Tội phạm trẻ hóa - trách nhiệm người lớn

Vụ án nghệ sĩ Đỗ Linh (43 tuổi, quê tỉnh Long An) mới đây bị “cậu bé” Nguyễn Công Bảo (15 tuổi, học sinh trung học ở quận 5, TPHCM) đâm chết vì mâu thuẫn sau khi quan hệ tình dục đồng giới đã khiến dư luận xã hội thêm một lần nữa phẫn nộ và hoang mang trước tình trạng phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên đang ngày càng phức tạp và gia tăng đáng báo động.

Vụ án nghệ sĩ Đỗ Linh (43 tuổi, quê tỉnh Long An) mới đây bị “cậu bé” Nguyễn Công Bảo (15 tuổi, học sinh trung học ở quận 5, TPHCM) đâm chết vì mâu thuẫn sau khi quan hệ tình dục đồng giới đã khiến dư luận xã hội thêm một lần nữa phẫn nộ và hoang mang trước tình trạng phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên đang ngày càng phức tạp và gia tăng đáng báo động.

Nhớ lại cách đây hơn 3 năm khi “sát thủ” máu lạnh Lê Văn Luyện chưa đầy 18 tuổi nhưng đã gây ra vụ thảm sát trong đêm tại tiệm vàng Ngọc Bích (Bắc Giang) để cướp của đã khiến cả xã hội lúc đó rúng động và xem là đỉnh điểm của tội ác do trẻ vị thành niên gây ra. Thế nhưng thực tế, sau vụ án Lê Văn Luyện cho tới nay, cộng đồng đã chứng kiến rất nhiều vụ án, trọng án khác nhau xảy ra mà thủ phạm thậm chí còn non nớt, trẻ con hơn rất nhiều so với Lê Văn Luyện. Cách đây chưa đầy 2 tháng (vào những ngày đầu của tháng 12-2014), người dân không khỏi bàng hoàng khi biết được hung thủ sát hại một bé trai 9 tuổi (ở xã Hà Thái, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) rồi dìm xác xuống giếng nước phi tang chỉ vì muốn chiếm đoạt một chiếc điện thoại di động rẻ tiền là Vũ Văn Tú ở cùng xã với nạn nhân và chỉ hơn nạn nhân chưa tới… 6 tuổi. Thậm chí, sau khi gây án Tú chạy về nhà tắm rửa, ăn cơm bình thường và khi công an tới khám nghiệm tử thi nạn nhân, Tú vẫn đến quan sát, đùa nghịch với bạn bè xung quanh như không có chuyện gì!

Theo nhiều nghiên cứu và thống kê của cơ quan chức năng, trong hơn 5 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta có khoảng 10.000 vụ án, với hơn 15.000 đối tượng phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên. Đây thật sự là con số đáng báo động về tình hình trẻ hóa tội phạm. Số vụ vi phạm pháp luật do tội phạm vị thành niên gây ra cũng ngày càng đa dạng, phức tạp và tinh vi, cũng như bộc lộ sự manh động và liều lĩnh. Không chỉ là những vụ trộm cắp, cướp giật, hành hung mà còn rất nhiều vụ án giết người cướp của, hoặc do thù hằn mâu thuẫn cá nhân. Thậm chí còn có cả những vụ án mà những “cậu nhóc” sử dụng công nghệ cao, mạng Internet, điện thoại di động để lừa đảo, tống tiền nhiều người. Còn mới đây, vụ sát hại nghệ sĩ Đỗ Linh không chỉ thể hiện sự manh động của một bộ phận giới trẻ mà còn là lời cảnh báo về sự băng hoại đạo đức xã hội, biến tướng và xuống cấp trong lối sống khi mà một cậu bé mới chỉ 15 tuổi đã biết ăn nhậu rồi quan hệ tình dục đồng giới.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật nhưng dù nguyên nhân nào đi chăng nữa thì tất cả đều có phần trách nhiệm của người lớn. Gia đình và giáo dục của gia đình có tác động mạnh mẽ đến sự hình thành, phát triển, hoàn thiện nhân cách mỗi người. Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiêu cực từ phía không ít gia đình như cha mẹ thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, cờ bạc, rượu chè, đánh chửi nhau... đã tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của con em họ. Và khi những đứa trẻ phải chứng kiến cảnh bạo hành, bạo lực, phạm pháp trong gia đình từ khi còn nhỏ thì khi lớn lên rất dễ mang tính bạo lực, cũng như có những hành vi lệch chuẩn. Bên cạnh đó, sự buông lỏng quản lý, chưa phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc quản lý giáo dục trẻ nhỏ, phương pháp giáo dục chưa sâu sát cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, suy nghĩ và hành động của không ít giới trẻ. Một số gia đình còn nuông chiều con cái để chúng ăn chơi đua đòi, tiếp cận với thói hư tật xấu, sống buông thả, sa ngã vào con đường phạm tội. Đặc biệt, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, công nghệ cao cũng đã tác động tiêu cực không nhỏ tới giới trẻ. Rất nhiều học sinh, thậm chí là cả các em chỉ mới ở lứa tuổi mẫu giáo, nhi đồng đã bị lôi cuốn cho tới… “nghiện” bởi nhiều chương trình ứng dụng, phim ảnh, trò chơi điện tử thiếu lành mạnh hoặc mang tính bạo lực đẫm máu đầy ắp trên Internet, mạng xã hội và cả các phương tiện truyền thông.

Trong khi đó, dưới góc độ pháp luật, tình trạng tội phạm trẻ hóa còn có nguyên nhân từ việc pháp luật của chúng ta còn nương nhẹ trong việc xử lý đối với những người phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi. Rõ ràng chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội là rất nhân đạo, với mục đích răn đe và giúp họ sửa chữa lỗi lầm trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, trước thực trạng gia tăng trẻ vị thành niên phạm tội ngày càng phức tạp và nghiêm trọng thì đòi hỏi chúng ta cần phải nhanh chóng xây dựng được chế tài pháp luật mạnh tay hơn. Luật pháp cần phải đưa ra những khung hình phạt cụ thể, nghiêm khắc đối với những người phạm tội dưới 18 tuổi, nhất là với những trường hợp phạm tội nghiêm trọng, tàn ác phải bị xử lý thật nghiêm, bất kể là thành niên hay vị thành niên. Bên cạnh đó, cũng cần phải có những chế tài xử lý thật nghiêm khắc về mặt trách nhiệm đối với những bậc cha mẹ, người thân của trẻ vị thành niên phạm tội. Có như vậy may ra chúng ta mới có thể kéo giảm được tình trạng tội phạm trẻ hóa.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục