Tôn trọng quyền tự chủ của doanh nghiệp

Với đa số phiếu tán thành, sáng 26-11, Quốc hội đã thông qua 2 dự án luật quan trọng liên quan đến hoạt động kinh tế là Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Với đa số phiếu tán thành, sáng 26-11, Quốc hội đã thông qua 2 dự án luật quan trọng liên quan đến hoạt động kinh tế là Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Theo Luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, từ 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ sẽ chỉ còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 6 của dự thảo luật. Tất cả 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh đều đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhưng được tổng hợp trong Luật Đầu tư để làm rõ hơn quy định về quyền tự do kinh doanh của công dân. Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, căn cứ vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại luật này, Chính phủ sẽ tập hợp và công bố công khai trên cổng thông tin doanh nghiệp các điều kiện đầu tư áp dụng đối với cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, tới đây các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự quyết định, chỉ định một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật; phạm vi quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện phải được ghi rõ trong điều lệ công ty. Điều lệ công ty được đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Cũng trên tinh thần tôn trọng quyền tự quyết của doanh nghiệp, luật quy định theo hướng doanh nghiệp có quyền tự quyết định về hình thức, nội dung và việc quản lý, sử dụng con dấu; đồng thời, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Nói một cách ngắn gọn, việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của điều lệ công ty.

Liên quan đến kiến nghị xác định rõ tiêu chí của tập đoàn kinh tế tư nhân để giúp chuẩn hóa công tác quản lý nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân và tạo động lực cho các tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển, Điều 188 của luật đã bổ sung quy định: “Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác”.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục