Quần áo thời trang, mỹ phẩm, phụ kiện làm đẹp (đồng hồ, dây chuyền, bông tai…) bán tự do trên nhiều tuyến đường, góc phố, cửa hàng TPHCM bất chấp cảnh báo về khả năng gây mẩn đỏ, viêm nhiễm, dị ứng… Người tiêu dùng như con thiêu thân lao vào làm đẹp mà không lường trước được những hiểm họa rình rập sức khỏe.
Bán tràn lan
Sau vụ nữ trang Trung Quốc bị phát hiện chứa nhiều chất độc hại (chì, cadmi) đối với sức khỏe người sử dụng, thị trường nữ trang tại TPHCM tạm chững lại, chuyển sang bán chui. Tuy vậy, thời điểm này, các mặt hàng nữ trang độc hại xuất xứ Trung Quốc được bán công khai, tràn ngập tại các cửa hàng gần chợ Bình Tây (Q.6); một số chợ truyền thống trên địa bàn Q.10, Q.5, Q.3.
Theo nhân viên bán hàng xi mạ tên Mai (thuộc cửa hàng trang sức đối diện cổng chợ Bình Tây), hàng chủ yếu được thương lái đánh về tỉnh với số lượng lớn. Giá lắc tay xi trắng đính hạt 30.000 đồng/chiếc; giá bỏ sỉ khoảng 25.000-26.000 đồng/100 chiếc; bông tai bán lẻ mạ vàng giá 15.000-30.000 đồng/đôi, phụ thuộc màu sắc, độ tinh xảo của sản phẩm. Mặc dù trên mác ghi chi chít tiếng Trung Quốc, nhưng người bán vẫn nói tránh thành hàng Hồng Kông, Thái Lan…. và khẳng định sản phẩm được gia công tại Trung Quốc, công nghệ của Ý, Ấn Độ…
Đáng chú ý, trước đây, thông tin về quần áo Trung Quốc có chứa formaldehyde (tác dụng làm mềm vải, nhưng gây độc hại khó lường cho người dùng) ở ngưỡng nguy hiểm, gây xôn xao dư luận khiến cơ quan chức năng lên kế hoạch kiểm soát gắt gao. Tuy vậy, sau khi mọi việc chìm lắng, sai phạm lại tràn lan. Bằng chứng là nhiều mặt hàng quần áo bán xôn, nhuộm hóa chất đậm đặc dọc tuyến đường Nguyễn Trãi (Q.5), đường Thành Thái (Q.10), chợ Hồ Thị Kỷ (Q.10), đường Trường Chinh (Q.Tân Bình)… vẫn thu hút hàng trăm lượt khách mỗi ngày.
Tại cửa hàng chuyên bán đồ lót đêm thuộc chợ Hồ Thị Kỷ (Q.10) và xung quanh chợ Hòa Bình (Q.5) có tới hàng chục kiểu dáng, chủng loại. Sản phẩm có màu sắc bắt mắt, giá dao động từ 40.000-100.000 đồng/áo; 10.000-15.000 đồng/quần. Người bán hàng thừa nhận hầu hết sản phẩm được nhập từ Trung Quốc, nhưng đảm bảo sản phẩm không ra màu, chất lượng tốt. Để kiểm chứng, chúng tôi thử mua về 2 sản phẩm và ngâm vào nước thường (không trộn bột giặt) khoảng 2 giờ trôi qua đã thấy sản phẩm phai màu. Nước có mùi khét nồng của vải nhuộm.
Ngoài ra, các sản phẩm đồng hồ xi mạ, mỹ phẩm được bày bán nhan nhản tại các chợ truyền thống hoặc các góc ngã ba, ngã tư (khu vực chợ Bình Tây Q.6, Hồ Thị Kỷ Q.10, tuyến đường Minh Phụng Q.6…). Đôi lúc được đổ đống như hàng rau, củ. Nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như Essance, Maybelline, Revlon... cũng được dàn hàng dài trên lối dành cho người đi bộ; giá bán mỗi sản phẩm chỉ bằng 20%-30% so với sản phẩm bán tại siêu thị.
Khó kiểm soát chất lượng
Ghi nhận tại nhiều cửa hàng bán đồ trang sức xi mạ, câu hỏi quen thuộc của khách hàng với người bán thường là: sản phẩm có dị ứng không, dùng có bị ngứa không… Tương tự, đối với cửa hàng bán quần áo, câu hỏi sẽ là sản phẩm có ra màu không…Tuy nhiên, câu trả lời cho người tiêu dùng thường là lấp lửng cho qua chuyện.
Chị Lê Hoài Thu, nhân viên văn phòng (ngụ tại Q.Tân Bình) tâm sự, vừa qua chị có đeo một sợi dây chuyền xi mạ bán tại chợ Bình Tây. Sau khi đeo khoảng 3 ngày, vùng da cổ của chị nổi rộp, sần sùi, bong tróc nhưng không ngứa. Quá lo sợ, chị Thu ngừng đeo chiếc dây chuyền trang sức trên, khoảng vài ngày sau, vùng da nổi rộp cũng tự biến mất.
Theo một cán bộ Đội QLTT 4A, các sản phẩm xi mạ bán tràn lan, không rõ nguồn gốc luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Riêng đối với mặt hàng quần áo lót (nhuộm màu sặc sỡ, gây nguy hiểm lâu dài cho người dùng), đội QLTT 4A từng bắt giữ và tiêu hủy rất nhiều, nhưng tình trạng bán hàng vẫn diễn ra.
Ông Đặng Văn Đức- Chi cục trưởng Chi cục QLTT- cũng thừa nhận việc đấu tranh chống các mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc là vấn đề nan giải, cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều ban ngành. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là lực lượng quản lý thị trường bó tay.
Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2012, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý gần 11.000 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu; xử lý 8 vụ đồng hồ treo tường, đồng hồ đeo tay nhập lậu với số lượng trên 32.000 sản phẩm…
Đáng chú ý, vừa qua Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã kiểm tra, phát hiện tại một địa chỉ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh) chứa mặt hàng kem săn nở ngực collagen hiệu Angilina (loại 50g/hộp). Trên nhãn hàng hóa ngoài thông tin của công ty Việt Nam, còn ghi "product of U.S.A”.
Theo QLTT, thông tin này không đúng với nguồn gốc của hàng hóa. Đại diện công ty mỹ phẩm giải thích: "product of U.S.A” không phải là xuất xứ từ Mỹ mà là công nghệ của Mỹ (?). Người tiêu dùng sử dụng mỹ phẩm của công ty này đã bị dị ứng nặng và khiếu kiện lên AFCA (Hội chống gian lận thương mại và Hỗ trợ người tiêu dùng TPHCM).
Theo Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng, Trưởng Khoa điều trị 1, Bệnh viện Da liễu TPHCM, viêm da tiếp xúc có hai loại: viêm da kích thích và viêm da dị ứng. Trong đó, viêm da kích thích khá phổ biến. Tác nhân gây bệnh do tiếp xúc với hóa chất có nồng độ cao, các chất bay trong không khí tác dụng lên da… Ví dụ một số người thợ gội đầu thường bị ngứa ngáy, kích thích nhẹ trên da tay; hoặc những thợ phụ hồ thường xuyên tiếp xúc với xi măng cũng bị kích thích da.
Bên cạnh đó, có những người lại rất dễ bị viêm da dị ứng do đeo trang sức (bông tai, dây chuyền, đồng hồ), mặc quần áo, sử dụng mỹ phẩm. Biểu hiện dễ nhận thấy là nổi mụn nước, viêm đỏ da... gây ngứa ngáy, khó chịu tại chỗ tiếp xúc; thậm chí lan rộng toàn thân. Một số chất thường gặp, dễ gây dị ứng như nickel (đồng hồ); formaldehyde (có trong quần áo, bao bì nhựa…); propylene glycol (dùng trong mỹ phẩm, có tác dụng giúp sản phẩm lâu hỏng)…Thông thường các trường hợp viêm da tiếp xúc sẽ tự khỏi, nhưng cũng có trường hợp kéo dài dai dẳng.
Trên thực tế, có những sản phẩm tên tuổi vẫn gây viêm da tiếp xúc, do vậy bên cạnh việc các cơ quan chức năng đang tăng cường thanh kiểm tra, xử lý thì người sử dụng nên thận trọng khi chọn mua những sản phẩm này. Trong mọi trường hợp, nếu phát hiện bị viêm da tiếp xúc hãy ngưng sử dụng sản phẩm.
Với quần áo mới mua về nên giặt, phơi nắng thật kỹ trước khi mặc. Tốt nhất, hãy tới bệnh viện da liễu khám bệnh nếu có biểu hiện viêm da tiếp xúc để có hướng điều trị kịp thời” – Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng tư vấn.
NGUYỆT ÁNH