Chỉ tiêu thu ngân sách năm 2017 của TPHCM được Chính phủ giao là 347.882 tỷ đồng, tăng 15,79% so với dự toán năm 2016, trong đó phần thu nội địa tăng kỷ lục - gần 26%. TPHCM sẽ có những giải pháp gì để cân bằng cán cân thu - chi ngân sách trong điều kiện tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho địa phương giảm từ 23% xuống còn 18% vào năm tới?
Thu ngân sách năm 2017 tăng gần 16%
Trong năm 2016, TPHCM đưa ra kế hoạch tổng thu ngân sách nhà nước đạt 298.300 tỷ đồng và chi ngân sách khoảng 63.800 tỷ đồng, trong đó chi cho đầu tư phát triển 26.547 tỷ đồng và chi thường xuyên là 34.630 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm nay TP đã đạt tổng thu ngân sách nhà nước 303.816 tỷ đồng, tăng 10,85% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của UBND TPHCM trình HĐND TP trước kỳ họp thứ 3 của HĐND TPHCM về ước thu - chi ngân sách năm 2016 và dự toán thu - chi ngân sách năm 2017, chỉ tiêu thu ngân sách năm 2017 của TPHCM được Chính phủ giao là 347.882 tỷ đồng, tăng 15,79% so với dự toán năm 2016. Trong đó, dự toán các khoản thu nội địa, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều tăng so với thực hiện năm 2016.
Doanh nghiệp khai báo thuế tại Cục thuế TPHCM
Theo tính toán, áp lực lên cán cân thu - chi ngân sách năm 2017 là rất lớn. Mặc dù vậy, UBND TPHCM vẫn dự báo các yếu tố giúp TPHCM thu ngân sách tăng khi kinh tế thế giới năm 2017 sẽ dần phục hồi và tăng trưởng ổn định. Trong nước, việc tái cơ cấu trong nội bộ nền kinh tế sẽ tạo điều kiện mới cho phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được khôi phục, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng thêm… được cho sẽ thúc đẩy tăng thu ngân sách thành phố. Cùng với đó, việc sửa đổi một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, sửa đổi đối tượng chịu thuế, nâng mức thuế suất đối với một số mặt hàng (thuốc lá điếu, xì gà, các chế phẩm khác từ cây thuốc lá, bia và rượu, dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng…) cũng sẽ góp phần làm tăng nguồn thu trong năm 2017.
UBND TPHCM cho biết, năm 2017, TPHCM sẽ triển khai các giải pháp quản lý và khai thác nguồn thu ngân sách để đảm bảo thu đúng, thu đủ; giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực thuế để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hoàn thành nghĩa vụ thuế; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra từng lĩnh vực trọng điểm để ngăn chặn hành vi gian lận thuế; tăng cường rà soát, phân loại các khoản nợ thuế, đối tượng nợ thuế để có kế hoạch đôn đốc, thu nộp nợ thuế kịp thời và tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo quy định.
UBND TP cũng đề ra giải pháp cho năm tới là sẽ công bố các chương trình và dự án cần tập trung thu hút đầu tư, giới thiệu các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia; tranh thủ tối đa các nguồn vốn ODA để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quy mô lớn; triển khai nhanh việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án có sử dụng đất đối với một vài địa chỉ cụ thể trên địa bàn thành phố; xác định danh mục các dự án hạ tầng trọng điểm thực hiện theo hình thức BT, BOT, BTO để đưa ra kêu gọi đầu tư; xây dựng cơ chế triển khai giải pháp đầu tư theo hình thức hợp tác giữa Nhà nước và huy động nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển, giảm áp lực lên ngân sách nhà nước.
Còn không ít khó khăn…
Mặc dù vậy, UBND TPHCM cũng đưa ra những dự báo có thể tác động làm giảm thu ngân sách của thành phố trong năm tới. Đối với thu nội địa, dù kinh tế thành phố có dấu hiệu phục hồi nhờ sự điều hành của các cấp chính quyền cũng như sự chủ động của các doanh nghiệp, nhưng sức cạnh tranh của nền kinh tế và bản thân doanh nghiệp còn thấp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Kinh tế thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro… cũng là những yếu tố có thể tác động đến thu ngân sách nhà nước trong năm 2017.
Cụ thể hơn, theo UBND TP, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông giảm từ 22% xuống còn 20%, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% giảm còn 17%, cũng làm giảm nguồn thu ngân sách năm tới khoảng 955 tỷ đồng; việc thu hẹp đối tượng hoàn thuế giá trị gia tăng ảnh hưởng giảm thu khoảng 24 tỷ đồng; miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hàng năm từ 50.000 đồng trở xuống cũng làm giảm nguồn thu khoảng 16 tỷ đồng. Chưa kể, nguồn quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước cũng như quỹ đất của thành phố ngày càng giảm, nên số thu từ bán nhà xưởng, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thực tế cũng giảm dần.
Đối với phần thu xuất nhập khẩu, việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, biểu thuế ưu đãi đặc biệt trong năm 2017 tiếp tục giảm, đặc biệt là các mặt hàng chiếm số thu lớn như ô tô, hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, diễn biến giá dầu thế giới không ổn định tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn thu nhập khẩu dầu trên địa bàn thành phố trong năm tới.
Trước những khó khăn về nguồn thu ngân sách nói trên, UBND TPHCM đề ra nguyên tắc phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương năm 2017 theo các thứ tự ưu tiên, gồm: đảm bảo chi hoạt động thường xuyên theo đúng chính sách, chế độ, định mức chi hiện hành; bố trí trả nợ vốn gốc và lãi các khoản vay đến hạn; trích dự phòng ngân sách và nguồn bổ sung quỹ dự trữ tài chính theo quy định; số còn lại bố trí chi đầu tư phát triển (bao gồm nguồn vay để bù đắp bội chi ngân sách địa phương được Quốc hội phê duyệt). Trong trường hợp nguồn cân đối ngân sách cho chi đầu tư phát triển không đáp ứng được nhu cầu thực tế, thành phố sẽ huy động vốn từ nhiều nguồn theo quy định của pháp luật để bổ sung vốn chi cho đầu tư phát triển.
TPHCM cũng xác định sẽ tập trung bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để thực hiện 7 chương trình đột phá mà thành phố đã đề ra. Sẽ bố trí căn cứ theo khả năng cân đối của ngân sách, huy động vốn để chi cho đầu tư cơ bản, phấn đấu tổng mức chi cho đầu tư xây dựng cơ bản năm 2017 cao hơn năm 2016.
|
Vân Anh