Sản xuất xanh, tiêu dùng xanh không những làm cho doanh nghiệp có lợi vì tiết kiệm được chi phí sản xuất mà xét về khía cạnh chất lượng môi trường cũng rất có lợi nhờ giảm thiểu chất thải phát sinh ra môi trường. Xuất phát từ thực tế đó, năm 2014, TPHCM sẽ tập trung nội lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất xanh tại doanh nghiệp cũng như tiêu dùng xanh trong cộng đồng.
Lợi kép
Ông Hà Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết, sản xuất chỉ được coi là xanh và bền vững khi áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới, sáng tạo trong thiết kế và cải tiến sản phẩm, cũng như chú trọng đến quá trình sản xuất như khuyến khích áp dụng sinh thái công nghiệp, sản xuất sạch hơn, sản xuất xanh, thiết kế sản phẩm bền vững, đánh giá vòng đời sản phẩm. Còn tiêu dùng xanh là cách cộng đồng thực thi quyền của người tiêu dùng. Nghĩa là họ áp dụng cách thức tiêu dùng giúp giảm đi lượng nguyên liệu và mức độ năng lượng cho một đơn vị sản phẩm. Ở cấp độ thấp hơn, tiêu dùng xanh cũng có thể được thực hiện dưới hình thức vận động cộng đồng ưu tiên tiêu dùng sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Đó cũng là cách để họ khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn hoạt động sản xuất xanh.
Trên thực tế, việc thực hiện sản xuất xanh đem lại lợi nhuận kép cho doanh nghiệp. Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM cho biết, phần lớn công nghệ sản xuất tại doanh nghiệp trong nước khá lạc hậu. Bản thân doanh nghiệp chưa thể thay thế công nghệ mới do nội lực tài chính yếu. Tuy nhiên, hiện chưa cần đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ sản xuất mà chỉ cần điều chỉnh một chút trong công nghệ cũng như sắp xếp lại quy trình sản xuất như bọc bảo ôn, hoặc tận dụng nhiệt lò đốt để gia nhiệt nguồn nước, tận dụng nguồn nước giải nhiệt… cũng đã có thể tiết kiệm được 20% - 30% chi phí sản xuất. Đó là chưa kể, cùng với xu thế phát triển kinh tế hiện nay, để có thể mở rộng thị trường, ngoài yếu tố đầu tiên là chất lượng sản phẩm, thì yếu tố kế đến không kém phần quan trọng là phát triển xanh, bền vững. Hay đúng hơn đó là rào cản kỹ thuật mà trong đó các quy định bắt buộc phần lớn rơi vào yếu tố bảo vệ môi trường.
Kích hoạt đồng bộ
Lợi ích đã thấy rõ nhưng cho đến nay số lượng doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất xanh còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do chi phí đầu tư ban đầu cho công nghệ sạch tốn kém hơn nhiều lần so với đầu tư thông thường. Không dừng lại đó, tâm lý người dân khi thực hiện hành vi tiêu dùng vẫn chưa chú trọng đến yếu tố xanh của sản phẩm. Tiêu chí lựa chọn hàng đầu của người dân vẫn xếp theo thứ tự ưu tiên là chất lượng, giá thành và cuối cùng mới đến yếu tố xanh. Mặt khác, việc thông tin sản phẩm xanh còn hạn chế đã khiến cho việc nhận diện loại sản phẩm này đến người dân còn ít nên chưa được ưu tiên tiêu dùng. Điều này đã tạo nên rào cản kép khiến cho sản xuất xanh, tiêu dùng xanh bị hạn chế phát triển trong thời gian qua.
Để giúp doanh nghiệp cũng như cộng đồng khắc phục rào cản kép trên, trong thời gian tới, liên quan đến hoạt động sản xuất xanh, Sở Tài nguyên và Môi trường TP sẽ đồng loạt triển khai nhiều chương trình như hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng công nghệ, giải pháp sản xuất sạch. Đi kèm với giới thiệu nguồn quỹ hỗ trợ vốn, sở sẽ tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, tư vấn triển khai áp dụng sản xuất sạch hơn với từng doanh nghiệp có nhu cầu. Đặc biệt, từng bước xây dựng mạng lưới chuyên gia sản xuất sạch hơn để tiến tới áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn đa dạng trên nhiều lĩnh vực hoạt động sản xuất. Hiện nay, sở đang triển khai, khảo sát, đánh giá và hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất sạch hơn cho 56 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực thực phẩm, thủy sản, nhựa…
Riêng đối với hoạt động tiêu dùng xanh, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, sẽ đẩy mạnh chương trình cấp nhãn sinh thái. Hiện nay, bộ đã công bố tiêu chí sản phẩm xanh đối với các loại sản phẩm là bột giặt, bóng đèn huỳnh quang, bao bì tự phân hủy sinh học, bao bì giấy tổng hợp và vật liệu xây dựng. Trong thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục công bố tiêu chí cấp nhãn xanh cho các loại sản phẩm khác liên quan đến ngành hàng hóa mỹ phẩm, văn phòng phẩm và các loại sơn tường. Cùng với việc ngày càng hoàn thiện tiêu chí xanh cho các loại hàng hóa, bộ cũng sẽ thúc đẩy hoạt động dán nhãn kết hợp với thông tin các sản phẩm thân thiện môi trường đến toàn xã hội. Xây dựng lộ trình từ nay đến năm 2020 áp dụng giải pháp mua sắm xanh. Trong đó, riêng với chi tiêu công sẽ bắt buộc phải thực hiện ưu tiên mua sắm và sử dụng hàng hóa có dán nhãn sinh thái, hàng hóa có khả năng tái chế. Riêng tại TPHCM, từ năm 2010, những chương trình nhằm thúc đẩy tiêu dùng, mua sắm xanh đã được đẩy mạnh. Cho đến nay, ý thức tiêu dùng sản phẩm xanh đã bắt đầu định hình trong cộng đồng dân cư. Và trong năm 2014, cùng với sự ra quân đồng bộ của các cơ quan chức năng, tác động hai chiều cả về hoạt động sản xuất lẫn tiêu dùng, chắc rằng xu hướng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh sẽ không còn xa. Vậy doanh nghiệp sẽ chủ động đón xu hướng này như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động tiếp cận giải pháp sản xuất sạch hiện nay.
MINH XUÂN