Những ngày này, khi mà các bạn tân sinh viên nghèo ở khắp mọi miền đất nước đang rạo rực chuẩn bị ngày nhập học thì cái tên Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền Lê Quốc Phong cùng chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” do anh và báo Tuổi trẻ khởi xướng cũng được giới truyền thông báo chí và các bạn sinh viên nghèo khắp nơi nhắc đến với lòng biết ơn vô hạn…
Trung tuần tháng 8-2011 vừa qua, khi dự Đại hội Liên hợp Quốc tế Unesco lần thứ 8 tổ chức tại Hà Nội, tôi bất ngờ nghe ban tổ chức xướng tên Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền Lê Quốc Phong trong danh sách những “Nhà quản lý doanh nghiệp giỏi”. Điều này khiến nhiều người trầm trồ ngưỡng mộ, vì không phải dễ dàng gì để được một tổ chức quốc tế danh tiếng và đầy uy tín như Unesco lựa chọn. Thế nhưng điều đó cũng không khiến tôi ngạc nhiên lắm, khi mà thương hiệu Phân bón Bình Điền với biểu tượng Đầu Trâu do Lê Quốc Phong tạo dựng đã quá thành danh, quá nổi tiếng ở cả thị trường trong nước và thế giới trong suốt gần ba thập kỷ qua… Điều khiến tôi cảm động, trân trọng và ngưỡng mộ nhất ở Lê Quốc Phong đó là tấm lòng nhân ái, là phong thái và những việc làm mang đậm bản sắc văn hóa của tầng lớp doanh nhân Việt hiện nay…
Có thể nói, những ngày này, khi mà các tân sinh viên nghèo ở khắp mọi miền đất nước đang rạo rực chuẩn bị ngày nhập học thì cái tên Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền Lê Quốc Phong cùng chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” do anh và báo Tuổi trẻ khởi xướng cũng được giới truyền thông báo chí và các bạn sinh viên nghèo khắp nơi nhắc đến với lòng biết ơn vô hạn. Là người khởi xướng và là một trong những nhà tài trợ cho chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường”, Tổng Giám đốc Lê Quốc Phong thật sự xúc động khi kể cho chúng tôi nghe hành trình 9 năm gắn bó với chương trình từ thiện mang đậm ý nghĩa nhân văn này.
Theo anh, cứ mỗi mùa tựu trường, hình ảnh các em học sinh vì quá khó khăn mà phải vuột mất cơ hội học hành cứ thôi thúc, ám ảnh anh. Ngay sau khi đọc bài viết trên báo Tuổi trẻ về cậu học trò “Hiếu cà rem” hồi năm 2003 (một học sinh nghèo ở Quảng Trị bằng nghị lực và sự nỗ lực cố gắng của mình, cậu đã vượt qua khó khăn vươn lên thành học sinh giỏi và đã thi đậu vào đại học nhưng lại không có tiền nhập học), anh đã liên lạc với báo Tuổi trẻ để tìm cách hỗ trợ bạn này đạt được ước mơ vào giảng đường đại hoc. Quảng Trị cũng chính là quê hương của anh và những trường hợp như cậu học trò nghèo tên Hiếu nêu trên không phải là hiếm. Vì vậy sau khi giúp đỡ trường hợp của Hiếu, từ các mối quan hệ thân quen, Lê Quốc Phong bàn với một số doanh nhân gốc Quảng Trị tại TPHCM thành lập Câu lạc bộ (CLB) Tiếp sức đến trường với nguyện vọng là làm sao mỗi năm các doanh nhân của CLB sẽ chia sẻ những lợi nhuận làm ra để giúp cho những học trò nghèo quê mình không phải chỉ vì nghèo, chỉ vì thiếu tiền nhập học mà phải từ bỏ ước mơ bước chân vào giảng đường đại học. “Với CLB này, ngay năm đầu tiên 2003, chúng tôi đã tiếp sức cho 27 tân sinh viên nghèo ở Quảng Trị có đủ tiền nhập học, tiếp tục thực hiện ước mơ của mình trên giảng đường đại học”- Lê Quốc Phong cho biết.
Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình CLB Tiếp sức đến trường và để cho các tân sinh viên nghèo ở khắp cả nước có thể tiếp cận nguồn học bổng, được chương trình hỗ trợ và để thu hút được nhiều doanh nhân có lòng hảo tâm tham gia, Lê Quốc Phong đã có sáng kiến tổ chức Giải Golf Gây quỹ Tiếp sức đến trường và anh đã nỗ lực vân động nhiều doanh nhân tham gia. Anh tâm sự: “Khi thành lập CLB Tiếp sức đến trường cho Quảng Trị quê mình, tôi cũng mong nhiều tỉnh khác khác hình thành thêm các CLB tương tự, vì nếu làm được điều đó sẽ giúp rất nhiều em học sinh nghèo không phải dang dở chuyện học hành, và tôi hy vọng bằng sự nỗ lực của mình cũng như sự đóng góp nhiệt tình của các doanh nhân, chương trình có thể tiếp sức được cho tất cả các tân sinh viên còn thực sự khó khăn ở khắp cả nước được bước vào trường đại học”.
Với quyết tâm và niềm hy vọng đó, từ các mối quan hệ bạn bè của mình, và từ các đối tác làm ăn với Bình Điền, Lê Quốc Phong đã tìm hiểu, thăm dò, phối hợp cùng báo Tuổi trẻ đứng ra tổ chức Giải Golf Gây quỹ Tiếp sức đến trường lần đầu tiên vào năm 2008. Với giải Golf này, số tiền mà các doanh nhân đóng góp cho quỹ ngày càng nhiều lên. Đến năm 2010, Giải Golf Tiếp sức đến trường có thêm sự tham gia hỗ trợ của Đài Truyền hình Việt Nam-VTV trong vai trò đồng tổ chức đã giúp cho quỹ thu về số tiền hơn 4,2 tỉ đồng và năm nay- 2011 số tiền quỹ thu về đã đạt gần 8 tỷ đồng. Như vậy là sau chín năm, chương trình “Tiếp sức đến trường” đã trao hơn 6.400 suất học bổng cho tân sinh viên vượt khó khắp cả nước trúng tuyển được đến với giảng đường cao đẳng - đại học với tổng số tiền trên 20 tỉ đồng.
Trên thực tế, với mục đích tổ chức giải rõ ràng, chương trình đã mang lại cơ hội đến trường cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi, và với ý nghĩa thấm đẫm nhân văn, Giải Golf Gây quỹ Tiếp sức đến trường do Lê Quốc Phong khởi xướng ngày càng thu hút nhiều doanh nhân tham gia với số tiền ủng hộ ngày càng nhiều hơn. Dù vậy, trao đổi với báo chí, Lê Quốc Phong vẫn còn nhiều trăn trở… “Chúng tôi, báo Tuổi Trẻ hay bất kỳ doanh nghiệp nào cũng vậy, dù có cố gắng giúp đỡ các em nhiều đến mức nào đi chăng nữa thì cũng chỉ là tạo tiền đề cho các em mà thôi. Việc còn lại là phải làm căn cơ hơn, sao cho các em học sinh sinh viên không phải vì nghèo khó mà bỏ học. Tôi nghĩ điều này phải nằm ở tầm chiến lược giáo dục quốc gia. Chúng ta đầu tư cho những trường hợp vượt trội để tạo ra những nhân tài là điều đương nhiên. Nhưng làm sao để con em nhà nghèo không mất đi cơ hội học hành cũng là điều cần thiết. Đành rằng chúng ta còn nhiều khó khăn nhưng cũng phải tính xem nên làm gì, làm ở chỗ nào trước. Không chỉ riêng tôi mà bất kỳ nhà tài trợ học bổng “Tiếp sức đến trường” nào chắc cũng băn khoăn như thế”-anh nói.
Có thể nói, tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của Lê Quốc Phong thông qua chương trình Tiếp sức đến trường đã đem lại niềm vui, hun đúc thêm ý chí, nghị lực cho những tân sinh viên nghèo vượt khó, những thanh niên trẻ tuổi đang ngày đêm theo đuổi những ước mơ, theo đuổi những khát vọng chinh phục giảng đường đại học để sau này trở thành những nhân tố tích cực, những người hiền tài, làm đẹp, làm giàu cho quê hương đất nước. Chính tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp đó của Lê Quốc Phong đã được các tân sinh viên cảm nhận được và họ đã thể hiện tình cảm của mình bằng sự trân trọng, bằng lòng biết ơn sâu sắc và bằng cả ánh mắt, nụ cười, khi trao tặng cho anh những bó hoa tươi thắm mà tôi có dịp được chứng kiến trong buổi lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường cho các tân sinh viên khu vực Tây Nguyên tổ chức tại Đà Lạt hồi trung tuần tháng 9 vừa qua...
Nhìn Lê Quốc Phong bằng chất giọng ấm trầm tha thiết, cầm micro hát bài hát “Đôi chân trần” (do nhạc sĩ Y Phôn K”Sor sáng tác) ca ngợi sự hy sinh cao cả của người cha một đời lam lũ chắt chiu cho các con ăn học thành tài, tôi thật sự cảm động. Và càng cảm động hơn khi nhìn hình ảnh các em tân sinh viên nghèo nước mắt tràn mi ôm những bó hoa tươi thắm ùa lên sân khấu tặng cho anh… Dưới khán phòng hôm đó, không chỉ tôi mà nhiều người đã rơi nước mắt…
Hình ảnh đáng trân trọng đó cũng đã giúp cho tôi hiểu sâu sắc vì sao mà Lê Quốc Phong không chỉ được tôn vinh là một doanh nhân tài năng, một nhà quản lý doanh nghiệp giỏi, nhiều kinh nghiệm, mà anh còn được tôn vinh là một biểu tượng điển hình cho phong cách doanh nhân thời hiện đại, là biểu tượng điển hình cho bản sắc văn hóa tốt đẹp của tầng lớp doanh nhân Việt hiện nay. Anh cũng chính là người đã được trao “Biểu tượng Vàng vì sự nghiệp văn hóa doanh nhân Việt Nam” năm 2008. Đây là danh hiệu nhằm tôn vinh sự nỗ lực và cống hiến của tầng lớp doanh nhân Việt Nam cho công cuộc phát triển và hội nhập của đất nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa của doanh nhân Việt Nam...
S.Nâu