Tội phạm trẻ hóa

Vài ba năm nay tội phạm có xu hướng ngày càng trẻ hóa, trong đó nhiều đối tượng đang ngồi trên ghế nhà trường, khiến dư luận hết sức lo ngại. Đánh nhau gây thương tích, bắt cóc, giết người, cướp giật, vi phạm luật giao thông… do thanh thiếu niên gây ra chiếm tỷ lệ cao. Cứ có phát sinh mâu thuẫn là sẵn sàng hành xử theo kiểu bạo lực, không ít thanh thiếu niên luôn thủ sẵn dao, gậy bên mình. Kiểu cách phạm tội thì vô chừng, có tính toán và cũng có khi rất ngẫu nhiên nhưng ra tay rất tàn độc, dã man. Rất nhiều vụ học trò đánh, đâm chém nhau, nữ sinh tổ chức đánh bạn, quay phim rồi hả hê tung lên mạng. Hành vi xấu đó bị lên án thế nhưng lại có sức lan tỏa. Một câu hỏi nhức nhối - Tại sao? Có biện pháp nào ngăn chặn hiện tượng đáng lo ngại này?

Nguyên nhân đã được mổ xẻ, phân tích nhiều, ai cũng thấy cái gốc từ vai trò của gia đình, nhà trường đến xã hội. Gia đình là cái nôi yêu thương, đùm bọc, sẻ chia, gần gũi giáo dục con cái nên người. Thế nhưng vì nhiều lẽ, có những em không có được trọn vẹn những điều đó khi bố mẹ bận bịu cuộc mưu sinh, khoán trắng chuyện giáo dục con cái cho nhà trường. Trong khi đó, nền giáo dục của ta còn nặng luyện tài mà kém phần rèn đức, nặng đào tạo kiến thức mà kém phần giáo dục hành vi, lối sống hướng thiện.

Mục tiêu “Học để biết, để làm, để chung sống” xem ra thiếu mất vế cuối. Nhìn ra môi trường xã hội thì nhiều bất ổn, thiếu lành mạnh, sách báo phim ảnh chém giết máu me, game online chặt đầu, đốt xác… xuất hiện đầy, len lỏi trong đời sống khiến thanh thiếu niên dễ bị tiêm nhiễm, bắt chước theo. Những tiêu cực, bất ổn xã hội khác như vỡ hụi tín dụng đen, cướp giật, sự thờ ơ vô cảm của người dân… góp phần tác động xấu lên đời sống con người.

Một con người mắc lỗi bao giờ cũng được xem xét trước hết từ góc độ gia đình. Chính vì thế, việc giáo dục một người trước hết là từ gia đình, từ khi còn nhỏ. Gia đình là nơi tạo nên nền nếp, gia phong, gần gũi uốn nắn những lệch lạc của con cái, giúp con cái hình thành nhân cách, lối sống hướng thiện. Gia đình cũng phải là nơi dạy con kỹ năng sống, giúp con có nhận thức đúng đắn về những mặt tiêu cực của xã hội, biết cách đối phó khi gặp phải.

Về phía nhà trường, việc trồng người như hiện nay rõ ràng chưa đạt mục tiêu giáo dục hướng thiện, do đó bên cạnh dạy kiến thức cần phải quan tâm hơn việc dạy cho các em lòng nhân đạo, biết yêu thương con người, biết cách giải quyết các mâu thuẫn phát sinh, biết cách chung sống. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục học sinh.

Phòng chống, giảm nhẹ tội phạm thanh thiếu niên cũng là trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của thanh thiếu niên, nhất là trẻ đường phố, trẻ mồ côi; tuyên truyền giáo dục thanh thiếu niên tuân thủ luật pháp sẽ góp phần hạn chế tình trạng bạo lực. Chính quyền có trách nhiệm trong việc xây dựng xã hội trật tự, an lành hơn, thực thi luật pháp có hiệu lực hơn, tạo điều kiện cho thanh thiếu niên có cơ hội học hành, nhiều công ăn việc làm, ít người thất nghiệp…

Tội phạm thanh thiếu niên, tội phạm học đường đã trở thành hiện tượng xã hội đáng báo động. Thanh thiếu niên phạm tội, tiêm nhiễm nhiều thói hư tật xấu, có hành vi vô đạo đức, vi phạm pháp luật không là trách nhiệm của riêng ai. Cải thiện tình trạng xã hội, nâng cao các giá trị đạo đức, ngăn chặn bạo lực gia tăng cần một sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Vết rạn thời trẻ, miếng mẻ lúc già. Hiện tượng tha hóa của một bộ phận thanh thiếu niên nếu không được quan tâm ngăn chặn sẽ là nguy cơ cho các em, cho xã hội các năm tới.  

LỆ THƯ

Tin cùng chuyên mục