Thời gian qua, hàng loạt công trình cầu đường đã được đưa vào sử dụng không chỉ tạo ra bước đột phá về xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống xã hội mà còn tạo đà phát triển kinh tế xã hội.
Kết nối đôi bờ Đông - Tây
Ngày 21-9-2010 vừa qua, đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn thuộc dự án Đại lộ Võ Văn Kiệt chính thức hợp long thông suốt toàn bộ tuyến đường trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân TP. Đại lộ Đông - Tây dài gần 22km với điểm đầu giao với quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) chạy xuôi theo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và vượt sông Sài Gòn đến điểm cuối là giao với xa lộ Hà Nội. Dự án còn xây dựng các cầu Khánh Hội, Calmette, Chữ Y, Chà Và vượt kênh Tàu Hủ, Bến Nghé và hàng chục cây cầu trên tuyến như cầu Lò Gốm, cầu Rạch Cây, cầu Nước Lên, cầu Cá Trê Lớn, cầu Cá Trê Nhỏ, cầu Kênh số 1, cầu Kênh số 2 cùng 2 nút giao khác mức ở Bình Chánh và Cát Lái. Đại lộ Đông - Tây hoàn thành sẽ là một trục giao thông quan trọng nối hai bờ Đông và Tây của thành phố. Dự án với tổng vốn đầu tư 9.864 tỷ đồng, trong đó có 6.394 tỷ đồng vay ODA của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), số còn lại 3.470 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.
Để có được đường hầm như hôm nay, chính là nhờ sự lãnh đạo của TP và sự tham gia phối hợp đầy trách nhiệm của các cơ quan đơn vị liên quan với hơn 1.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đơn vị thi công, tư vấn giám sát đã trải qua nhiều thời khắc khó khăn vất vả, làm việc liên tục bất kể thứ bảy, chủ nhật hay ngày lễ.
Bên cạnh đó, quá trình thi công đường hầm còn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự động viên hỗ trợ kịp thời của các bộ ngành trung ương, của cơ quan hợp tác quốc tế JICA - Nhật Bản và sự ủng hộ chia sẻ của đồng bào TP và cả nước. “Từ nay, đường hầm vượt sông Sài Gòn đã hoàn toàn kết nối đôi bờ. Giấc mơ về một con đường ngắn nhất tiến về TP và giấc mơ về một khu đô thị mới, khang trang, hiện đại phía Đông Sài Gòn đang đến rất gần”, ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM chia sẻ.
Điểm nhấn nối các trục đường chính
Cầu Phú Mỹ là cây cầu dây văng được xây dựng theo công nghệ tiên tiến nhất hiện nay cũng chính thức khánh thành. Cầu dài hơn 2.000m với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng.
* Riêng tại khu vực Đông Nam Á, cho đến thời điểm này, hầm vượt sông Sài Gòn có quy mô lớn nhất trong khu vực, có ý nghĩa chiến lược với sự phát triển TP trong tương lai. Đồng chí Nguyễn Thành Tài |
Đây là một trong những công trình thiết yếu vượt sông Sài Gòn, cùng với cầu Thủ Thiêm, hầm vượt sông Sài Gòn phục vụ phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, thu hút đầu tư và tạo sức bật cho quận 2, quận 7, quận 9. Cây cầu này cũng là điểm nhấn quan trọng nối thông các trục đường chính của TPHCM như tuyến vành đai số 2, liên tỉnh lộ 25B... tạo nên hành lang lưu thông thông suốt cho trục vận tải từ miền Bắc, miền Trung đi về đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, cây cầu giúp rút ngắn khoảng cách từ khu vực Cát Lái, quận 2 sang trung tâm TP gần 10km.
Sau khi tuyến đường Vành đai 2 xây dựng hoàn chỉnh, lượng xe từ các tỉnh miền Trung, miền Đông đi về các tỉnh miền Tây phần lớn phải qua đường Nguyễn Văn Linh. Sau khi xe đi qua cầu Đồng Nai vào hướng TPHCM, đến ngã tư Bình Thái qua cầu Rạch Chiếc mới, chạy tiếp, sau đó qua cầu Phú Mỹ thông suốt vào đường Nguyễn Văn Linh. Như vậy, đường Vành đai 2 là tuyến đường xương sống, nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nội đô, cũng đồng thời là tuyến đường quan trọng thứ hai lưu thông đi miền Trung - miền Đông - miền Tây và ngược lại.
Cầu Phú Mỹ là công trình trọng điểm của TPHCM, có nhiệm vụ kết nối hai bờ phía quận 2 và quận 7, hình thành nên một tuyến giao thông vành đai phía Đông TPHCM nhằm giảm tải cho lượng phương tiện phải đi xuyên qua trung tâm TPHCM.
Ngoài các công trình trên còn có hàng loạt công trình vừa hoàn thành như cầu vượt Cát Lái, hầm chui xa lộ Trường Sơn (đường xuyên Á - quốc lộ 1A), Khu chế xuất Linh Trung (phường Linh Trung, Thủ Đức, TPHCM); hầm chui đường Nguyễn Hữu Cảnh; hai nhánh cầu Rạch Chiếc… là thành tựu nổi bật mà TP HCM đạt được trong 2 năm qua.
Quốc Hùng - Quỳnh Thoa