(SGGP).- Ngày 26-11, trong chương trình đối thoại với chính quyền với chủ đề “Chăm lo tết cho người lao động” do Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM tổ chức, ông Vương Phước Thiện, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM (Hepza), cho biết, năm nay Công đoàn Hepza sẽ dành 6.000 vé xe cho công nhân về quê ăn tết (tăng 1.000 vé so với năm ngoái).
Theo đó, các chuyến xe sẽ khởi hành từ ngày 25 đến 27 tháng Chạp (Âm lịch). Đối tượng thụ hưởng là những công nhân 3 năm liền không có điều kiện về quê, có đời sống khó khăn... Công đoàn Hepza cũng tặng 1.500 phần quà cho công nhân không có điều kiện về tết, công nhân mất việc…
Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM đang vận động khoảng 1.000 vé xe cho công nhân về tết và 500 phần quà cho công nhân không có điều kiện về tết. Trung tâm sẽ tặng 5.000 vé đi chơi tết tại các công viên, khu du lịch văn hóa cho công nhân.
Hội Phụ nữ TPHCM cũng cho biết, ngoài 1.200 phần quà trao cho công nhân, hội còn phối hợp với các chủ nhà trọ tổ chức các chương trình giao lưu, tổ chức các trò chơi, gói bánh chưng, nấu ăn trong ngày tết cho công nhân. Sài Gòn Co.op còn triển khai 150 điểm bán hàng lưu động bình ổn bình ổn giá tại các KCX-KCN, các cụm công nghiệp, nơi có nhiều công nhân sinh sống, với 10 mặt hàng thiết yếu như gạo nếp, dầu ăn, rau củ quả… Các chuyến hàng lưu động này sẽ được triển khai từ ngày 8 đến 18-1-2012.
Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, cho biết, ngoài các chính sách hỗ trợ công nhân về quê ăn tết, LĐLĐ TPHCM còn chỉ đạo các cấp công đoàn cơ sở phối hợp với các nhà trọ, doanh nghiệp, địa phương nơi họ tạm trú để tổ chức chăm lo tết tốt hơn cho người lao động. Năm nay, LĐLĐ TP sẽ tổ chức họp mặt và đón tết sớm cho 500 gia đình công nhân không có điều kiện về tết…
TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước có văn bản đốc thúc các doanh nghiệp báo cáo tình hình thưởng tết. Sở LĐTB-XH TPHCM cũng yêu cầu các doanh nghiệp thông tin đầy đủ, kịp thời cho người lao động kế hoạch trả lương, trả thưởng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm 2012, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng dẫn đến nguy cơ tranh chấp và bất ổn trong quan hệ lao động.
Theo đánh giá sơ bộ, năm nay, tại khu vực doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn có sự chênh lệch quá xa giữa lương cán bộ quản lý và người lao động. Đã có doanh nghiệp, ngân hàng liên doanh, cổ phần hiện nay trả lương cho các chức danh lãnh đạo khoảng 100 triệu đồng/tháng, một số trả trên 200 - 300 triệu đồng/tháng. Lương giám đốc người nước ngoài điều hành khách sạn 5 sao khoảng 7.000 - 10.000 USD/tháng, cơ trưởng hàng không 15.000 USD/tháng, chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí khoảng 13.000 - 15.000 USD/tháng…
Trong khi đó, tiền lương bình quân của người lao động ngay tại những doanh nghiệp này chỉ đạt 5 - 7 triệu đồng/tháng, lao động phục vụ chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng.
H.THU - P.VĂN