Khi ở bên cạnh công nhân để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, hay vận động công nhân tham gia các hoạt động cách mạng, những cán bộ công đoàn, công vận rất tình cảm, khéo léo. Khi bị bắt, bị giam cầm, họ dũng cảm, gan dạ đối mặt với kẻ thù, trước những đòn roi tra tấn dã man của địch vẫn một lòng trung can với Đảng, với lá cờ Tổ quốc.
Vừa qua, trong buổi họp mặt thân mật do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại TPHCM, những cán bộ công vận, công đoàn từng bị tù đày đã có dịp ngồi cùng nhau để ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên của thời oanh liệt đấu tranh chống Mỹ, những khoảnh khắc đấu trí với kẻ thù và cận kề cái chết. Nhớ lại thời gian bị giam cầm ở nhà lao Thủ Đức, bà Bùi Ngọc Hường nói bằng giọng xúc động nhưng rất mạnh mẽ: “Địch cứ nghĩ chị em chúng tôi là phụ nữ chân yếu tay mềm sẽ không dám chống cự nhưng chúng đã lầm, bởi ý chí của mọi người không gì có thể lay chuyển. Khi mới bị bắt, bị ép chào cờ ba sọc, tôi và chị em nhất định không chịu chào cờ, dù bị chúng tra tấn, dụ dỗ thế nào đi nữa…”. Chính vì không chịu chào cờ nên bà bị đày đi tù ở Côn Đảo. “Dù có phải hy sinh, tôi cũng không quay lưng với lá cờ đỏ sao vàng. Lá cờ ấy đã thắm máu biết bao anh hùng của dân tộc, đã trở thành hồn thiêng sông núi và là nơi thể hiện niềm tin, ý chí của cả dân tộc”, bà Ngọc Hường tâm sự.
Trong thời gian bị bắt tù đày, đứng trước mặt kẻ thù, bị ép chào cờ của địch, bà Nguyễn Thị Bé Tư, một cựu tù Côn Đảo và là người cán bộ công vận, đã tuyên bố dõng dạc: “Trong trái tim tôi chỉ có một lá cờ Tổ quốc duy nhất - đó là cờ đỏ sao vàng và tôi chỉ nghiêng mình trước lá cờ thiêng liêng ấy”. Bị bắt trong một lần bị thương khi đang rải truyền đơn chống Mỹ, vào tù, các cô, các dì lo ngại Bé Tư còn quá nhỏ sẽ không chịu nổi đòn roi tra tấn của địch, thế nhưng bà Bé Tư đã thể hiện sự gan dạ, mưu trí của mình. Lần đầu tiên bị ép chào cờ, bà ngang nhiên cự tuyệt. Với những tuyên bố dõng dạc, cứng cỏi ấy, địch tống bà vào phòng biệt giam, phải chịu đựng những màn tra tấn tàn khốc thừa sống thiếu chết, nhưng bằng lý tưởng cách mạng, bà Bé Tư đã vượt qua tất cả. Thấy không thể khuất phục được bà, địch đã đày bà Bé Tư cùng nhiều đồng chí khác ra Côn Đảo. Chế độ hà khắc của nhà tù không những không làm những cán bộ công vận, công đoàn gục ngã. Ngược lại, họ vẫn hoạt động cách mạng, với ý chí chiến đấu mãnh liệt, mưu trí, họ đã biến nhà tù thành trường học để tôi luyện sức chiến đấu.
Bà Hoàng Thị Khánh - nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, cho rằng nữ cán bộ cách mạng, dù là hoạt động ở vị trí nào, khi rơi vào tay giặc, bị bắt tù đày thì cũng phải thể hiện ý chí của một người cộng sản Việt Nam. “Trong tù, không ai thoát khỏi những đòn tra tấn đến máu chảy thịt rơi, đây là mặt trận không cân sức. Nhưng càng đau đớn, anh chị em chúng tôi càng căm thù giặc và hiểu rằng chỉ có đi theo lý tưởng cách mạng mới có thể giải phóng được giai cấp”, bà Hoàng Thị Khánh chia sẻ.
Và chính những người nữ tù Côn Đảo ấy đã vẽ thêm một nét son cho lịch sử công đoàn.
THÁI PHƯƠNG