TPHCM đang phải đối mặt với những vấn đề về môi trường như biến đổi khí hậu (BĐKH), ô nhiễm môi trường, nguy cơ thiếu nước sạch do tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Làm thế nào để hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường đang là bài toán khó cho TPHCM.
Theo dự báo, TPHCM sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH. Cụ thể, lượng mưa được dự báo sẽ giảm trong mùa khô và tăng trong mùa mưa. Nhiệt độ trung bình được dự báo sẽ tăng là 1°C cho đến năm 2050 và 2,6°C cho đến năm 2100. Tương ứng với nhiệt độ tăng, mực nước biển dự kiến sẽ tăng 30cm cho đến năm 2050 và tiếp tục tăng trong khoảng 65 - 100cm vào năm 2100.
Như vậy, TPHCM sẽ chịu ảnh hưởng hỗn hợp các yếu tố tăng nhiệt độ, suy giảm chất lượng không khí và nguồn nước. Mực nước biển dâng lên kết hợp với triều cường sẽ tạo ra các đỉnh lũ cao hơn dẫn đến nguy cơ ngập lụt và nhiễm mặn tăng theo. Không dừng lại ở đó, hiện thành phố cũng đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm bởi chất thải, nước thải. Theo thống kê, mỗi ngày thành phố thải ra môi trường khoảng 7.000 - 8.000 tấn chất thải các loại. Trong khi việc xử lý chủ yếu là bằng biện pháp chôn lấp.
Đối với vấn đề xử lý nước thải, theo báo cáo, mỗi ngày thành phố có 600.000m³ nước thải nhưng chỉ có khoảng 60% tổng lượng nước này được xử lý sơ bộ. Còn lại được thải vào hệ thống chung dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng.
Trên thực tế, thời gian qua tại nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố cũng đang xảy ra tình trạng hệ thống nước thải bị quá tải do không theo kịp lượng nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất thực tế. Riêng các cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp thuộc nhiều ngành nghề như thực phẩm, dệt may, nhuộm, hóa chất, chế biến gỗ… hầu hết chưa có hệ thống nước thải.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hiện thành phố đã đặt mục tiêu về bảo vệ môi trường vào năm 2020 là phấn đấu 100% hộ dân đô thị được cấp nước sạch và hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới lên trên 1,74% tổng công suất tiêu thụ trên toàn thành phố; đảm bảo 95% các cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ có lưu lượng nước thải từ 10 m³/ngày đêm trở lên và 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp có chủ đầu tư cơ sở hạ tầng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung và có hệ thống quan trắc tự động nước thải…
Tuy nhiên, để có thể đạt được những mục tiêu này rất cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đơn cử như đẩy mạnh hoạt động chuyển giao và áp dụng các công nghệ mới, công nghệ sạch, sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải khí nhà kính; hoàn thành việc rà soát và bổ sung các tiêu chí thích ứng với biến đổi khí hậu vào các đồ án quy hoạch xây dựng và các quy hoạch ngành về sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững; kiểm soát cơ bản tất cả các nguồn thải, đảm bảo các chất thải được xử lý đúng quy định trước khi thải ra môi trường.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, nhất là tại các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động xen cài trong khu dân cư, các cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm cao và lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở đến địa điểm quy hoạch phù hợp.
MINH VĂN