Tại diễn đàn bảo tồn ĐBSCL lần thứ 2 (năm 2010) với chủ đề “Đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu ở ĐBSCL” do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF – World Wide Fund For Nature) tổ chức tại tỉnh Kiên Giang vừa qua, mô hình trồng, bảo vệ rừng, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tại Bãi Ngang được chọn báo cáo điển hình.
Các chuyên gia WWF xác định: Có khoảng 36 loài thủy sản dần tái sinh tại khu vực Bãi Ngang. Đặc biệt, mô hình này được đánh giá phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiến sĩ Geoffrey Blate, Điều phối viên chương trình biến đổi khí hậu (Tổ chức WWF khu vực Mekong mở rộng) cho rằng: “Thích ứng biến đổi khí hậu nên dựa vào hệ sinh thái bằng cách sử dụng các biện pháp tự vệ bằng hệ sinh thái tự nhiên để hỗ trợ cho sự phát triển và sinh kế. Các hệ sinh thái rộng lớn và đa dạng sinh học tại ĐBSCL có khả năng chống chịu các tác động do biến đổi khí hậu và giảm rủi ro liên quan đến khí hậu. Nên có sự thống nhất giữa các ban ngành và các cơ quan pháp luật để tăng cường hệ sinh thái, tránh những hậu quả xấu có thể phát sinh”.
Chỉ tay về cánh rừng bần xanh bạt ngàn đang “ôm” lấy phần đầu cồn đang ngày càng tiến dần ra phía biển, nông dân Sáu Quỳ phấn khởi nói: “Hơn 10 năm trước, nơi đây sạt lở rất ghê gớm, nhất vào mùa gió Đông-Bắc. Cách bìa rừng này vào trong 200 - 300m, hàng dừa cũng bị nước cuốn trôi. Nhờ nhà nước đầu tư, cùng người dân trồng và giữ được rừng, bây giờ từ đây đi thẳng ra phía biển 2 - 3km vẫn là rừng. Bên ngoài còn một bãi bồi dài gần 20km; tôm cá kéo về sinh sống nhiều vô kể”. Đây là thực tế sinh động đang diễn ra từng ngày tại Bãi Ngang thuộc cù lao Cổ Chiên, được các chuyên gia đánh giá thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
Bên dưới rừng bần
Nông dân Trần Văn Quỳ (Sáu Quỳ), 57 tuổi, là một trong những cư dân đầu tiên trồng, giữ rừng ngay nơi “đầu sóng ngọn gió” có tên Bãi Ngang (ấp Hai Thủ, xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) của cù lao Cổ Chiên, nằm ở cửa sông Cổ Chiên - một nhánh sông Cửu Long đổ ra biển Đông. Nông dân Sáu Quỳ cho biết: “Riêng gia đình tôi từ đó đến nay đã tham gia trồng, bảo vệ gần 20ha rừng bần. Từ ngày rừng được phục hồi, tôm cá kéo về nhiều lắm. Người dân trồng, bảo vệ rừng được khai thác nguồn lợi này tuy nhiên phải tuân thủ các quy định để đảm bảo điều kiện có nguồn lợi phục hồi; nghiêm cấm khai thác kiểu hủy diệt: xung điện, xuyệt điện, lưới mắt nhỏ, lưới mùng…”.
Tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, ở đây cua giống nhiều vô kể. Hàng ngày, mỗi người, kể cả trẻ em vào rừng chỉ cần vạch lá bần, cành cây, rác dưới tán rừng là bắt được 150 - 200 cua con bán cho các chủ vuông nuôi kiếm được 70.000 - 100.000 đồng. Ông Sáu Quỳ dẫn chúng tôi lội vào rừng vài chục mét, chỉ tay vào các hang cua nhỏ quanh các gốc bần, rồi nói: “Bây giờ, cua lớn hơn một chút nên đào hang ẩn nấp”. Như để chứng minh, ông xoắn tay thọc cần móc sắt vào một hang, kéo ra con cua đực cỡ lọt lòng bàn tay. Khoảng 10 phút trên bán kính chưa đầy 10m, ông bắt được 5 con cua như thế. “Cua cỡ này nuôi chắc ăn, sống 100% nên bán có giá khoảng 6.000 đồng/con. Cái hay ở đây, đa số người dân đồng lòng không bắt cua nhỏ, cố tình giữ rừng đợi cua lớn mới bắt bán giá cao hơn” - Sáu Quỳ phấn khởi nói.
Bây giờ đang mùa cá bông lau, cá chẻm, một trong những loài đặc sản đang hồi phục mạnh mẽ tại Cồn Ngang sau nhiều năm biến mất. Người dân địa phương giỏi đánh lưới, bủa câu, mỗi đêm có thể kiếm 400.000 - 600.000 đồng như chơi; khi gặp cá đi theo bầy thì được cả triệu đồng.
Ngay con nước, chúng tôi quyết định lên xuồng đi săn cá bông lau với 2 “ngư dân” Nguyễn Văn Muôi và Phan Văn Bình. Khoảng 17 giờ, lúc con nước lớn sắp ròng, ông Muôi ra hiệu thả lưới ở khu bãi bồi, cách chân rừng vài chục mét.
Nép xuồng vào một vạt bần yên tĩnh, ngồi nhâm nhi bình trà (được giữ ấm trong quả dừa khô còn nguyên vỏ) chờ thăm lưới, ông Muôi giải thích: “Cá bông lau trưởng thành rất thích ăn trái bần chín, rụng xuống. Mùa này, cứ nước lớn chúng vào rừng ăn bần, nước ròng chúng bơi ra ngoài. Mình giăng lưới, đón lõng ở đây là dính”. Khoảng 1 tiếng sau, chúng tôi thăm lưới lần thứ nhất. Xuồng vừa ra đến khu vực thả lưới đã thấy nước động lao xao. Ông Bình đoán, con cá này không dưới 5kg, rồi nhanh chóng phăng lưới bắt lên con cá bông lau to hơn bắp chân, dài khoảng 80cm. Trong vòng 300m lưới, 2 ngư dân này thu được 5 con cá bông lau, khoảng 2 - 5kg/con. Ông Bình nhẩm tính: “Với giá bỏ mối 60.000 đồng/kg, bao nhiêu đây cũng kiếm được gần 800.000 đồng. Hôm nay trúng rồi, giờ đến tối còn 1 lần thăm lưới, chắc được vài con nữa…”.
Hàng trăm hécta đất phía trong bìa rừng, người dân cải tạo trồng lúa, nuôi thủy sản đạt hiệu quả khả quan. Nông dân Nguyễn Hữu Chí, 50 tuổi, đang quản lý, chăm sóc 5ha rừng do mình trồng cho biết: “Mấy năm nay nguồn lợi thủy sản do rừng mang về nhiều lắm, đủ cả cua, cá bông lau, cá ngát, tôm, cá tra, cá kèo… Năm 2010, tôi nhận trồng thêm 3,3ha rừng mới. Tận dụng cái vuông 5.000m2 nuôi cá kèo. Con giống bắt từ bãi bồi. Vụ vừa rồi thu được 30 triệu đồng, trong khi chi phí bỏ ra chưa tới 10 triệu”…
Đa dạng sinh học
Với nhiệm vụ vừa trồng, bảo vệ rừng, vừa phát triển nguồn lợi thủy sản, khai thác bền vững, năm 2004, HTX Tiến Thành được thành lập gồm 250 xã viên, trong đó có 70% thuộc diện hộ nghèo. Số xã viên tăng dần theo từng năm nhờ sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, hộ nghèo được cho vay 3 triệu đồng để mua cổ phần của HTX (mỗi cổ phần 500.000 đồng). Đến nay, HTX đã có 400 xã viên, đời sống khá ổn định. Nhiều hộ thoát nghèo, có “của ăn của để”.
Ông Huỳnh Quốc Vũ, Trưởng ban quản trị HTX tự tin: “Người dân đã nhận thấy tầm quan trọng của rừng gắn liền với cuộc sống của họ nên không còn phá rừng, khai thác thủy sản bừa bãi như trước. Từ khi thành lập đến nay, năm nào HTX cũng có lãi, chia cho xã viên rất công bằng, minh bạch theo cổ phần đầu tư. Đặc biệt, năm 2009, chúng tôi thu hoạch nghêu được hơn 8 tỷ đồng, sau khi trừ vốn đầu tư, chi phí quản lý, bảo vệ…, lãi được chia trên mỗi cổ phần gần 650.000 đồng. Làm ăn phát triển, vụ này HTX quyết định đẩy mạnh đầu tư vùng nuôi nghêu lên 150ha, tăng mệnh giá lên 700.000 đồng/cổ phần được xã viên rất ủng hộ”.
Ông Đỗ Minh Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Long Hòa, cho biết: “Cuộc sống người dân Bãi Ngang bây giờ đã khá hơn nhờ quyết tâm giữ lấy màu xanh của rừng phòng hộ. Dưới tán rừng, các loài thủy đặc sản: vộp, thòi lòi, bóng sao, cá ngát… vốn gần như tuyệt chủng hơn 10 năm qua, đang phục hồi mạnh mẽ. Bên trong dãy rừng phòng hộ là khu đê bao canh tác một vụ tôm (hoặc cua, cá kèo) và một lúa mỗi năm, nguồn giống thủy sản đều do rừng và bãi bồi mang lại. Năm 2010 chúng tôi trồng mới thêm 30ha. Đặc biệt, trong tổng số hơn 170ha có 10ha rừng được chọn là khu bảo tồn đa dạng sinh học…”
BÌNH ĐẠI