TPHCM nhiều nỗ lực giải cứu doanh nghiệp

Phần lớn doanh nghiệp gặp khó về vốn
TPHCM nhiều nỗ lực giải cứu doanh nghiệp

Do không tiếp cận được nguồn vốn vay, đã có nhiều doanh nghiệp bị phá sản hoặc phải chấp nhận đi vay nóng để giải quyết những thương vụ nhỏ, còn đầu tư cho những dự án khả thi thì doanh nghiệp không có vốn… Tại buổi tọa đàm giữa doanh nghiệp và lãnh đạo các ngân hàng TPHCM vừa qua, đã có nhiều ý kiến, đại diện cho các doanh nghiệp bày tỏ sự bức xúc của mình trước tình trạng trên.

Đại diện các ngân hàng tham gia buổi gặp gỡ với doanh nghiệp

Đại diện các ngân hàng tham gia buổi gặp gỡ với doanh nghiệp

Phần lớn doanh nghiệp gặp khó về vốn

Ông Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Công ty Lưới thép Hoàng Toàn Tâm cho biết, cái khó lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là vấn đề vốn. Doanh nghiệp ông đi vay ngân hàng với lãi suất cao. Chỉ lo trả nợ ngân hàng thôi cũng đủ mệt rồi. Doanh nghiệp làm ăn không có lời. Trong lúc kinh tế khó khăn như thế này, doanh nghiệp chỉ mong ngân hàng giảm bớt lãi suất để doanh nghiệp có thể tồn tại. Ông Nguyễn Minh Luận, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Sáng tạo công nghiệp (sản xuất các linh kiện điện tử) cũng cho biết, cái khó lớn nhất của doanh nghiệp lúc này là nguồn vốn. Thị trường đầu ra cũng hạn chế vì nền kinh tế khó khăn chung. Không có đơn hàng, vì thế sản xuất cũng ngưng trệ. Để tiếp tục duy trì sản xuất, doanh nghiệp phải vay ngân hàng để cầm cự. Do lãi suất cao nên doanh nghiệp làm ăn không có lời.

Đồng cảnh ngộ này, bà Vũ Thị Hoài Sơn, Giám đốc Công ty TNHH TM Tân Nhất Hương bức xúc, là một công ty tư nhân chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp như sản phẩm từ sữa để sản xuất bánh kẹo, bột sữa hỗn hợp cũng như một số sản phẩm khác. Đặc biệt còn có các sản phẩm để xuất khẩu như khoai môn, khoai mỡ, ớt đỏ, đậu đỏ trúc, đậu xanh, đậu đen, hoa hồi... Tuy nhiên, khi đi làm thủ tục vay vốn ngân hàng thì bà nhận được câu trả lời là ngành nghề của bà không thuộc diện được vay ưu đãi.Vì thế doanh nghiệp hiện vẫn gặp nhiều khó khăn và không có khả năng mở rộng thị trường. Bà Lê Thị Nhi, chủ doanh nghiệp tư nhân Thiên Phước lại băn khoăn, hiện nay doanh nghiệp của bà đã cầm cố tài sản để thế chấp vay vốn ngân hàng. Bây giờ cần vốn để mở rộng kinh doanh sản xuất thì doanh nghiệp có được dùng tài sản đã thế chấp để vay tiếp không, có được vay với lãi suất ưu đãi không? 

Ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông nhìn nhận: Nguyên nhân các doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn ngân hàng là do đa số báo cáo tài chính của họ không minh bạch, rất nhiều doanh nghiệp không có hệ thống kế toán rõ ràng theo dõi sát sao số liệu… Cũng theo ông Linh, ngân hàng có những đánh giá rất chi tiết, cụ thể về những rủi ro tài sản mà người doanh nghiệp cầm trên tay. Nếu doanh nghiệp lưu ý đến việc này về vấn đề tài chính, số liệu, đặc biệt là tìm kiếm nguồn ra thì việc vay vốn ngân hàng không khó khăn như các doanh nghiệp đề cập.

Nhiều hỗ trợ từ ngân hàng

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TPHCM - cho biết, về lãi suất, gói hỗ trợ vốn ưu đãi doanh nghiệp của thành phố (hơn 20.000 tỷ đồng) trong 4 lĩnh vực (nông nghiệp nông thôn 3.800 tỷ, xuất khẩu 2.300 tỷ, doanh nghiệp vừa và nhỏ 11.700 tỷ, công nghiệp hỗ trợ 2.200 tỷ) đã được các ngân hàng thực hiện, điều chỉnh dần từ 14% đến nay còn 13%/năm. Về cơ cấu, hiện nay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, hàng tồn đọng ở kho nhiều, chưa có đầu ra, phương án sản xuất kinh doanh gặp khó bởi thị trường tiêu thụ, thị trường đầu ra còn nhiều khó khăn do đó nợ xấu, nợ quá hạn ngày càng tăng, đó cũng là lý do để các ngân hàng khó có thể cho vay tiếp được, đây là vòng luẩn quẩn, vì vậy cần phải có những giải pháp để tháo “nút thắt” này. Ông Dũng cho biết thêm, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang có nhiều chương trình giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn vay với giá ưu đãi để duy trì sản xuất như “Quỹ tín dụng ngân hàng”; “Quỹ doanh nghiệp vừa và nhỏ”; “Công ty đầu tư tài chính”.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lương Ngọc Quý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á cũng cho biết, ngoài các chính sách cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp như các ngân hàng khác, Ngân hàng Đông Á còn kết hợp với Hiêp hội Doanh nhgiệp trẻ TPHCM thành lập quỹ khoảng 1.000 tỉ đồng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay ưu đãi (trong đó có một số khoản vay không cần thế chấp tài sản). Ông Phan Linh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông cho biết, với mục đích khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng vốn vay đầu tư vào các dự án sản xuất kinh doanh hướng tới việc bảo vệ môi trường xanh, sạch, Ngân hàng Phương Đông sẽ hỗ trợ nguồn tài chính với lãi suất ưu đãi từ 0,5%/năm – 1%/năm cho các doanh nghiệp có đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại hướng đến phát triển xanh, phát triển bền vững. Lợi ích khi tiếp cận gói tín dụng này, ngoài việc được hưởng ưu đãi lãi suất, giảm thiểu được chi phí kinh doanh. Đồng thời doanh nghiệp cũng được hưởng lãi suất đầu vào ưu đãi trên chính chi phí tiết kiệm năng lượng.

Ông Nguyễn Trường Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM cũng chia sẻ: Trong tháng 6, UBND TPHCM đã chỉ đạo các Hiệp hội Doanh nghiệp thống kê số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để gửi cho Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, đơn vị này sẽ phân công cho các ngân hàng trên địa bàn giải quyết cho vay theo nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp đăng ký. Vì vậy, ông đề nghị các doanh nghiệp có thể liên hệ với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Sở Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM… để đăng ký vay vốn. Ông Nhân cho biết thêm, hiện tại Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ TPHCM cũng đang tiếp nhận các hồ sơ, nên doanh nghiệp có thể liên hệ.

Minh Hải

Tin cùng chuyên mục