Tour mới: Phiêu diêu vòng cung Tây Bắc

Có một đoạn Tây Bắc ít người biết đến, so với tuyến đường truyền thống mà bấy lâu nay khách lữ hành đã đi qua. Đó là hành trình bắt đầu từ Yên Bái, cửa ngõ vào miền Tây Bắc đồng thời là điểm nối giữa Đông Bắc, Tây Bắc và đồng bằng Bắc bộ. Đây cũng là tour mới do Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ khai phá và tổ chức những chuyến đầu tiên khi tiết trời miền bắc đã vào thu. 
Tour mới: Phiêu diêu vòng cung Tây Bắc

Có một đoạn Tây Bắc ít người biết đến, so với tuyến đường truyền thống mà bấy lâu nay khách lữ hành đã đi qua. Đó là hành trình bắt đầu từ Yên Bái, cửa ngõ vào miền Tây Bắc đồng thời là điểm nối giữa Đông Bắc, Tây Bắc và đồng bằng Bắc bộ. Đây cũng là tour mới do Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ khai phá và tổ chức những chuyến đầu tiên khi tiết trời miền bắc đã vào thu. 

Du khách Công ty Thế Hệ Trẻ dưới gốc cây chè tổ hơn trăm năm tuổi

Du khách Công ty Thế Hệ Trẻ dưới gốc cây chè tổ hơn trăm năm tuổi

Xã Suối Giàng huyện Văn Chấn nằm lưng chừng trời, trên ngọn núi cùng tên thuộc dãy Hoàng Liên Sơn ở độ cao 1.371 mét so với mặt biển là điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân. Địa danh này còn nổi tiếng với giống chè Shan tuyết cổ thụ. Phải chăng nhờ “trời cho” khí hậu bốn mùa se lạnh, thổ nhưỡng đặc biệt, mây mù giăng kín, mà hàng ngày chè được ngậm sương nên sau khi hái về, chế biến theo phương pháp thủ công lâu đời của người dân tộc Hmông, búp trắng xám như có một lớp lông tơ trắng (gọi là chè bám tuyết), đã cho hương vị chè khác biệt và ngon hơn hẳn loại chè nơi khác.

Đến đây vào mùa thu, thú vị nhất là mỗi buổi sáng, được ngắm nhìn những đám mây chùng thấp la đà xuống vườn chè cổ thụ xanh um, cũng là lúc từng nhóm phụ nữ Hmông xúng xính trong chiếc váy thổ cẩm leo trèo trên những cây chè cổ xù xì, trắng mốc với vòng gốc to cả người ôm chưa kín, vắt vẻo hái từng búp lá còn đọng sương mai. Buổi tối ở thị xã Nghĩa Lộ không gì bằng đi múa xòe Thái, một trong những nét sinh hoạt đặc sắc tại Mường Lò, vùng đất vốn được xem là ngọn nguồn của cộng đồng dân tộc Thái Tây Bắc. Thông thường, trong phần nghi thức đêm hội xòe, không thể thiếu tiết mục “Khăm khăn nơi lảu” do các cô thiếu nữ dân tộc Thái trẻ trung, duyên dáng vừa múa vừa nâng khăn mời rượu thể hiện lòng hiếu khách, với sự phụ họa của khèn, đàn tính tẩu, tiếng chiêng, tiếng trống nhịp nhàng, rộn rã.

Tour mới  Hà Nội – Yên Bái – Suối Giàng – Mù Cang Chải – Cao nguyên Sìn Hồ - Điện Biên Phủ - Sơn La  6 ngày, giá 6,2 triệu đồng (chưa vé máy bay). Đặt tour tại  Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ (209 A Hoàng Văn Thụ  P.8 Q. PN, TPHCM, ĐT: (08). 39971238 – 39971508, www.thehetretravel.com, Email:thehetre@hcm.fpt.vn.

Rời Nghĩa Lộ, chúng tôi  theo quốc lộ 32 lần lượt lướt qua những cánh đồng thơm mùi nếp Tan Lả dưới thung lũng Tú Lệ rồi đèo Khau Phạ nổi tiếng là một trong “Tứ đại đỉnh đèo” bởi chiều dài, mức độ hiểm trở xếp loại bậc nhất Việt Nam trước khi đến Mù Cang Chải - quê hương của ruộng bậc thang uốn khúc gối lên nhau từng lớp, rồi từng lớp nọ gối tiếp lớp kia tựa chiếc cầu thang nối trần gian với cõi thiên đình. Nhiều người cho rằng Mù Cang Chải mùa nào cũng đẹp: vào mùa xuân lúa bắt đầu mướt xanh, mỗi lần gió núi thổi qua, nó dập dờn như sóng biển tràn lên sườn núi... Bước sang mùa thu, cả một vùng núi non trùng điệp đều rực rỡ trong sắc màu vàng ươm của lúa chín.

Đường lên cao nguyên Sìn Hồ tỉnh Lai Châu đầy sắc màu sơn cước mạn Tây Bắc, có cánh rừng nguyên sinh đầy hoa rừng, có dãy núi đá vôi tạo hình kỳ dị và hang động Pu Sam Cát nổi tiếng, có cả những thác nước ven đường là nơi dừng chân của trai gái người Hmông tắm mát mỗi lần đi rừng về. Nằm trên độ cao trung bình 1.500m, Sìn Hồ luôn mát lạnh, tinh khiết chẳng khác Sapa. Sìn Hồ sở hữu nhiều cảnh đẹp hấp dẫn, từ những con đường ngoằn ngoèo trong thung lũng toàn ruộng bậc thang cho đến bản làng Tà Ghềnh, Hoàng Hồ, Tả Phìn, Phăng Xô Lin của người Mông, Dao yên bình mộc mạc bên vách núi. Đến đây vào thứ bảy, chủ nhật, du khách sẽ được thưởng ngoạn buổi chợ phiên đông vui. Người Hmông, Hà Nhì, người Lự, Dao ở Phăng Xô Lin... nhộn nhịp mang gà qué, nông sản, cây thuốc xuống chợ họp phiên.

Tiếp tục đến thành phố Điện Biên Phủ  bằng cung đường từ Sìn Hồ  băng qua Chăn Nưa rồi men theo  quốc lộ 12, du khách sẽ mê mẩn với dòng sông Nậm Na, lẩn khuất xa xa là bản làng với những ngôi nhà sàn xinh xắn, như điểm xuyết cho cảnh sắc núi rừng thêm lãng mạn.

Trần Lý Mẫn Huy

Tin cùng chuyên mục