

Tuần qua, một đô thị hiện đại rộng tới gần 350 ha do Công ty TNHH một thành viên Phát triển GS Nhà Bè đầu tư đã được chấp thuận tại Nhà Bè. Động thái này xảy ra đúng lúc Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) - một trong những nhà tư vấn lớn trên thế giới được Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM ký hợp đồng tư vấn (với sự cho phép của UBND thành phố) hỗ trợ thành phố nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến 2025, đưa ra lời khuyên: hạn chế phát triển đô thị ở những vùng đất xấu (về địa chất). Điều này buộc người dân thành phố phải đặt câu hỏi: Đã chi ra hơn 1 triệu USD (thuê Nikken Sekkei) để có được những lời tư vấn, tại sao TPHCM vẫn đang tấp nập phát triển về hướng Nam, gồm quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ - vốn là vùng đất có địa chất xấu (cho xây dựng): trũng và nền đất yếu? Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trao đổi với ông Hoàng Minh Trí, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM xung quanh vấn đề này.
- Phóng viên: Có vẻ như TPHCM không quan tâm lắm đến những đề xuất của tư vấn Nikken Sekkei?
Ông HOÀNG MINH TRÍ: Đúng là tư vấn Nikken Sekkei có đưa ra khuyến cáo hạn chế phát triển đô thị ở những vùng đất xấu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không thể phát triển TP về hướng đó. Vấn đề là tìm ra mô hình đô thị phát triển cho phù hợp với vùng đất ấy. Chính tư vấn Nikken Sekkei cũng đã đề xuất một mô hình phát triển cho những vùng đất xấu, đó là hình thành khu đô thị theo dạng cụm trên cơ sở bảo vệ hệ thống kênh, rạch, phát triển thêm mảng xanh, cấm xây dựng tại những khu vực dự trữ sinh quyển, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng… Các dự án của GS Nhà Bè… đều đề xuất quy hoạch đô thị theo dạng này và là những đô thị sinh thái.
- Dù là đô thị kiểu gì đi chăng nữa nhưng chi phí đầu tư xây dựng ở vùng đất yếu cũng cao hơn chi phí xây dựng ở vùng đất tốt (đất cứng). Vậy lý do gì việc đầu tư ở hướng Nam lại sôi động hơn hẳn những nơi được coi là có địa chất tốt (cho xây dựng) của thành phố như hướng Bắc, Đông-Bắc (bao gồm huyện Củ Chi, Hóc Môn)?
Nhiều khu đô thị mới đã được hình thành ở khu vực phía Nam của thành phố, đặc biệt đô thị Phú Mỹ Hưng đang được đề xuất là đô thị kiểu mẫu của cả nước. Và trong tương lai, tại đây sẽ hình thành thêm một đô thị nữa: đô thị cảng Hiệp Phước mà dự kiến cũng rất hiện đại, rất đẹp bởi chủ đầu tư là Công ty Phát triển khu công nghiệp Tân Thuận đã được thành phố cho phép tổ chức thi quốc tế để tìm ý tưởng quy hoạch cho đô thị này. Nhiều khu công nghiệp đã hình thành ở đây, một khu cảng biển quốc tế đang được xây dựng… Tất cả những điều ấy làm nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư. Do vậy, địa chất xấu đúng là một vấn đề nhưng có lẽ đấy chỉ là vấn đề nhỏ so với những tiềm năng của vùng đất này.
- Nhưng các đô thị ở khu vực này - sức hấp dẫn ở đây, không phải tự nhiên mà hình thành. Thành phố đã có những chủ trương thu hút đầu tư cho khu vực phía Nam hơn những nơi khác?

Một góc khu đô thị Phú Mỹ Hưng - Nam Sài Gòn. Ảnh: CAO THĂNG
Theo đồ án quy hoạch chung TPHCM đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998, TPHCM sẽ phát triển ra 3 hướng, trong đó 2 hướng chính là hướng Đông và hướng Nam (hướng ra biển) và hướng phụ là Bắc, Tây-Bắc. Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến 2025 một lần nữa xác định lại 3 hướng phát triển này và có bổ sung thêm một hướng phụ về phía Tây, Tây-Nam thành phố. Như vậy, việc thành phố chủ trương thu hút đầu tư về hướng Nam là hoàn toàn phù hợp với quy hoạch. Cùng với hướng Nam, hướng Đông cũng đang được khẩn trương đầu tư. Ở đây, đã có đô thị mới Thủ Thiêm, khu công nghệ cao và kèm theo đó là đô thị khoa học công nghệ, khu đại học quốc gia… Hướng phụ Bắc, Tây-Bắc đã có dự án khu đô thị Tây - Bắc trên địa bàn huyện Hóc Môn và Củ Chi.
- Khi định hướng phát triển ra hướng Nam vào năm 1998, TPHCM có lưu ý đây là vùng đất yếu, trũng?
Quy hoạch năm 1998 vì nhiều lý do, nên chưa có những số liệu đầy đủ về địa chất, thủy văn, địa chất công trình của từng khu vực để từ đó xác định những khu vực thuận lợi và ít thuận lợi cho xây dựng. Tuy nhiên, với lần điều chỉnh này, chúng tôi đã đi sâu nghiên cứu những vấn đề trên nhằm tìm ra mô hình đô thị phù hợp cho vùng đất xấu ở phía Nam và mô hình phù hợp cho vùng đất tốt ở phía Bắc thành phố.
- Trong khi thành phố điều chỉnh quy hoạch chung thì các nhà đầu tư vẫn đến với khu vực phía Nam của thành phố. Ông có nghĩ rằng, đến khi thành phố điều chỉnh xong quy hoạch, thì nơi đây đã xuất hiện hàng loạt đô thị… chẳng còn đất để phát triển cho những mô hình đô thị mới mà quy hoạch (điều chỉnh) đề xuất?
TPHCM đã 2 lần lập quy hoạch chung và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lần thứ 1: Đồ án Quy hoạch tổng thể xây dựng TPHCM được phê duyệt tại Quyết định 20/QĐ-TTg ngày 16-1-1993. |
Theo kế hoạch đến cuối năm nay, việc điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến 2025 phải hoàn thành. Tuy nhiên, hiện nay nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Căn cứ vào nhiệm vụ này, vốn cũng đã lưu ý đến các vấn đề về địa chất, thủy văn cùng những đề xuất của tư vấn Nikken Sekkei, chắc chắn thành phố sẽ có những quyết sách hợp lý cho việc phát triển đô thị ở vùng đất yếu. Không phải ngẫu nhiên mà các dự án của GS ở Phước Kiển, Nhà Bè là đầu tư xây dựng đô thị sinh thái.
- Tất nhiên, TPHCM đang làm đúng theo quy hoạch được duyệt. Thế nhưng, tại sao cứ nhất quyết phải phát triển ra hướng Nam? Một vùng đất trũng, yếu?
TPHCM cần phát triển ra cả 4 hướng nhằm mở rộng mối quan hệ liên kết và hỗ trợ phát triển với các tỉnh xung quanh; mở rộng không gian phát triển theo hướng hòa nhập, không phụ thuộc ranh giới hành chính nhằm giảm áp lực vào khu vực nội thành cũ. Hướng Nam có biển, điều ấy có nghĩa là thành phố sẽ phát triển được cảng. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng thành phố thành một trung tâm kinh tế của cả nước. Hơn nữa, nhìn ở góc độ quốc gia, phát triển cảng ở phía Nam (khu vực Hiệp Phước) hoàn toàn phù hợp với quy hoạch cụm cảng số 5 (bao gồm các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và TPHCM) mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
- Cám ơn ông.
Nguyễn Khoa