Tổ quốc nơi đầu sóng. Bài 1: Làng quê giữa biển

Khi cái chấm nhỏ màu xanh dần hiện lên trên mặt biển bình yên buổi sớm mai, tất cả chúng tôi đều ùa lên boong tàu và hét vang: “Trường Sa kìa!”, bao mệt nhọc của những ngày đêm vật lộn với sóng biển đều tan biến. Vậy là tôi đã đến Trường Sa, nơi Tổ quốc bắt đầu từ phía biển, nơi bao người mong đặt chân đến một lần…
Tổ quốc nơi đầu sóng. Bài 1: Làng quê giữa biển

Khi cái chấm nhỏ màu xanh dần hiện lên trên mặt biển bình yên buổi sớm mai, tất cả chúng tôi đều ùa lên boong tàu và hét vang: “Trường Sa kìa!”, bao mệt nhọc của những ngày đêm vật lộn với sóng biển đều tan biến. Vậy là tôi đã đến Trường Sa, nơi Tổ quốc bắt đầu từ phía biển, nơi bao người mong đặt chân đến một lần…

1. Tiếng reo hò khi tàu Trường Sa 22 hú vang 3 hồi còi cập cảng vẫn mãi không dứt. Tiếng người gọi nhau í ới hòa lẫn tiếng gió rít và tiếng sóng biển ì ầm. Các chàng lính mới ra đảo xốc lại quân trang. Ngoài ba lô, vật dụng cần thiết, có người còn mang ra đảo một cặp bồ câu. Cảm giác hồi hộp, chộn rộn, mừng vui thật khó tả với những ai lần đầu tiên ra Trường Sa. Gặp ai cũng chào, gặp ai cũng cười, xen lẫn với những giọt nước mắt xúc động khi được đặt bàn chân mình lên đảo xa - vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Khác với những gì hình dung ban đầu, từ cầu cảng, lọt vào tầm mắt là một thị tứ khang trang; ngút ngàn xanh ngắt những tán bàng vuông, cây tra, cây phong ba, cây bão táp. Những con đường bê tông chạy dài tít tắp, nhà cửa được xây dựng bài bản, quy mô.

"Trường Sa ngày ấy trong trí nhớ của tôi với những đảo chìm đảo nổi đều có điểm chung là khí hậu khắc nghiệt, vắng bóng cây xanh, nước ngọt khan hiếm. Ngay tại đảo Trường Sa Lớn này, hơn mười năm trước màu xanh của dáng cây cũng hạn hữu lắm. Nhưng rồi cùng với thời gian, sức người, ý chí con người đã vun trồng, biến đảo khô thành đảo xanh tràn đầy sức sống"  

Thượng tá Đinh Văn Hải,
Đảo trưởng, người có gần 20 năm gắn bó với sóng biển Trường Sa.

Đón khách đất liền ở cầu cảng, anh Nguyễn Quốc Thiện, cán bộ UBND thị trấn Trường Sa hồ hởi: “Trường Sa nay đã khác lắm rồi. Những năm về trước, hòn đảo này chỉ trơ trọi với cát và đá. Cây cối sống trên đảo cũng còi cọc theo những tháng ngày gió muối triền miên. Còn giờ này, cả quần đảo đâu đâu cũng có sự hiện hữu của cây xanh”. Nói đến đây, ánh mắt của chàng trai trẻ quê ở Nha Trang tình nguyện ra công tác ở Trường Sa chợt ánh lên niềm tự hào khôn tả.

Được mệnh danh là “thủ đô” của huyện đảo Trường Sa, pháo đài thép giữa biển Đông, đảo Trường Sa Lớn sừng sững kiên trung suốt bốn mùa sóng vỗ. Đảo Trường Sa Lớn ngoài cầu cảng, sân bay, còn có trạm thu phát tín hiệu điện thoại qua vệ tinh, đài khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, trạm xá... rất thuận tiện cho những con tàu đánh bắt hải sản xa bờ chọn làm điểm dừng chân, thu hút ngư dân đến khai thác hải sản.

Ít ai biết được và cũng chẳng ai ngờ tới bao quanh đảo là biển mặn nhưng trên đảo lại có nguồn nước ngọt quanh năm. Trung tá Trịnh Văn Long, Tham mưu trưởng đảo Trường Sa Lớn cho biết đảo có gần chục giếng nước ngọt, nhờ nguồn nước trời cho này mà quân dân trên đảo có thể nuôi trồng tăng gia sản xuất, gây dựng đàn heo, gà vịt… đủ để đảm bảo cuộc sống, nuôi quân.

Sức sống tươi mát, diệu kỳ ở Trường Sa vẫn chưa dừng lại ở đó. Đảo xa rợp bóng chim trời như cò, khứu, vạc, sáo, chim cắt, chim sẻ, chim sâu… Những loài chim hoang dã này khá dạn dĩ, sống hòa hợp, bình yên với đàn gia súc cũng như quân dân đảo xa. Các loài chim cò thường sống ở vùng đất trũng, nơi có đồng lúa, sông suối lắm thức ăn, cớ sao chúng lại chọn đảo xa khắc nghiệt làm chốn dừng chân?

Đảo trưởng Đinh Văn Hải bật mí đấy là những “thành viên” còn sót lại của những đàn chim di cư. Khi bay sang địa phận đảo, chúng không đủ sức theo đàn nên đáp xuống. Với tâm niệm đất lành chim đậu, lãnh đạo đảo đã nghiêm cấm việc săn bắt, sát hại chim trời. Và sau một thời gian “quá cảnh”, đàn chim tung cánh bay về đất liền, khi ấy Trường Sa lại tiếp tục đón những “cư dân” chim cò mới!

Tổ quốc nơi đầu sóng. Bài 1: Làng quê giữa biển ảnh 1

Các cháu thiếu nhi - thế hệ tương lai trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: T.M.T

2. Đêm Trường Sa, nếu không có tiếng sóng vỗ rì rầm quanh đảo, có lẽ chúng tôi đã tưởng đang ở tại nhà mình. Đến đảo, chúng tôi được bố trí nghỉ tại Nhà khách Thủ đô (món quà của Thủ đô Hà Nội xây tặng đảo Trường Sa Lớn). Cảm giác thật dễ chịu và khoan khoái sau những ngày lênh đênh trên biển. Chẳng hiểu vì sao chúng tôi không ngủ được, dù ở trong nệm ấm, chăn êm. Chắc có lẽ do chưa quen với tiếng sóng ở đảo, hay day dứt, trăn trở, nghĩ suy về vùng biển xa của Tổ quốc với bao người ngày đêm miệt mài giữ từng tấc đất quê hương.

Lần theo tiếng sóng vỗ, tôi cùng các đồng nghiệp ra cầu cảng Trường Sa. Trong ánh điện lung linh, chúng tôi gặp tổ tuần tra của Thiếu úy Nguyễn Hữa Hà, chiến sĩ Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Hoàng Bình Kiên. Các anh tâm sự: “Từ khi đảo được trang bị hệ thống năng lượng sạch, hệ thống đèn chiếu sáng đã góp phần đắc lực cùng các lực lượng bảo vệ để không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”.

Từ khi đảo có điện, đời sống tinh thần của cán bộ chiến sĩ nơi đảo xa được cải thiện rệt. Hàng tuần, các tiết mục karaoke vào những ngày nghỉ đều được anh em “tận dụng” một cách tối đa. Chợt nhớ 5 năm trước, trong một phóng sự truyền hình mà tôi đã xem, các chiến sĩ Trường Sa ngày ấy phải cầm đèn pin đi tuần, càng thấy rõ hiện đại hóa các đảo là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, gắn trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo với sự nghiệp của toàn dân.

Càng thấm thía lời tâm sự của Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chỉ huy phó Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác: “Sự quan tâm, chia sẻ của đất liền đối với các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió sẽ là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn, tiếp thêm sức mạnh cho họ trụ vững nơi tuyến đầu Tổ quốc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tin tưởng và giao phó”.

3. Buổi sáng ở Trường Sa mặt trời lên rất sớm. Xen lẫn tiếng gà gáy gọi bình minh là tiếng đàn heo ủn ỉn. Ngày mới bắt đầu với đàn em thơ cắp sách tới trường và tiếng giảng bài của cô giáo xen lẫn với tiếng sóng biển.

Men theo những con đường có tên Thanh Niên cụm 1, Chi đoàn cụm 2, Bàng Vuông, Cây Tra, chúng tôi đi thăm đảo. Các công trình xây dựng đang đua nhau mọc lên, những căn nhà nối dài làm tôn thêm vẻ đẹp của đảo. Mặc dù đã được giới thiệu trước, chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước hàng loạt căn nhà ngói đỏ, được xây theo dạng biệt thự, mang đậm phong cách Việt. Anh Nguyễn Tấn Thi, một cư dân ở đảo cho biết: “Lúc mới ra đảo lập nghiệp cũng buồn, nhưng ở lâu rồi thành quen. Giờ này trên đảo cũng đã có nhiều thứ như trong đất liền rồi nên không có gì phải lo lắng".

Ghé vào thăm nhà anh Nguyễn Đình Phương, chủ nhà hồ hởi đón tiếp. Sau những cái bắt tay, những lời chào hỏi thân mật, anh đã tự hào nói về cuộc sống nơi đây: “Tất cả những cư dân trên đảo đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác đều có ti vi, tủ lạnh, con cái được học hành đàng hoàng”.

Có người từng ví von khu dân cư ở thị trấn Trường Sa với một khu phố nào đó trong đất liền. Mới nghe tưởng nói quá, nhưng đó là sự thật. Người lớn được sống trong “nhà cao, cửa rộng” còn trẻ nhỏ ngày vẫn cắp sách đến trường.

Một lớp học trên đảo Song Tử Tây.

Một lớp học trên đảo Song Tử Tây.

Làng lập nghiệp hiền hòa như ở những làng biển truyền thống ở đất liền. Các chị phụ nữ sau thời gian làm việc cho các cơ quan, đơn vị trên thị trấn trở về nhà bắt tay vào lo buổi cơm cho gia đình hoặc chăm sóc vườn rau, đàn gà, vịt. Đàn ông sau giờ làm việc thì đi đánh cá, bắt ốc. Trường học trên đảo khang trang chẳng kém ở đất liền. Trường có 4 lớp học ở hai bậc học (mầm non và tiểu học) với 8 học sinh, trong đó một em học lớp 5, một em học mẫu giáo, lớp 2, 3 mỗi lớp đều có 2 học sinh.

Cô giáo dạy các lớp học này là chị Bùi Thị Nhung, người tình nguyện xin ra thị trấn xa xôi sau khi biết thông tin ngoài Trường Sa cần tuyển giáo viên. Hai vợ chồng cùng hai con (có bé trai hơn 6 tháng tuổi) khi ra đây đã được chính quyền thị trấn hỗ trợ cất tặng căn nhà như một món quà và tình cảm trên đảo tặng cho cô giáo.

Khi những tia nắng cuối ngày trên đảo đã tắt, mặt trời như quả cầu đỏ lựng chìm dần xuống mép biển, tiếng chuông chùa trên đảo bỗng ngân vang, từng đàn chim bay về tổ. Đang ngồi cùng anh em kể chuyện bám đảo những ngày gian khó, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân bỗng nhìn cánh chim trời và thốt lên: “Trường Sa ơi, quá đỗi thanh bình! Ước gì khoảnh khắc này là mãi mãi!”.

Có lẽ, đó không chỉ là niềm mong ước của riêng Thượng tá Quân, người lính từng dạn dày trận mạc giữa biển khơi Tổ quốc, mà còn là niềm mong ước của bao người con đất Việt.

Quần đảo Trường Sa hiện có nhiều công trình mang ý nghĩa văn hóa tâm linh giúp người lính đảo và người dân cảm thấy gần gũi với đất liền. Đó là Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và chùa chiền.

Các ngôi chùa ở Trường Sa chủ yếu xây dựng theo phong cách truyền thống với kết cấu một gian, hai chái. Mái chùa cong vút lên nền trời. Chùa được làm bằng các loại gỗ quý hiếm từ Nghệ An, Thanh Hóa. Đáng chú ý, chánh điện của ngôi chùa nào cũng hướng về thủ đô Hà Nội. Điều đó nói lên tấm lòng người dân đất Việt từ bao đời nay vẫn luôn hướng về nguồn cội. Thế nên, bất cứ ai đặt chân tới những ngôi chùa trên các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn đều có chung một cảm giác bình yên, thánh thiện và ấm áp như ở đất liền. Những ngôi chùa tĩnh lặng giữa trùng khơi là bằng chứng có giá trị về bản sắc văn hóa, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia, dân tộc.

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục