TPHCM phải là đầu tàu trong tái cơ cấu kinh tế

Sáng 7-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với TPHCM về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2013; kế hoạch năm 2014 và công tác chuẩn bị tổ chức chăm lo Tết Giáp Ngọ năm 2014. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, cùng lãnh đạo các sở, ngành TP.
TPHCM phải là đầu tàu trong tái cơ cấu kinh tế

* Hoàn tất công tác chuẩn bị chăm lo tết

Sáng 7-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với TPHCM về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2013; kế hoạch năm 2014 và công tác chuẩn bị tổ chức chăm lo Tết Giáp Ngọ năm 2014. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, cùng lãnh đạo các sở, ngành TP.

        Đạt 21/25 chỉ tiêu

Báo cáo về những thành tựu đạt được trong năm 2013 của TPHCM, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: TP đã tập trung triển khai các giải pháp chủ động, linh hoạt để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho; góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từng bước đi vào chiều sâu, lạm phát được kiểm soát, các nguồn lực xã hội được phát huy, các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định… Trong đó, tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2013 ước tăng 9,3%. TP đạt được 21/25 chỉ tiêu năm 2013; 4 chỉ tiêu chưa đạt gồm: tốc độ tăng trưởng GDP, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ xử lý nước thải y tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm việc với TPHCM.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm việc với TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Đó là: Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu nội bộ các ngành còn chậm; tiềm năng, lợi thế của TP chưa được huy động; hạ tầng kỹ thuật và xã hội tuy được cải thiện đáng kể nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh. Nguồn vốn cho đầu tư phát triển bị hạn hẹp trong khi nhu cầu thực tế rất lớn. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực còn phân tán, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển hội nhập. Phát triển khoa học - công nghệ chưa thật sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. TP cũng nhìn nhận an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp. Công tác đấu tranh các loại tội phạm tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả xử lý kéo dài. Tai nạn giao thông tuy có kéo giảm nhưng chưa bền vững...

Tại buổi làm việc, TPHCM kiến nghị Thủ tướng sớm phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Ngoài ra, trong thời gian chờ điều chỉnh tỷ lệ điều tiết cho thời kỳ ổn định ngân sách mới, TP kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung một số cơ chế tài chính - ngân hàng đặc thù đối với TPHCM. Cụ thể như tăng mức thưởng vượt thu cho ngân sách TP đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP là 30%; tăng tỷ lệ tổng dư nợ các nguồn vốn huy động cho đầu tư các dự án, công trình thuộc nhiệm vụ đầu tư từ ngân sách TP trên tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách TP (không vượt quá 200% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm theo dự toán của HĐND TP quyết định).

TP cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ chính sách về phát triển khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) như: quy định cụ thể mức điều chỉnh giá thuê đất; có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất đối với phần đất quy hoạch cho dự án công nghệ cao, để từ đó TP có chính sách miễn, giảm cho doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao đầu tư vào KCX-KCN. Trước thực tế khu vực ngoại thành của TP còn nhiều khó khăn nên TP kiến nghị Thủ tướng cho các KCN thuộc các huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh) là những KCN được áp dụng chính sách miễn, giảm thuế.

        Tăng tỷ trọng công nghệ cao trong các lĩnh vực trọng yếu

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao về những thành tựu khá toàn diện mà TPHCM đạt được. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Trong lĩnh vực kinh tế, tôi đánh giá rất cao TPHCM đã có nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo. Nhờ vậy đã góp phần thiết thực cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát”.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cách làm sáng tạo của TPHCM ngay từ việc kiểm soát giá cả hàng hóa đã làm lợi cho dân, cho đất nước. Nhờ vậy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP luôn kéo giảm. Thủ tướng hoan nghênh mô hình bình ổn giá của TP từ việc hỗ trợ lãi suất tiến đến việc gắn kết doanh nghiệp với ngân hàng. Thủ tướng cũng đánh giá, nếu như thời điểm những năm 2008, 2009 tình hình tỷ giá ngoại tệ, giá vàng, lãi suất tại TPHCM hết sức gây go, thì nay vấn đề này đã được TPHCM kiểm soát tốt.

Đồng tình đánh giá của TPHCM về những mặt còn hạn chế, yếu kém, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, TPHCM đã đi được chặng đường 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội (2011-2015), mức tăng trưởng của TP có cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước nhưng vẫn chưa đạt so với kế hoạch đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân tích: Năm 2014, tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo sẽ cao hơn năm 2013. Cùng với thuận lợi là nền kinh tế trong nước đã có bước phục hồi và sự ổn định chính trị của đất nước, nên đây sẽ là thuận lợi để phát triển kinh tế của cả nước cũng như TPHCM - đầu tàu kinh tế của cả nước, trong năm 2014. Trước tình hình mới này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị TPHCM cần chỉ đạo tập trung, quyết liệt để đạt mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cao nhất của kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội mà TP đã đề ra. TPHCM phải tiếp tục chủ động kiểm soát được lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Trước tình trạng trộm cắp tài sản gia tăng ở địa bàn dân cư và vùng ven ngoại thành của TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo cả hệ thống chính trị TPHCM phải vào cuộc. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải giải bài toán này từ người dân, phải kiểm soát được tình hình đến từng hộ gia đình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng dành nhiều thời gian góp ý sâu cho tăng trưởng kinh tế của TP; trong đó phải gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ năng suất thấp sang năng suất cao, từ công nghệ thấp sang công nghệ cao. TPHCM phải là đầu tàu trong tái cơ cấu kinh tế. Phải tăng tỷ trọng công nghệ cao vào các lĩnh vực trọng yếu gồm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.

 Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, TPHCM phải thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn có công nghệ cao vào đầu tư. Và để tăng trưởng mạnh phải đột phá cơ chế, đột phá chính sách đầu tư, TP làm được như vậy mới thúc đẩy mạnh việc tái cơ cấu. Đối với tái cơ cấu đầu tư công, phải quản lý chặt chẽ, hiệu quả, đặc biệt là đầu tư hạ tầng.

Về các kiến nghị của TPHCM, hầu hết đều được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình. Tuy nhiên, TPHCM cần làm việc cụ thể với từng bộ, ngành để tính toán giải quyết từng nội dung cụ thể. Riêng đề xuất của TP về hỗ trợ chính sách đầu tư tại các KCX-KCN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, tạo cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào các KCX-KCN để môi trường đầu tư cạnh tranh được các nước trong khu vực. Ngoài chính sách chung, sẽ có cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể đối với những tập đoàn đầu tư lớn có hàm lượng công nghệ cao.

Hoàn tất công tác chuẩn bị chăm lo tết

Báo cáo với Thủ tướng về công tác chăm lo Tết Giáp Ngọ năm 2014, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ bản TP đã hoàn thành công tác chuẩn bị tổ chức chăm lo tết. Về hàng hóa, dự báo tăng khoảng 20% so với Tết Quý Tỵ năm 2013 nên tổng giá trị hàng hóa mà các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước, trong và sau Tết Giáp Ngọ năm 2014 là 7.581,7 tỷ đồng, tăng 40% so với Tết Quý Tỵ năm 2013; trong đó, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị bình ổn thị trường Tết Giáp Ngọ năm 2014 là 4.901 tỷ đồng, tăng 62% so với Tết Quý Tỵ năm 2013. Hàng hóa của chương trình bình ổn thị trường được phân phối thông qua 3.281 điểm bán, tăng 3.033 điểm bán so với năm 2008.

Chỉ còn hơn tháng nữa là đến Tết Giáp Ngọ năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo TPHCM phải giữ gìn trật tự, an toàn dịp tết; không để giá cả tăng đột biến; không để xảy ra cháy nổ, cướp giật...

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục