TPHCM: nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu

30% doanh nghiệp gặp khó về thị trường
TPHCM: nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu

Hàng Việt Nam xuất khẩu tương thích thế nào với cơ chế, chính sách của thị trường nhập khẩu? Làm gì để tăng hàm lượng hàng có giá trị gia tăng cao? Bức tranh kinh tế hiện tại ảnh hưởng thế nào đến hàng xuất khẩu đó là những nội dung chính được trình bày trong “Diễn đàn xuất khẩu: cơ hội và triển vọng” do trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức vừa qua.

30% doanh nghiệp gặp khó về thị trường

Theo khảo sát của trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), hiện nay có khoảng 30% doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ hàng hóa; 23% đang rất cần những thông tin thị trường; 16% rất khó tiếp cận các nguồn tài chính để sản xuất kinh doanh; 13% gặp khó khăn về vận tải hàng hóa. Ngoài ra, các DN xuất khẩu thừa nhận còn yếu trong xây dựng thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp, quản lý đất, thuê nhà xưởng. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho biết, nhiều DN trong ngành đang thiếu đơn hàng trầm trọng. Riêng nhà máy của ông ở Bình Dương hiện chỉ chạy khoảng 50% công suất. Một khảo sát của Hawa ở 30 DN xuất khẩu ngành gỗ cho thấy chỉ có một DN cho biết có lãi 4 - 5%, một DN hòa vốn, phần lớn DN còn lại cho biết lỗ, chủ yếu do lãi vay ngân hàng quá cao. Theo các chuyên gia, sụt giảm đơn hàng, giá cả biến động, rủi ro về tỷ giá…là những khó khăn mà DN xuất khẩu tiếp tục phải đối mặt trong năm 2012.

Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho biết, tình hình xuất khẩu năm 2012 về con số có thể chưa đáng lo ngại nhưng điều quan trọng hiện nay không phải là tổng số hàng xuất khẩu được bao nhiêu, tăng trưởng thế nào, mà là năng lực cạnh tranh của các DN trong nước đang như thế nào. Hơn nữa, với tình hình suy giảm nhập siêu hiện nay thì phải lo cho xuất khẩu năm 2013 và những năm sắp tới. Con số nhập siêu chỉ 176 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, bằng 0,53% tổng kim ngạch xuất khẩu là hết sức thấp, biểu hiện sự khó khăn, đình trệ của nền kinh tế hiện nay. Ông Giá cho rằng, xu hướng kinh tế suy giảm sâu đang diễn ra từng ngày, từng giờ, mà việc giúp DN hoạt động hiệu quả để chống suy giảm kinh tế là nhiệm vụ cấp bách, bởi nó sẽ mang lại hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế và an sinh xã hội.

Cần nhiều hỗ trợ cho DN

Ông Trần Xuân Giá cho rằng, để DN có thể hoạt động hiệu quả thì phải nỗ lực hơn trong điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và Nhà nước cần hỗ trợ tích cực hơn nữa. Bên cạnh những hỗ trợ về thuế như đã công bố, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm giúp DN giảm chi phí sản xuất, cụ thể là bớt các loại phí phải nộp, nhất là với hiện trạng các loại phí vừa nhiều, vừa chồng chéo, vừa cao như hiện nay. Nhà nước cần thống kê toàn bộ các loại phí, có bao nhiêu loại trực tiếp và gián tiếp mà DN phải nộp. Trên cơ sở đó xóa những loại phí lỗi thời, không còn phù hợp. Đồng thời miễn, giảm có thời hạn một số loại phí và hoãn thi hành các loại phí mới.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Phó Nam Phượng, Giám đốc ITPC cho biết, dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư cũng đã xây dựng 5 gói hỗ trợ doanh nghiệp gồm: hỗ trợ tìm kiếm khách hàng và thị trường, cung cấp thông tin ngành hàng và dự báo thị trường, tìm nguồn vốn hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong thời gian tới, ITPC sẽ tiếp tục tăng cường tìm hiểu thông tin, những mặt hàng của Việt Nam có thế mạnh từ đó hoạch định chiến lược tiếp cận hiệu quả nhất. Ngoài ra, ITPC cũng sẻ tổ chức hàng loạt các hoạt động xúc tiến trong nước nhằm kết nối DN gặp gỡ trực tiếp các khách hàng nước ngoài. Chủ động cung cấp thông tin định kỳ cho DN từ các thị trường, nối mạng với các thương vụ để nắm bắt kịp thời nhu cầu tiêu dùng tại các nước. Từ đó có thể định hướng được hướng đi phù hợp cho các DN Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho biết, kinh tế thế giới năm 2012  tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Trong đó có các nước Châu Âu, Hoa Kỳ...vốn là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo thành phố đã đề ra nhiều giải pháp để thức đẩy kinh doanh và hỗ trợ thị trường. Trong đó đã chỉ đạo IPTC tổ chức Diễn đàn xuất khẩu 2012 nhằm cung cấp thông tin, định hướng thị trường tạo cơ hội kết nối giao thương cho DN trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung của thế giới và trong nước. Bên cạnh đó, các DN sẽ được cơ hội đối thoại với đại diện văn phòng thương mại, tham tán tùy viên kinh tế của các cơ quan đại diện ngoại giao các nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu. Trong thời gian tới, lãnh đạo thành phố sẽ luôn luôn đồng hành, chia sẻ tìm mọi biện pháp để giúp đỡ DN nhiều hơn nữa, để các DN không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn phát triển mạnh mẽ, góp phần thức đẩy kinh tế đất nước. Bà Hồng cho biết thêm.

Minh Hải

Tin cùng chuyên mục