Cổng trường THCS Chu Văn An (quận 1 TPHCM) vào giờ tan tầm. Một cô bé học sinh lớp 6 chạy ào từ cổng trường ra chỗ chiếc xe Dream cà tàng, nơi có người cha tóc bạc quá nửa mái đầu đang dang tay chờ đón.
- Ba ơi, mai con không đến lớp nữa. Cô nói không có tiền thì học ngoại trú đi, bán trú chi rồi không có tiền đóng học phí.
Hai cha con nhìn nhau. Im lặng.
Đôi bàn tay sạm nắng của người đàn ông hơn 30 năm bôn ba giữa dòng đời không che nổi tiếng thở dài.
Anh làm tài xế taxi đã hơn 12 năm. Một vợ, hai con. Kinh tế gia đình dồn cả lên đôi vai gầy guộc. Dạo gần đây xăng dầu lên giá, người gọi taxi không nhiều như trước. Nhiều hôm phải gồng mình “ôm” xe đến 2 - 3 giờ sáng, chấp nhận đi tỉnh, chạy cả những cuốc gần “lụm” bạc lẻ mới đủ bươn chải cái ăn, cái mặc cho cả gia đình. Nhà trường vận động phụ huynh tham gia hộp thư điện tử, thu phí 40.000 đồng/năm. Vợ chồng anh cũng gắng tham gia. Mọi sinh hoạt của con ở trường, từ điểm số, bài kiểm tra, tham gia văn nghệ đều được thông báo tận tình đến phụ huynh.
Vậy mà vì sao một vấn đề tế nhị như học phí, thầy cô lại không trực tiếp nói với anh? Lời nói vô tình kia đã khiến tâm hồn non nớt của đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” bị tổn thương nghiêm trọng. Mai này lớn lên, bé sẽ nhận thức sao về đồng tiền?
THANH THU