Trước những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, liên tục trong thời gian gần đây nhiều giải pháp đã được đưa ra để cứu doanh nghiệp (DN). Cuối tuần trước, Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ thị trường như gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số DN; chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay… Bên cạnh đó, Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét miễn giảm một số loại thuế trong năm 2012.
Năm 2012 là một năm đầy khó khăn khi các yếu tố như lãi suất, giá cả, chi phí lao động, thị trường tiêu thụ đều… chống lại DN. Điều này khiến số lượng DN phá sản, giải thể ngày càng tăng cao. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2012, đã có 17.000 DN ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Chính vì thế, các giải pháp hỗ trợ DN duy trì sản xuất kinh doanh là vô cùng cần thiết để bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Thế nhưng, so với thực tế đang diễn ra trong hoạt động của các DN, các giải pháp trên có kịp thời và đầy đủ?
Theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, chính sách này chỉ có tác dụng với những DN có lợi nhuận. Bởi những DN không có lợi nhuận thì không phải nộp thuế thu nhập DN, nên không được giảm 30% thuế này trong năm 2012. Trong khi đó, thuế GTGT chỉ được giãn trong 6 tháng chứ không được miễn. Vấn đề lãi suất cao - dù tiếp tục được hóa giải với việc áp dụng trần lãi suất cho vay 15%/năm với 4 lĩnh vực ưu tiên, nhưng dòng lưu chuyển vốn tiếp sức cho các DN vẫn bị cản trở mạnh mẽ.
Hiện nay, dù nguồn vốn khá dồi dào nhưng các ngân hàng nói không dễ để cho vay, trong khi phía DN cũng luôn kêu ca khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Nguyên nhân chính được cho là do nền kinh tế đang rơi vào tình trạng “đình trệ” chứ không chỉ do lạm phát hay lãi suất cao. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh số bán lẻ 4 tháng đầu năm giảm mạnh. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng chỉ tăng 6,1%, thấp hơn khá nhiều mức tăng của cùng kỳ năm ngoái (7,7%). Điều đó cho thấy tổng cầu của nền kinh tế rất yếu, tiêu thụ sản phẩm của DN gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho tăng cao.
Lâm vào tình trạng đình trệ, các DN khó tiêu thụ được sản phẩm, dẫn tới tình trạng không trả nợ kịp thời cho các ngân hàng và nợ xấu của DN tăng nhanh (vì lãi suất vay cao, thời hạn nợ đọng kéo dài) khiến ngân hàng không thể cho vay thêm. Trong khi đó, DN không bán được hàng thì cũng không có nhu cầu vay vốn để sản xuất... Rõ ràng, chính tình trạng đình đốn sản xuất đã khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, của nhiều DN suy giảm mạnh. Đây thực sự là thách thức lớn đối với nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Gói hỗ trợ DN 29.000 tỷ đồng, theo tính toán của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, ước tính chỉ làm tổng cầu tăng thêm không quá 0,8%. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, các giải pháp cứu DN hiện nay là cần thiết, chắc chắn sẽ có tác động nhưng chưa đủ mạnh.
Điều quan trọng nhất là cần có giải pháp kích cầu tiêu dùng, làm tăng tổng cầu để khơi thông đầu ra cho sản phẩm hàng hóa, giải quyết được tình trạng hàng tồn kho lớn của nhiều DN. Nhưng giải pháp cụ thể như thế nào cũng cần phải được tính toán kỹ. Mục tiêu ưu tiên của chúng ta trong thời kỳ này là ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng vai trò của thị trường trong việc phân bổ nguồn lực.
Chính sách kích cầu bằng tài khóa buộc phải chấp nhận thâm thủng ngân sách cao; trong khi chính sách kích cầu bằng tiền tệ có thể làm mô hình tăng trưởng theo chiều rộng tiếp tục tồn tại, và có nguy cơ gây mất lòng tin của thị trường. Hơn nữa, hiện khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế còn yếu, nên việc bơm thêm vốn không thể giải quyết triệt để vấn đề. Thậm chí, nếu không kiểm soát tốt hệ thống “đường dẫn” tín dụng thì việc bơm thêm vốn có thể còn gây ra cú sốc mới đối với nền kinh tế.
BẢO MINH