TPHCM phát triển kinh tế hướng Nam

Phát triển kinh tế biển
TPHCM phát triển kinh tế hướng Nam

Tiến về phía biển là một trong những hướng phát triển của TPHCM, đã được xác định rất rõ trong quy hoạch chung xây dựng TP vừa được Thủ tướng phê duyệt đầu năm 2010. Tuy nhiên, tiến ra phía biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng là việc cần được cân nhắc kỹ càng. Vì vậy, UBND TPHCM vừa quyết định cùng với TP Rotterdam (Hà Lan) tổ chức cuộc hội thảo bàn về giải pháp tiến ra biển bền vững, hiệu quả, dự kiến diễn ra trong 2 ngày 14 và 15-6.

 Phát triển kinh tế biển

Tiến ra biển là xuôi về hướng Nam, vùng đất thấp, trũng nhất của TPHCM. Cách đây hơn 10 năm, khi TPHCM xác định hướng phát triển về đây, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo, các đô thị nơi này có thể gây ảnh hưởng xấu đến việc thoát nước của TP. Đồng thời đây là quyết định không có lợi về mặt kinh tế khi xây dựng trên một vùng đất yếu đòi hỏi chi phí đầu tư cao.

Bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng SPCT. Ảnh: CAO THĂNG
Bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng SPCT. Ảnh: CAO THĂNG

Tất cả băn khoăn đó không phải không có lý sau thực tế triển khai. Tuy nhiên, phát triển đô thị không đơn thuần như giải bài toán môi trường. Kinh nghiệm phát triển đô thị ở nhiều quốc gia cho thấy, đó phải là bài toán tổng hòa của rất nhiều mối quan hệ, từ kinh tế, môi trường, xã hội đến các yếu tố văn hóa, lịch sử.

Từ khi thương cảng Sài Gòn ra đời tại bến Nhà Rồng hơn 100 năm trước đến nay, kinh tế biển luôn có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển của Sài Gòn - TPHCM. Hiện nay, khoảng 80% lượng container đến Việt Nam đều cập hệ thống thương cảng của TPHCM. Phần lớn hàng nông sản của miền Tây Nam bộ đều xuất ra nước ngoài qua cảng Sài Gòn, Tân Cảng, Bến Nghé… ở TPHCM. Thuế xuất nhập khẩu thu được tại hải quan các cảng của TPHCM đã đạt khoảng 40.000 tỷ đồng/năm. Sự sôi động của kinh tế biển đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Hiệu quả to lớn từ hoạt động của các cảng biển rõ ràng trở thành vấn đề không thể xem nhẹ trong quá trình phát triển của TP.

Chính vì vậy, khi buộc phải di dời hệ thống cảng biển ra khỏi nội thành nhằm giải quyết vấn nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường, TPHCM đã phải tính tới việc đầu tư phát triển hệ thống cảng biển mới ở khu vực phía Nam. Động thái này, nếu nhìn ở bình diện chung, không chỉ một sự cân nhắc riêng cho TPHCM mà còn cho cả nước, bởi hiện nay TP vẫn là địa phương đóng góp lớn nhất vào ngân sách trung ương.

Hệ thống cảng biển mới này lấy sông Soài Rạp làm luồng tàu biển chính thay cho sông Lòng Tàu - vốn là luồng tàu biển chính cho hệ thống cảng biển nằm sâu trong nội thành. So với luồng sông Lòng Tàu, luồng sông Soài Rạp gần biển hơn (khoảng 30km, tính từ phao số 0 đến cảng). Do vậy, phát triển ở phía Nam, cụ thể là ở khu vực Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, hệ thống cảng biển TPHCM không những giữ vững được thế mạnh của mình mà còn có điều kiện phát triển tốt hơn so với khi còn ở nội thành.

Hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường

Cảnh báo của các nhà khoa học đã được TP quan tâm. Nhiều quy hoạch phát triển đô thị và cảng biển ở đây đã được xem xét đến các yếu tố bảo vệ môi trường. “Đô thị sinh thái” là tiêu chí của hầu hết đô thị ở khu Nam. Đặc biệt, đô thị cảng Hiệp Phước - đô thị lớn nhất khu Nam, được xác định hình thành để hỗ trợ cho sự phát triển của hệ thống cảng biển.

Dù đang lập quy hoạch chi tiết 1/2.000, song theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, đó sẽ là một đô thị nén, đất đai phần lớn được dành vào việc bảo tồn tự nhiên. Ông Phan Hồng Quân, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), chủ đầu tư đô thị cảng Hiệp Phước, cho biết, với sự giúp sức của thành phố, IPC sẽ giải phóng mặt bằng và đấu thầu chọn nhà đầu tư. Chỉ có những nhà đầu tư có thực lực mới được chọn để đảm bảo cho việc xây dựng đô thị đúng quy hoạch. Hệ thống cảng biển ở đây đã và đang được xây dựng theo hướng hiện đại hơn. Ví dụ, hầu hết công tác điều hành cảng SPCT (liên doanh giữa IPC và tập đoàn Dubai World), cảng container có thể đón tàu 80.000 tấn được tự động hóa nhằm hạn chế tối đa các tiêu cực.

Một vấn đề đáng lo ngại hiện nay trong việc phát triển đô thị về hướng Nam là sự… ăn theo của nhiều khu dân cư mới. Hầu hết khu dân cư này đều được xây dựng với mật độ rất dày, nhiều nhà cao tầng trong khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật: giao thông, cấp - thoát nước chưa tương thích mà lại “bám” theo hạ tầng của Phú Mỹ Hưng. Nếu không chấn chỉnh kịp thời, trong tương lai không xa e rằng hệ thống hạ tầng của Phú Mỹ Hưng sẽ quá tải vì những khu dân cư này. Đến lúc đó, không chỉ khu Nam phải đối mặt với nạn kẹt xe, ngập nước mà bài toán thoát nước của cả TPHCM sẽ thêm nan giải, vì hướng Nam vẫn là hướng thoát nước chính.

Hơn lúc nào hết, phát triển về hướng Nam, một quyết định đúng nhưng kèm theo đó TPHCM phải có những quyết sách bảo vệ môi trường, quản lý thực hiện quy hoạch thật nghiêm trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động đến nước ta. 

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục