Giờ trái đất là sáng kiến toàn cầu của Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) nhằm kêu gọi tất cả mọi cá nhân và tổ chức cùng tắt đi các thiết bị chiếu sáng không cần thiết trong một giờ vào tối ngày thứ bảy cuối cùng của tháng ba hằng năm với mục tiêu: hành động nhỏ của mỗi cá nhân, tổ chức sẽ góp phần tạo nên sự thay đổi tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Riêng trong năm 2012, tại TPHCM, cùng với các sở ngành liên quan, Báo SGGP phối hợp với Ban điều phối chiến dịch toàn cầu 350.org tại Việt Nam tổ chức hàng loạt hoạt động nhằm kêu gọi cộng đồng hưởng ứng chiến dịch này. Và cho đến nay, các hoạt động đã thu hút 10.000 tình nguyện viên đăng ký tham gia
TPHCM - Ấn tượng với đêm sự kiện Giờ trái đất khác biệt
Việt Nam lần đầu tiên hưởng ứng Chương trình “Giờ trái đất” vào năm 2009 chỉ với 6 tỉnh, thành phố tham gia trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2011, trên toàn quốc đã có 30 tỉnh, thành tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện này. Riêng trong năm 2012, tại TPHCM với thông điệp “Cùng hành động vì một giờ trái đất khác biệt”, Báo SGGP phối hợp với Ban điều phối chiến dịch toàn cầu 350.org tại Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động như Nguồn sáng Tương lai: Tuyên truyền và thực hiện thu đổi miễn phí bóng đèn dây tóc sang bóng tiết kiệm điện; Chai mặt trời: Đưa giải pháp về nguồn ánh sáng chi phí thấp cho các cộng đồng thu nhập thấp bằng cách tận dụng ánh sáng mặt trời và tái sử dụng chai nước nhựa; 20 giây cho trái đất: xây dựng thói quen tắt máy xe khi đèn đỏ trên 20s nhằm giảm phát thải CO2, giảm ô nhiễm, tiết kiệm nhiên liệu; Trường học đồng hành cùng Giờ trái đất: cung cấp tài liệu và tổ chức hoạt động hưởng ứng GTĐ tại các trường, đồng thời giáo dục tình yêu môi trường và định hướng sống xanh cho giới trẻ; Cà phê Giờ trái đất: Kêu gọi các quán cà phê tổ chức sự kiện hưởng ứng GTĐ và có những sáng kiến tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường trong suốt cả năm; Đạp xe truyền thông: các tình nguyện viên đạp xe kêu gọi hưởng ứng GTĐ, và truyền cảm hứng để người dân sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện môi trường nhiều hơn.
Đặc biệt, đêm sự kiện Một giờ Trái đất khác biệt sẽ được tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên hứa hẹn sẽ được tổ chức một cách khác biệt với hệ thống âm thanh ánh sáng sử dụng năng lượng mặt trời. Chương trình nghệ thuật ít sử dụng hệ thống âm thanh. Ấn tượng hơn, sân khấu đêm sự kiện được xây dựng và trang trí từ các nguyên liệu bền vững thân thiện môi trường.
Ngoài ra, các tình nguyện viên tham gia đêm sự kiện sẽ sử dụng hàng ngàn chiếc đèn Led không dùng pin thay thế những ngọn nến cá nhân vốn được dùng trong những sự kiện Giờ trái đất trước đây vốn bị đánh giá là không thân thiện với môi trường.
Hiện chiến dịch “Hành động cùng Một giờ Trái đất khác biệt” do Báo SGGP phối hợp với Ban điều phối chiến dịch toàn cầu 350.org tại Việt Nam tổ chức tại TPHCM đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ và đang lan rộng với quy mô lớn chưa từng có trên cả nước. Số lượng tình nguyện viên đăng ký tham gia đã lên tới hơn 10.000 người tại 12 tỉnh thành. Trong đó, chỉ tính riêng tại TPHCM, có hơn 4.000 tình nguyện viên.
UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng hưởng ứng
Hiện UBND TPHCM vừa có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng chiến dịch “Giờ trái đất 2012”. Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động các hộ dân, cửa hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất tham gia các hoạt động tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt hàng ngày và trong sản xuất kinh doanh; đồng loạt tắt đèn trang trí tại các biểu tượng của thành phố: nhà hát thành phố, trụ sở UBND thành phố, các viện bảo tàng, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm... từ 20h30 đến 21h30 vào tối thứ 7 ngày 31-3-2012 để hưởng ứng cùng với các quốc gia khác trên thế giới; tăng cường các chuyên mục, phóng sự… tuyên truyền và hướng dẫn các biện pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng điện hiệu quả trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh; đồng thời hướng dẫn và khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng tái tạo; tổ chức tuyên truyền bằng các hình thức trực quan sinh động như: treo phướn, băng rôn, áp phích, tờ bướm… tại các khu vực công cộng tập trung nhiều người qua lại với các thông điệp tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng và biến đổi khí hậu; vận động toàn thể nhân viên các cơ quan, đoàn thể và tổ chức… của thành phố cùng tham gia hưởng ứng chương trình bằng hành động thiết thực tại gia đình và nơi làm việc; khuyến khích các trường học xây dựng nội dung tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng gắn với biến đổi khí hậu cho học sinh các cấp và sinh viên các trường đại học, cao đẳng… trên địa bàn thành phố.
Có thể nói, chiến dịch Giờ trái đất đã và đang nhằm vận động sâu rộng cộng đồng cùng nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm trong việc tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng hiệu quả, tăng cường sử dụng năng lượng sạch, các nguồn năng lượng tái tạo, giảm phát thải CO2. Từ đó, góp phần giảm thiểu các tác hại do biến đổi khí hậu gây ra.
HOÀNG LAN