Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn “một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, thầy cô giáo là những người đi khai sáng trí tuệ, mở mang tri thức, thắp sáng ngọn lửa tâm hồn cho học sinh. Vì vậy, để hoàn thành nghiệp “trồng người”, mỗi thầy cô giáo đã luôn phải tự hào với nghề, ý thức được vai trò nêu gương, tính mô phạm của nghề nghiệp, không ngừng học tập, rèn luyện, cập nhật tri thức, phương pháp, nâng cao tay nghề. Không phụ lòng mong đợi của xã hội, tuyệt đại đa số thầy cô giáo đã giữ tâm sáng - trí bền, vun đắp tình yêu thương học sinh và sự trân trọng đối với nghề để chủ động, sáng tạo, tích cực đổi mới.
Trong mỗi dịp lễ 20-11 như thế này, cả xã hội lại trìu mến hướng về ngành giáo dục, hướng về các thầy cô. Tình cảm, lòng biết ơn của học trò các thế hệ với thầy cô giáo của mình đã phần nào nói lên sự cao quý của nghề giáo. Thế nhưng, tôn vinh nghề giáo là một chuyện, phải bảo đảm nghề giáo được ở đúng vị thế xã hội của mình cũng là chuyện phải làm.
Rất nhiều ý kiến quan tâm đến nghề giáo, đến vận mệnh nền giáo dục nước nhà đã đề nghị phải tăng cường những chính sách nhằm phục hưng nghề giáo. Nếu không thực sự coi trọng những giá trị của người thầy thì chương trình giáo dục đổi mới dù có hay đến mấy, cơ sở vật chất đầu tư có tốt đến mấy cũng khó thành công, bởi nhà giáo là yếu tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp giáo dục.
Hiện nay, ngành giáo dục vẫn đang trên con đường đổi mới với rất nhiều yêu cầu đặt ra, xã hội trông đợi và kỳ vọng rất nhiều vào sự nghiệp đổi mới đó. Nhưng càng kỳ vọng nhiều thì càng có nhiều bức xúc trước thực tế lương, chế độ cho giáo viên chưa thỏa đáng.
Từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII đến Nghị quyết 29 Trung ương 8 khóa XI của Đảng đều khẳng định lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Trước đó, chúng ta cũng đã nói nhiều về vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa làm được.
Cụ thể, lương của giáo viên mầm non, tiểu học từ bậc 1 là 1.86 đến bậc 12 là 4.26; với mức lương cơ bản hiện tại thì trong 24 năm công tác là tăng không đáng kể (chỉ tăng khoảng 2.860.000 đồng). Rõ ràng điều này khó trở thành động lực cho nhà giáo phấn đấu và đổi mới.
Trong thế giới phẳng hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu của xã hội với ngành giáo dục là xây dựng nhà trường theo định hướng tiên tiến, hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc, học sinh phải được giảng dạy và học tập bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại, chú trọng phát triển tư duy khoa học, sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu; có nền tảng tiếng Anh, tin học đạt chuẩn để có thể tiếp tục học tập, làm việc trong môi trường quốc tế; có thể chơi được ít nhất một môn thể thao; có kiến thức về âm nhạc, mỹ thuật và kỹ năng thực hành xã hội để có thể thích ứng cuộc sống…
Để đáp ứng mục tiêu này, hơn ai hết, các thầy cô giáo phải không ngừng cập nhật, bồi dưỡng để hoàn thành nhiệm vụ truyền thụ tri thức, hoàn thiện nhân cách cho học sinh. Như vậy, càng đổi mới càng yêu cầu cao, trong khi chế độ chính sách vẫn không thay đổi, thử hỏi liệu các thầy cô giáo có điều kiện để đáp ứng?
Khi yêu cầu nhà giáo phải cao hơn về chuẩn kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu hội nhập, yêu cầu đổi mới ngành giáo dục căn bản, toàn diện, thì chế độ cũng phải phù hợp. Nếu chỉ yêu cầu các thầy cô phải cố gắng lên, phải đổi mới đi, mà điều kiện làm việc, chế độ lương bổng, thậm chí cả danh dự không được bảo vệ một cách chính đáng thì là điều không thể.
Các thầy cô giáo cần được tạo môi trường thuận lợi để giảng dạy tốt nhất cũng như được bảo vệ chính đáng nhất. Đó mới là lời chúc thiết thực nhất dành cho các thầy cô, còn không, mọi lời chúc trong ngày nhà giáo “sẽ chỉ là hoa mỹ” như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nói trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội vào cuối tuần qua.