Kịch bản công bố thực trạng biến đổi khí hậu tác động lên TPHCM của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, nếu mực nước biển dâng thêm 75cm thì khu vực TPHCM có khoảng 240km² diện tích bị ngập, chiếm 10% tổng diện tích, và khi mực nước biển dâng 100cm sẽ có khoảng 472km² bị ngập. Điều này tác động nặng nề đến đời sống kinh tế, xã hội của TPHCM trong thời gian tới.
Báo cáo nêu rõ, lượng mưa được dự báo sẽ tăng nhiều hơn trong mùa mưa. Nhiệt độ trung bình được dự báo sẽ tăng là 100C cho đến năm 2050 và 2,60C cho đến năm 2100. Mực nước biển dự kiến sẽ tăng 30cm cho đến năm 2050 và tiếp tục tăng trong khoảng 65 - 100cm vào năm 2100. Như vậy, TPHCM sẽ chịu ảnh hưởng hỗn hợp các yếu tố tăng nhiệt độ dẫn đến nhiệt độ cao hơn trong thành phố, suy giảm chất lượng không khí và nguồn nước. Mực nước biển dâng lên dẫn đến nguy cơ ngập lụt và nhiễm mặn tăng lên, kết hợp với triều cường sẽ tạo ra các đỉnh lũ cao hơn. Ngoài ra, tăng lượng mưa trong mùa mưa sẽ tạo ngập úng nhiều hơn và hệ quả thay đổi dòng chảy của hệ thống sông ngòi dẫn đến sự gia tăng các sự cố vỡ đê bao, gia tăng tần suất ngập lụt.
Để giảm thiểu những thiệt hại kinh tế, xã hội do biến đổi khí hậu gây ra, trong thời gian vừa qua, TPHCM đã hợp tác với TP Rotterdam (Hà Lan) trong chương trình “TPHCM phát triển hướng về phía biển thích ứng với biến đổi khí hậu” và hợp tác với TP Osaka (Nhật Bản) thực hiện 6 dự án môi trường để chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ về công nghệ, tài chính, kinh nghiệm và tư vấn của các nước phát triển. Mặt khác, thành phố còn kêu gọi tiết giảm, tái sử dụng, đốt bằng Biogas, hợp tác với Quỹ môi trường phát triển toàn cầu của Nhật Bản trong các dự án đo lường, báo cáo, kiểm tra, những dự án hỗ trợ kỹ thuật về năng lượng giao thông; chương trình tập huấn với nhiều thành phố của các nước khác. Không dừng lại ở đó, để đóng góp cho việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, lực lượng thanh niên thành phố đã thực hiện chương trình “Ngày chủ nhật xanh” để khơi thông dòng chảy tại các tuyến sông, kênh rạch ở các địa bàn quận huyện, vớt hàng chục tấn lục bình để làm thông thoáng dòng nước chảy, thả hàng trăm ngàn con cá xuống kênh để bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, vệ sinh phát quang hàng trăm ký rác dọc các tuyến đường sắt…
GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học kỹ thuật - Môi trường TPHCM, cho biết, TPHCM là một trong những thành phố chịu nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Minh chứng cụ thể là ngập lụt ngày càng diễn ra trên diện rộng, những cơn mưa thường kéo dài và nắng cũng gay gắt hơn, điều này đã và đang ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân thành phố. Do đó, đòi hỏi chung là phải có hành động toàn diện, mạnh mẽ, thường xuyên của toàn xã hội. TPHCM cần phải xây dựng một chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện của thành phố. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường như một điều kiện cần, một chốt hãm với quá trình biến đổi khí hậu. Cần kết nối với các địa phương trong vùng để phối hợp hành động với hiệu quả cao nhất. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế đặc biệt đối với các thành phố, khu vực trên thế giới có nhiều kinh nghiệm ứng phó và khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực và nâng cao nhận thức cộng đồng của người dân, đưa kiến thức về thích ứng biến đổi khí hậu thông qua hoạt động ngoại khóa, môn học trong các trường học từ phổ thông tới giáo dục đại học. Có vậy mới mong giảm thiểu và góp phần giải quyết từng bước thực trạng vốn rất khó khăn này.
HỒNG HÀ