TPHCM: Gần 70% hợp tác xã làm ăn khá, giỏi

Sáng nay, 25-10, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện kết luận 56 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 16 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX): tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể của TPHCM đến năm 2020.
TPHCM: Gần 70% hợp tác xã làm ăn khá, giỏi

(SGGPO).- Sáng nay, 25-10, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện kết luận 56 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 16 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX): tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể của TPHCM đến năm 2020.

Trình bày tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cho biết, sau 10 năm (2002-2012), kinh tế tập thể TPHCM đã có những chuyển biến tích cực về số lượng, chất lượng, quy mô và phạm vi hoạt động. Số lượng hợp tác xã (HTX) tăng đều đặn hàng năm, từ 341 lên 512 HTX hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, thương mại, nông nghiệp - dịch vụ nông nghiệp, giao thông vận tải, quỹ tín dụng nhân dân. Từ năm 2003, đã xuất hiện HTX hoạt động trong các lĩnh vực mới như HTX làng nghề, nhà ở, vệ sinh môi trường, quản lý chợ, chế biến, cung cấp suất ăn công nghiệp…

Chất lượng, hiệu quả kinh tế của HTX có bước chuyển biến rõ, tỷ lệ HTX làm ăn khá, giỏi tăng từ gần 40% lên gần 70%. Vị trí, vai trò của kinh tế tập thể dần được xã hội thừa nhận. Trong vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe khách liên tỉnh, các xe mang thương hiệu HTX đã chiếm gần 70%.

Hệ thống siêu thị Co-opmart có mặt khắp các quận huyện trên địa bàn TPHCM. Trong ảnh: Chọn mua hàng tại Co-opmart Cống Quỳnh. Ảnh: Cao Thăng

Hệ thống siêu thị Co-opmart có mặt khắp các quận huyện trên địa bàn TPHCM. Trong ảnh: Chọn mua hàng tại Co-opmart Cống Quỳnh. Ảnh: Cao Thăng

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện nghị quyết, kinh tế tập thể ở TPHCM cũng như cả nước vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Do đó, TPHCM sẽ tiếp tục có biện pháp tháo gỡ khó khăn, khuyến khích, tạo điều kiện để giúp các tổ chức kinh tế tập thể chủ động vươn lên, nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả hoạt động.

Mục tiêu của TPHCM là giai đoạn 2013-2015 phát triển mới 600 tổ hợp tác, 75 HTX, 3 liên hiệp HTX; tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể đạt 10%/năm; đóng góp vào GDP thành phố 1%; thu hút 18.000 lao động làm việc. Đến năm 2020, trên 70% HTX, liên hiệp HTX sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đến năm 2017, toàn bộ các xã nông thôn mới trên địa bàn TPHCM có cơ sở kinh tế hợp tác sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Xây dựng, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn là 1 trong những giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể mà TPHCM tập trung thực hiện. Trong đó, sẽ khảo sát lại 237 địa chỉ nhà đất thuộc sở hữu nhà nước hiện nay do 122 HTX đang quản lý, sử dụng; xây dựng đề án tăng nguồn vốn của Quỹ Trợ vốn xã viên HTX TPHCM đến năm 2015 có nguồn vốn khoảng 500 tỷ đồng; xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể đến năm 2020; tiếp tục hỗ trợ cho Saigon Coop vay vốn ưu đãi ngắn hạn hàng năm để mua hàng hóa dự trữ phục vụ trong các dịp lễ, tết và tham gia Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu…

Hồng Hiệp

Tin cùng chuyên mục