Dế Mèn phiêu lưu ký trưa ngày 6-7 gây nhiều tiếc thương cho giới văn nghệ sĩ cũng như độc giả. Theo nhà văn Bằng Việt, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, lễ viếng nhà văn Tô Hoài bắt đầu 9 giờ sáng chủ nhật 13-7, tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và an táng diễn ra cùng ngày tại nghĩa trang Thanh Tước.

Các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài.

Các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài.

* Nhà thơ Trần Ninh Hồ: Thầy đi để lại một khoảng mênh mông trống vắng

Chúng tôi lặng người khi nghe tin nhà văn lão thành Tô Hoài qua đời ở tuổi 95. Vậy là một trong những cây đại thụ tỏa bóng mát xuống làng văn đã nhẹ bước về miền cực lạc. Với những người đi sau như chúng tôi, nhà văn Tô Hoài luôn là một người thầy lớn. 

Nhà văn Tô Hoài từng tâm sự rằng: Phóng viên thời nào mà chả có 2 việc chính là ghi chép và chụp ảnh, bây giờ thêm ghi âm. “Thời tớ làm báo Cứu Quốc, hồi 1945 đến 1952, đi khắp nơi Tây Bắc, Việt Bắc, địch hậu, làm gì có máy ảnh, ghi âm nên ghi chép là chính...”, ông nói. Ghi ngày giờ, đi đâu, gặp ai, việc gì... Mới ghi xong thì tưởng là rất ngán vì ngày nào cũng thế, phải không? Nhưng chí ít ngày sau mở ra xem, những ghi chép ấy nhắc mình nhớ lại rất nhiều thứ thì lại cứ bồi hồi. Mà bồi hồi là dễ có văn hay... Có chỗ ghi chép cách đến hàng chục năm vẫn cho mình những trang văn, trang báo như vừa mới chứng kiến “ghi chép”, Tô Hoài có lẽ là một nhà văn có nhiều sổ tay ghi chép nhất. Từ đấy sinh ra bạt ngàn các bài báo và gần 200 đầu sách.

Nhà văn Tô Hoài, bậc thầy của làng văn, người thầy lớn của nhiều thế hệ nhà văn cuối cùng đã lặng lẽ rời bước khỏi cõi trần, để lại một khoảng mênh mông trống vắng. Sẽ không còn ai tiện thể rẽ qua những cuộc sum vầy để đưa ra vài lời chí tình chí lý. Sẽ không còn ai để chúng tôi trông vào mà thấy mình còn có một ngọn đèn phía trước, tỏa ra ánh sáng ấm áp của tri thức, nhân cách, trí tuệ và tình yêu đời, yêu người.

* Nhà văn Nguyễn Thụy Kha: Ông lặng lẽ hiến dâng cho đời như con ong cần mẫn

Tuổi thơ của bao thế hệ Việt Nam không ai là không ảnh hưởng văn chương Tô Hoài. Tuổi thơ của tôi cũng không ngoài quỹ đạo đó. Tôi nhớ từ khi còn rất nhỏ, tôi đã đọc say mê Dế Mèn phiêu lưu ký siêu phàm của ông. Bên cạnh đấy còn là những Chuột thành phố… và trộn giữa những tác phẩm trước cách mạng là những Vừ A Dính, Tìm mẹ… của thời cách mạng.

Tác phẩm của Tô Hoài lay thức trong đời sống chúng tôi vừa kỳ thú, vừa bừng sáng một cách khó tả. Giữa lúc cả miền Bắc đang chộn rộn công cuộc dựng xây, hối hả cuộc di dân để “Núi rừng sẽ tiến kịp miền xuôi” (lời ca của Hoàng Vân), Chuyện Tây Bắc ra đời và được dựng thành phim với ca khúc Bài ca trên núi. Tô Hoài là một tầm vóc coi thường sự làm dáng, đỏng đảnh. Ông mê sáng tạo và mê ẩm thực. Những cuộc rượu với ông ở các quán Hà Nội đều luôn là những cuộc rượu lý thú bởi giọng điệu hóm hỉnh của ông. Tô Hoài là một trong những văn nghệ sĩ có cá tính uống rượu một hơi. Ông không nhấm nháp. Uống chén nào ra chén đó. Càng gần ông, tôi càng cảm nhận được một điều, làm nghề văn chương không nên phách lối, tỏ vẻ. Cứ lặng lẽ dâng hiến cho đời như con ong cần cù chăm chỉ. Với số lượng ngót 200 đầu sách, ông để lại cho mọi lứa tuổi từ thiếu nhi tới người lớn, chính là sự minh chứng đầy thuyết phục về sức lao động phi thường của một nhà văn, lấy nghiệp cầm bút làm nghề.

* Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Được làm việc với nhà văn Tô Hoài là sự may mắn

Đối với tôi, nhà văn Tô Hoài còn hơn cả một đồng nghiệp, một người anh lớn… Nghe tin ông qua đời, bao kỷ niệm với từng chi tiết nhỏ đều sống dậy. Có lần tôi than với nhà văn Trần Chiến: Biết thế chị cứ ở Báo Hà Nội Mới không sang Hội Văn học nghệ thuật thì bây giờ giàu hơn nhỉ? Trần Chiến cười: Chị không sang đấy làm sao hiểu được Tô Hoài, Bằng Việt, Vũ Quần Phương… Quả thật, được cùng làm việc với nhà văn Hà Nội giản dị, hóm hỉnh, say mê làm việc như Tô Hoài là một may mắn của mình. Nhà văn đã dạy mình rất nhiều, ví dụ: “Làm báo như người làm xiếc trên dây, phải thật vững vàng trước chông chênh dư luận. Làm sao để lúc nào mình cũng vẫn là mình mà lại không ngã xuống. Cô phải tránh nhất là không để sai sót về chính trị. Mà chính trị thì phải nhớ là nhiều khi chỉ sơ ý để lọt một câu, thậm chí một chữ do mình vô tình, còn người viết có thể có ý khác. Cho nên duyệt bài phải đọc thật kỹ” hay: “Muốn viết văn thì điều cần nhất là chi tiết, mà chi tiết chỉ có trong đời sống…”. Nhà văn Tô Hoài là người đã làm báo, viết báo nhiều năm. Vừa làm tổng biên tập, phải duyệt và sửa bài, bác vẫn thường xuyên viết từ các mẩu tin nhỏ, vài dòng trong mục “Hộp thư” hoặc “Trả lời bạn đọc” đến “Sổ tay phóng viên” rồi xã luận, truyện ngắn và nhiều tiểu luận, chuyên mục mà phía dưới bài viết thường ký các bút danh Hồng Hoa, Duy Phương, Trà My, có khi là PV hoặc NHN (Người Hà Nội)...

Hôm nay nhà văn đã vĩnh biệt chúng ta. Tôi tin là Tô Hoài còn sống mãi trong lòng bạn đọc, trong những kỷ niệm thân thương với riêng tôi, một trong những người viết trẻ hồi nhà văn còn đang làm việc.

In mới toàn bộ tác phẩm của Tô Hoài

Với mong muốn độc giả hình dung rõ hơn về sự nghiệp của nhà văn Tô Hoài, một nhà văn được nhân dân yêu mến, Công ty sách Phương Nam cho biết sẽ ra mắt bản in mới toàn bộ tác phẩm của ông vào năm 2015. Hiện Công ty sách Phương Nam là đơn vị độc quyền các tác phẩm của Tô Hoài theo hợp đồng ký năm 2007 với số lượng 17 tác phẩm. Đến nay đã có 15 đầu sách của nhà văn quá cố được Phương Nam ấn hành. Trong đó có 6 đầu sách của ông được xuất bản trong vòng 6 tháng đầu năm 2014: Chiều chiều, Cát bụi chân ai, Những ngõ phố, Chuyện cũ Hà Nội (2 tập), Mẹ mìn bố mìn, Giấc mộng ông thợ Dìu. Ngoài ra, công ty đang có kế hoạch làm sách in, sách điện tử và sách nói Truyện cổ tích tập hợp các truyện cổ của nhà văn Tô Hoài.

MAI AN


Nhà văn không tuổi

Tuy vẫn biết rằng đã mấy năm nay nhà văn Tô Hoài sức khỏe có phần yếu đi, ông phải ra vào bệnh viện nhiều lần, thế nhưng khi nghe tin nhà văn từ trần, tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng vô cùng…

Không chỉ chăm lo sáng tác, nhà văn Tô Hoài còn như một người anh cả, một người cha, người ông dẫn dắt đàn em, đàn cháu… Hình ảnh của ông xuất hiện như là “linh hồn” của những sự kiện trong phong trào văn học nghệ thuật nói chung, phong trào văn học thiếu nhi nói riêng và phong trào văn học nghệ thuật của thủ đô Hà Nội.

Với các nhà văn trẻ vừa có tác phẩm mới ra đời, ông thường tự tìm đọc và có những nhận xét kịp thời khá chính xác mà có khi ông chưa có dịp được trực tiếp gặp tác giả. Ngoài phong trào văn học Hà Nội, nhà văn Tô Hoài luôn đau đáu với văn học thiếu nhi cả nước. Vào cuối những năm 80, khi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh xuất hiện trên văn đàn, dư luận Hà Nội còn có nhiều ý kiến khen chê, nhà văn Tô Hoài đã khẳng định: “Cậu ấy viết được đấy”. Còn nhớ những năm tháng đầu thời kỳ đổi mới khi những ý kiến về tranh truyện chưa ngã ngũ, nhà văn Tô Hoài đã ủng hộ sự đổi mới văn học thiếu nhi. Ông đã tham gia đón tiếp họa sĩ Fujiko. F. Fujio, tác giả bộ truyện tranh Doraemon và đã góp phần danh tiếng làm nên uy tín của Quỹ hỗ trợ giáo dục trẻ em Việt Nam mang tên Doraemon.

Cùng với tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký, đã từ lâu nhà văn Tô Hoài trở thành không có tuổi. Dường như có một tuổi thơ bất tận vui tươi và hồn nhiên luôn gắn liền với nụ cười tinh nghịch và hóm hỉnh của ông. Bởi thế mà  tâm hồn nhà văn  luôn luôn đồng hành với các bạn trẻ, khát vọng được tồn tại trong một thế giới muôn loài chung sống hòa bình của chàng Dế Mèn cùng những loài vật bé nhỏ như con ong, cái kiến vẫn là một khát vọng  của hôm nay… Cái chết chỉ có nghĩa là giã từ cõi tạm, hình như nhà văn Tô Hoài vẫn đang cười và thản nhiên vào cõi bất tử.

LÊ PHƯƠNG LIÊN

- Vĩnh biệt nhà văn Tô Hoài – Cây đại thụ của văn học Việt Nam

Tin cùng chuyên mục