Tôi xin hiến thận

Năm nay, tôi đã 40 nếu tính theo “tuổi mụ”. Người ta bảo tuổi 40 là lúc con người ta chín chắn nhất và bắt đầu chiêm nghiệm cuộc đời mình. Đêm nằm trằn trọc, tôi tự thấy đã 40 mà bản thân chưa làm được gì có ích cho xã hội và cộng đồng cả. Vậy nên khi biết thông tin ngành y tế Việt Nam lần đầu tiên vận động người hiến thận sau khi chết, tức là khi tim đã ngừng đập, tôi bèn nộp đơn và được chấp thuận.
Tôi xin hiến thận

Năm nay, tôi đã 40 nếu tính theo “tuổi mụ”. Người ta bảo tuổi 40 là lúc con người ta chín chắn nhất và bắt đầu chiêm nghiệm cuộc đời mình. Đêm nằm trằn trọc, tôi tự thấy đã 40 mà bản thân chưa làm được gì có ích cho xã hội và cộng đồng cả. Vậy nên khi biết thông tin ngành y tế Việt Nam lần đầu tiên vận động người hiến thận sau khi chết, tức là khi tim đã ngừng đập, tôi bèn nộp đơn và được chấp thuận.

Tác giả bài viết trong một chuyến công tác.

“Sống là cho, chết cũng là cho”

Trong y văn Việt Nam xưa nay đều xác nhận, nguồn thận hoàn toàn được lấy từ người hiến còn sống. Chỉ có một số trường hợp đã được nhận thận từ người hiến đã chết não. Chưa có trường hợp nào được ghép thận từ người cho thận khi tim đã ngừng đập cả.

Tôi nhớ hôm ấy là giữa trưa, Bệnh viện Chợ Rẫy mời các nhà báo đến để thông tin về đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước vừa được nơi đây triển khai. Với đề tài này, “cánh cửa” sống cho người bị suy thận mãn đang phải chạy thận nhân tạo sẽ mở ra rất rộng. Đồng nghĩa với việc những người hiến thận, khi đã qua đời (tim đã ngừng đập) nhưng vẫn có thể cống hiến.

Nói như nhà thơ Tố Hữu, “sống là cho và chết cũng là cho”. Mang những câu hỏi ấy trong đầu, tôi điện thoại cho PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), chủ nhiệm của đề tài khoa học nêu trên. Anh Sơn trả lời rằng: “Có những người tuy không còn trên cõi đời này nhưng những cơ quan (nội tạng-PV) của họ vẫn tiếp tục giúp đỡ đồng loại tiếp tục sống và cống hiến cho xã hội”.

Tôi tự nhận thấy mình đã nhận quá nhiều điều tốt đẹp từ cuộc sống, từ TPHCM mến yêu rồi nên giờ chỉ muốn làm gì đó có ích cho đời sau khi tôi qua đời. Ngay chiều hôm ấy, tôi bí mật đi thử máu, xét nghiệm. Bí mật vì theo các bác sĩ, nếu tôi muốn hiến thận sau khi bản thân mình qua đời thì tôi phải hội đủ các điều kiện khá nghiêm ngặt: Phải có thẻ đăng ký hiến thận; không bị suy thận, không bị ung thư, không nhiễm trùng huyết, không có biến chứng của bệnh đái tháo đường… Mà với một người làm nghề báo như tôi, ăn bờ ngủ bụi, cà phê thuốc lá thì xem ra khó đáp ứng.

Thời may, kết quả xét nghiệm đều âm tính với các căn bệnh nêu trên. Duy chỉ có cái gan hơi yếu, nên nhân viên y tế đã khuyên tôi bỏ bia rượu. Vui miệng hỏi thêm, cô y tá ngạc nhiên khi biết ý định hiến thận của tôi. Còn tôi thì an lạc với cái kết quả xét nghiệm vô cùng, vì tôi chỉ đăng ký hiến thận sau khi chết, chứ có hiến gan đâu mà e ngại!

Để đảm bảo rằng khi hiến thận sẽ không… đau, tôi tham khảo PGS-TS Trần Ngọc Sinh, thư ký đề tài khoa học vừa nêu. Ông là Trưởng Bộ môn Tiết niệu học của Khoa Y, Trường Đại học Y Dược TPHCM kiêm nhiệm Trưởng khoa Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy. PGS-TS Trần Ngọc Sinh tư vấn: “Bác sĩ chỉ lấy thận trong vòng 30 phút sau khi anh chết. Khi bác sĩ lấy thận của anh ra thì không cần sự can thiệp đặc biệt nào vào diễn tiến trị liệu nữa vì khi đó anh không còn tuần hoàn và hô hấp. Chúng tôi chỉ nhận thận khi anh có lòng muốn hiến và vì anh có danh tánh rõ ràng, chứ không dùng xác vô thừa nhận”.

Vậy là an tâm cái khoản đau, tôi hỏi thêm: “Khi tôi chết, nếu để lâu quá thì nội tạng của tôi có bị hư hỏng không?” thì được cho biết, tuy thời gian khẩn cấp nhưng bắt buộc phải có chứng cứ chắc chắn rằng người hiến thận đã có sự ngừng tuần hoàn bằng cách đo điện tim, siêu âm Doppler, y học bây giờ sẽ dễ xác nhận và chứng nhận tình trạng chết. Điều đó bảo đảm trung thực về cái chết của tôi (trong tương lai) và thuyết phục đối với nhân viên chuyên môn cùng người thân của tôi.

Một chữ ký quan trọng và ý nghĩa

Các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nói thực hiện đề tài khoa học này là nhằm áp dụng các thành quả có chứng cứ cao của các nước tiên tiến, tăng khả năng cung cấp nguồn thận hiến và qua đó đem lại hy vọng sống hàng ngàn người bệnh, giảm chi phí cho họ khi phải ra nước ngoài điều trị. Bởi hiện cả nước có hơn 72.000 người bệnh suy thận và trung bình mỗi năm có thêm 8.000 người bệnh mới cần thay thận. Nhưng do nguồn thận hạn chế, nên trong số người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, chỉ có dưới 10% được lọc màng bụng hoặc chạy thận nhân tạo, còn lại 90% đều tử vong.

Nhìn lại quá khứ, tôi được biết ghép thận được tiến hành lần đầu tiên tại Bệnh viện Quân y 103 và Bệnh viện Chợ Rẫy vào năm 1992 nên cũng rất an tâm về quyết định của mình. Tôi cũng đồng cảm với các bác sĩ ở đây rằng trong 20 năm qua, chỉ khoảng 500 người được ghép thận. Vì vậy, việc mở rộng nguồn thận được lấy từ người hiến có tim ngừng đập sẽ làm tăng thêm cơ hội cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối; bảo tồn chức năng thận ghép và kéo dài đời sống thận ghép.

Ghép thận hiện nay ngày càng được nhiều bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối lựa chọn vì đã cải thiện được cả thời gian và chất lượng cuộc sống của họ. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đã có hơn 350 bệnh nhân đã được tiến hành mổ ghép thận.

Tôi là nhà báo, chữ ký chưa bao giờ “ra tiền” cả! Thế nên khi tôi đặt bút ký vào đơn xin hiến thận và đăng tải lên facebook, hàng trăm “còm men” đã bay vào với sự động viên cũng có, nhưng phần nhiều vẫn là hồ nghi “chơi trội, lấy tiếng”. Có bạn còn đặt câu hỏi: “Ký tên rồi, nhưng sao chưa có đóng dấu xác nhận của bệnh viện?” nên tôi tháo thông tin xuống khỏi mạng xã hội.

Bỏ qua miệng lưỡi thế gian, tôi chỉ vui vì biết rằng khi tim mình ngừng đập, máu ngừng tuần hoàn thì phần lớn bộ phận trong của cơ thể tôi vẫn còn sống. Thậm chí các chi bị cắt rời còn có thể nối lại và phục hồi thành công trong vòng sáu giờ sau; xương, gân cơ, và da có thể sống đến 8 - 12 giờ cơ mà!

Người tiếp nhận đơn của tôi là bác sĩ Chuyên khoa II Dư Thị Ngọc Thu và Trưởng Đơn vị Y xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, Lê Minh Hiển. Anh Hiển bảo tôi bổ sung hình 3x4 để bệnh viện làm thẻ và dặn: “Việc này rất ý nghĩa vì anh là một trong số những người đầu tiên đăng ký và Đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép thận từ người cho tim ngừng đập” cũng lần đầu triển khai tại Việt Nam. Nhớ lúc nào cũng mang thẻ trong bóp, phòng khi…”.

Còn bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu cho biết, “quy trình của tôi” bao gồm các công đoạn lấy thận, rửa bảo quản thận và ghép thận vào cơ thể người nhận. Ban đầu, bác sĩ sẽ mổ mở bụng người hiến, dùng dung dịch Euro Collins (ở 4 độ C) rửa thận trực tiếp. Khi rửa xong, bác sĩ tiến hành lấy thận bằng cách đặt ống thông vào động mạch chủ. Động mạch và tĩnh mạch đùi một bên được tiếp cận với một đường rạch da ngắn tại vùng bẹn. Ống thông truyền rửa được đưa vào động mạch chủ qua chỗ mở động mạch đùi. Thận được rửa từ 10 - 20 lít dung dịch, sau đó bác sĩ lấy hai quả thận ra khỏi cơ thể người hiến.

Như vậy là sau khi tôi chết đi, tôi còn có thể giúp cơ hội sống cho người khác bằng cách hiến thận. Việc này chẳng những không “đau”, mà còn “đẹp” vì chị Thu cho biết: “Lấy thận xong, sẽ cột các mạch máu không để rò máu qua vết mổ, sau đó khâu phục hồi thành bụng rồi băng kín cẩn thận”.

DƯƠNG MINH ANH

Tin cùng chuyên mục