(SGGPO).- Ngày 12-11, Ban Dân vận Thành ủy TPHCM và Công an TPHCM phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của mô hình tự quản, tự phòng về an ninh trật tự trên địa bàn dân cư” tại TPHCM.
Theo thống kê của Công an TPHCM, hiện nay trên toàn địa bàn đã xây dựng và duy trì hoạt động 122 mô hình quần chúng tự quản, tự phòng về an ninh trật tự với nội dung, hình thức hoạt động đa dạng, phong phú. Trong đó, có hơn 50 mô hình hoạt động thật sự có hiệu quả, điển hình như: mô hình “Dân phòng tự quản”, “Xe ôm tự quản”, “Nhóm hộ tự quản”, “Nhà trọ tự quản”…
Tại khu vực cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học có mô hình “Nghiệp đoàn bốc xếp tự quản về an ninh trật tự”, “Tổ công nhân đường phố phòng, chống tội phạm”, “Tổ ngành, hàng tự quản về an ninh trật tự”…
Quang cảnh buổi tọa đàm
Ngoài ra, lực lượng công an đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương xây dựng nhiều mô hình phối hợp phòng, chống tội phạm. Chẳng hạn như “Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ” - phối hợp với Liên đoàn Lao động; mô hình “Tổ thanh niên xung kích phòng, chống tội phạm”, “Đội thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin” - phối hợp với Thành Đoàn; mô hình “Câu lạc bộ gia đình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ” - phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ; mô hình “Tổ cán sự xã hội tình nguyện” - phối hợp với Hội Cựu chiến binh; mô hình “Phối hợp với cơ sở tôn giáo về phòng, chống tội phạm” - phối hợp với Hội Người cao tuổi; mô hình “Dòng họ tự quản”, “Nuôi dạy con tốt và phòng, chống tội phạm” - phối hợp với Hội Nông dân.
Kết quả, trong 5 năm qua (2009 – 2014), các thành viên tham gia mô hình tự quản, tự phòng về an ninh trật tự trên địa bàn thành phố đã trực tiếp bắt quả tang 4.558 vụ, bắt giữ 2.568 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá hơn 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quá trình hoạt động của các mô hình tự quản, tự phòng về an ninh trật tự cũng bộc lộ hạn chế. Một số mô hình hoạt động còn mang tính hình thức, chưa phát huy hết tác dụng nên chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao, thiếu đồng bộ, chưa thu hút được đông đảo quần chúng tự giác tham gia; chưa đầu tư đúng mức các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của mô hình tự quản, tự phòng về an ninh trật tự…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại tá Huỳnh Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Bộ Công an nhấn mạnh: Trong những năm tới, công tác xây dựng các mô hình tự quản, tự phòng về an ninh trật tự tiếp tục giữ vai trò rất quan trọng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Đại tá Huỳnh Ngọc Phương đề nghị TPHCM tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng phong trào đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, đảm bảo linh hoạt, sáng tạo, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Bên cạnh đó, thành phố cần kịp thời động viên khen thưởng, có chế độ, chính sách đối với người bị thiệt hại trong khi tham gia phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc; có biện pháp bảo vệ nhân dân tham gia tố giác, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Bà Trần Kim Yến, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM đánh giá sự thành công của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời gian qua là nhờ đạt được sự đồng thuận, đồng tâm của người dân tham gia phong trào và sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền. Bà Trần Kim Yến yêu cầu trong thời gian tới, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, gắn với phong trào thi đua dân vận khéo; phát hiện và nhân rộng những nhân tố tích cực để tạo sức lan tỏa đến mọi người dân. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa công an, dân vận và mặt trận, các đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác tuyên truyền, trong xây dựng các mô hình, trong xử lý tình huống, trong cảm hóa và giáo dục đối tượng. Một điều quan trọng khác là các đơn vị cần phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng, nhất là người có uy tín trong tôn giáo, dân tộc, dòng họ, cộng đồng dân cư.
ÁI CHÂN