Năm học 2014-2015, TPHCM đã ưu tiên dành hơn 70% mức chi thường xuyên (khoảng 9.000 tỷ đồng) tập trung đầu tư cho giáo dục. Theo dự báo của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), năm học 2015-2016, toàn thành phố sẽ tăng thêm 85.145 học sinh, trong đó tập trung nhiều ở hai bậc mầm non và tiểu học. Câu chuyện đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả học sinh đang là bài toán khó đặt ra cho các nhà quản lý.
Để giảm quá tải, TPHCM nỗ lực xây hơn 1.500 phòng học mới đưa vào sử dụng trong năm học 2015 - 2016. Ảnh: MAI HẢI
Giảm bán trú, hy sinh “chuẩn” quốc gia
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, để thực hiện mục tiêu giảm sĩ số bình quân học sinh/lớp, dự kiến trong năm học 2015-2016, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học sẽ giảm so với năm học trước. Cụ thể tại quận Thủ Đức, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Thủ Đức, cho biết với tình hình số lượng học sinh tăng thêm mỗi năm từ 4.500 - 5.000 em thì việc tổ chức bán trú cho học sinh không thể duy trì như trước. Toàn quận sẽ có khoảng 70% lớp học bán trú, sĩ số học sinh tiểu học vẫn ở mức cao với 45,7 học sinh/lớp, còn ở bậc THCS là 44 học sinh/lớp.
Tương tự tại quận Bình Tân, năm học qua toàn quận chưa có thêm trường chuẩn quốc gia nào do sĩ số học sinh/lớp quá đông, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày còn thấp, hiệu quả của yêu cầu đổi mới giáo dục ở các ngành học chưa đạt như mong muốn. Riêng ở huyện Bình Chánh, việc tăng dân số nhanh ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên và Bình Hưng trong khi tiến độ xây dựng trường chưa thể theo kịp đã khiến nhiều gia đình phải chấp nhận cho con đi học xa hoặc gửi vào các nhóm lớp ngoài công lập. Đây cũng là tình trạng quá tải chung của hầu hết quận, huyện trên địa bàn thành phố. Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận 1 chia sẻ: “Dù đã được công nhận chuẩn quốc gia từ nhiều năm nay, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, chúng tôi phải chấp nhận phá chuẩn vì nhu cầu gửi con của phụ huynh tăng cao. Nếu trường tuyển sinh theo đúng chuẩn thì sẽ có rất nhiều học sinh không có chỗ học, tội các cháu”.
Tại quận 11, đến nay hệ thống trường công lập vẫn chưa phủ kín ở 16 phường. Tại 2 phường chưa có trường tiểu học (3 và 13), học sinh phải qua học ở các trường đóng trên địa bàn các phường lân cận. Còn ở quận 10, bà Dương Thị Điệp, Phó Chủ tịch UBMTTQ quận 10, cho biết 100% các trường mầm non và tiểu học đã tổ chức bán trú cho học sinh. Tuy nhiên, ở bậc THCS, hiện chỉ có 3/8 trường có tổ chức bán trú.
Đẩy nhanh tiến độ xây trường
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, trong năm học 2015-2016 sẽ có thêm 1.518 phòng học mới đưa vào sử dụng, trong đó có 941 phòng kịp đưa vào sử dụng trước ngày khai giảng 5-9. Riêng đối với các dự án tham gia chương trình huy động vốn, cho vay đầu tư xây dựng trường mầm non trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 41/2014/QĐ-UBND ban hành ngày 26-11-2014 của UBND TPHCM, đã có 21 dự án khởi công xây dựng, 51 dự án khác đang tiếp tục hoàn chỉnh thủ tục để kịp khởi công trong năm 2015. Dự kiến tổng mức đầu tư các dự án tham gia chương trình là hơn 2.700 tỷ đồng. Ngoài ra, theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, đã có 6 dự án xây dựng trường mầm non tại các khu chế xuất - khu công nghiệp hoàn thành và đưa vào sử dụng, 21 dự án khác đang tiếp tục triển khai để tiếp nhận đối tượng là con công nhân các khu chế xuất - khu công nghiệp.
Qua đó cho thấy những nỗ lực rất lớn của thành phố trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp. Nhưng nói như chia sẻ của ông Lê Hoài Nam, tốc độ gia tăng dân số cơ học của TPHCM hiện nay quá lớn, dù 24 quận, huyện đều có hệ thống quy hoạch mạng lưới trường, lớp đến năm 2020 nhưng tại một số nơi, nhu cầu thực tế đã vượt xa dự báo gây khó khăn cho công tác quy hoạch. Chính vì lý do đó, bên cạnh những nỗ lực không ngừng của UBND TP, rất cần có thêm sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự chung tay của những cá nhân, tập thể ở hệ thống giáo dục ngoài công lập, để cùng chia sẻ nhiệm vụ đảm bảo điều kiện đi học tốt nhất cho người dân.
THU TÂM