Tại hội thảo “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” diễn ra ở TP Cần Thơ vào ngày 11-10, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: “Trong đề án tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo giai đoạn 2020 và tầm nhìn 2030” sẽ có khoảng 25 chương trình, dự án, với tổng nguồn vốn thực hiện khoảng 7.000 tỷ đồng.
Cụ thể, các chương trình tái cấu trúc ngành lúa gạo sẽ tập trung vào quy hoạch, hoàn chỉnh hạ tầng, chuyển đổi đất lúa, nghiên cứu đề tài khoa học công nghệ về lai tạo giống, nghiên cứu chính sách phát triển lúa gạo phù hợp tình hình mới, tổ chức sản xuất lớn theo nhu cầu thị trường, thực hiện cơ giới hóa, đẩy mạnh khâu chế biến, xây dựng thương hiệu, liên kết phát triển thị trường…
Một trong những vấn đề quan trọng là phát triển thủy lợi nội đồng, nâng cấp giao thông, hệ thống điện phục vụ sản xuất hiện đại… ở vùng ĐBSCL, đồng bằng Sông Hồng và duyên hải Nam Trung bộ với nhu cầu vốn hàng ngàn tỷ đồng cho giai đoạn 2017-2022.
Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, duy trì khoảng 3,8 triệu ha đất trồng lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất lúa. Việc sản xuất lúa ở ĐBSCL tập trung vào gạo chất lượng cao phục vụ thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
LONG HÒA