TPHCM: Tập trung đầu tư các dự án KH-CN trọng điểm

Hoạt động KH-CN tại TPHCM luôn đặt mục tiêu hàng đầu góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề “nóng” của TP. Theo ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, thấy rõ nhất là hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ. Trong năm qua, TP đã tổ chức 13 chương trình nghiên cứu khoa học giai đoạn 2011-2015 phục vụ các ngành kinh tế - xã hội đồng thời phát triển các lĩnh vực KH-CN trọng điểm như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin - điện tử và GIS, cơ khí - tự động hóa và vật liệu mới.

Cụ thể hơn là nghiên cứu và làm chủ công nghệ năng lượng mới như sản xuất nhiên liệu diesel nhũ tương sử dụng cho các phương tiện vận tải, tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; năng lượng sinh học (biodiesel, bioethanol); năng lượng sạch (năng lượng mặt trời, phong điện), đồng thời đề xuất chính sách khuyến khích phát triển các dạng năng lượng mới (năng lượng mặt trời, năng lượng gió và nhiên liệu sinh học) làm tiền đề cho việc quy hoạch phát triển năng lượng của TP trong những năm tới. Hoàn thành xây dựng “Chương trình nghiên cứu KH-CN thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2030”; xây dựng mô hình tính toán một số thông số dưới tác động của biến đổi khí hậu phục vụ quy hoạch sử dụng đất, giao thông, tài nguyên nước và hạ tầng cơ sở cho TP.

Với chủ trương tăng cường đặt hàng trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu, năm 2011, Sở KH-CN đã chuyển giao 52 kết quả nghiên cứu cho các đơn vị ứng dụng; tỷ lệ đề tài ứng dụng sau nghiệm thu là 34,18%; tỷ lệ các đề tài đặt hàng đạt trung bình là 21% để giải quyết những vấn đề bức xúc của TP như xây dựng phần mềm kết hợp GPR, GPS, GIS kiểm tra hệ thống hố ngầm và công trình ngầm; đề xuất các giải pháp khắc phục lún sụp mặt đường; các vấn đề an ninh-quốc phòng, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Ông Phan Minh Tân cho rằng, thông qua các hoạt động phổ biến, chuyển giao kết quả nghiên cứu đã tạo được sự chuyển biến và gắn kết nghiên cứu khoa học với thực tế sản xuất, kinh doanh. Điều này thể hiện khá cụ thể khi năm 2011, hiệu quả đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ bước đầu phát huy hiệu quả, điển hình là ngân sách đầu tư cho 7 công trình nghiên cứu khoa học là 5,4 tỷ đồng, đã ký 10 hợp đồng chuyển giao 8 công nghệ từ kết quả của 7 công trình nêu trên với trị giá là 8,760 tỷ đồng. Như chuyển giao công nghệ sản xuất tinh dầu trầm bằng phương pháp CO2 cho Công ty TNHH Nghiên cứu sản xuất tinh dầu Handa; chuyển giao công nghệ ủ phân hữu cơ vi sinh và công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh cho Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa; chuyển giao công nghệ sản xuất hoạt chất azadirachtin    3% từ hạt neem dùng làm nguyên liệu, chất phụ gia để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho Trung tâm Thông tin ứng dụng tỉnh Ninh Thuận; chuyển giao kết quả công trình nghiên cứu lõi IP điều khiển thay thế một số thiết bị, linh kiện nhập cho Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thực hiện thương mại hóa.

TPHCM đã tập trung đầu tư một số đề tài, dự án nghiên cứu trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, năng lượng, thiết kế vi mạch… tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới (chip vi xử lý SG8V1, chip vi xử lý RFID, các bộ kit sinh học phân tử chẩn đoán bệnh, công nghệ sản xuất nhiên liệu diesel nhũ tương, biodiesel…) có thể đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn, lên đến hàng triệu USD... Đây là những công trình, dự án KH-CN gắn chặt với sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục