Tòa án được áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự

* Ngày 22-5 sẽ bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp

* Ngày 22-5 sẽ bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp

(SGGPO). - Sáng nay (25-11), với đa số phiếu tán thành Quốc hội đã thông qua Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) và Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Đồng thời, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua danh sách và bầu Tổng thư ký Quốc hội; bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia về danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; bầu Tổng thư ký Quốc hội.

Tòa cấp tỉnh giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính cấp huyện

Điểm đáng chú ý trong Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) là thẩm quyền của toà án nhân dân (TAND) cấp tỉnh có quyền giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện. Trước đó, đây là vấn đề được nhiều ĐB quan tâm, thảo luận với các ý kiến khác nhau khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải chỉ đạo xin ý kiến ĐB Quốc hội bằng phiếu. Trong đó, có 279 ĐB (67,7%) tán thành việc giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện; chỉ có 126 ĐB (30,6%) tán đồng việc giao cho TAND cấp huyện giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện.

Được giải quyết theo tập quán

Theo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), điểm đáng chú ý là quy định nguyên tắc giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng đó là áp dụng tập quán. Theo đó, tòa án được áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định. Tập quán không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại tại Bộ luật dân sự. Khi yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu tòa án xem xét áp dụng. Tòa án có trách nhiệm xác định giá trị áp dụng của tập quán bảo đảm đúng quy định. Trường hợp các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự.

Cũng theo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), trong vụ án dân sự, đương sự có trách nhiệm giao nộp, cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. Khi giao nộp chứng cứ cho tòa án, đương sự có nghĩa vụ cung cấp bản sao tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác. Chỉ đối với tài liệu, chứng cứ không được công khai hoặc tài liệu, chứng cứ không thể sao chụp được thì đương sự không phải cung cấp bản sao, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác biết.

Ngày bầu cử Quốc hội là 22-5-2016

Trong sáng nay, Quốc hội đã thông qua danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; bầu Tổng thư ký Quốc hội.

Theo đó, 4 Phó chủ tịch gồm: bà Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Quốc hội; bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước; ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

16 Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia được đề cử gồm 3 Phó chủ tịch Quốc hội: bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Huỳnh Ngọc Sơn và ông Uông Chu Lưu.

Các ủy viên còn lại là: ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức trung ương; ông Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương; ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban công tác đại biểu của Quốc hội; ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động; ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Cũng trong sáng 25-11, với 79,96% phiếu tán thành, Quốc hội đã bầu ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội làm Tổng Thư ký Quốc hội và thông qua nghị quyết về việc bầu này.

Cùng ngày, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về ngày bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp dự kiến vào ngày Chủ nhật 22-5-2016. Đồng thời Quốc hội cũng thông qua với 88,66% ĐB tán thành nghị quyết thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia gồm: Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng; các Phó Chủ tịch là bà Tòng Thị Phóng, bà Nguyễn Thị Doan, ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Thiện Nhân cùng 16 Ủy viên.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục